Một trong 2 người phụ nữ vẽ chữ "Me Too" bằng sơn đỏ lên tác phẩm The Origin of the World. Ảnh: Cắt từ video do Deborah de Robertis cung cấp cho truyền thông. |
Ngày 10/5, bảo tàng d'Orsay nổi tiếng tại Paris (Pháp) báo cáo cảnh sát về việc 2 người phụ nữ xịt sơn vào các tác phẩm được trưng bày, theo AFP.
Cụ thể, 2 người này bị buộc tội phun dòng chữ "MeToo" (phong trào đấu tranh vì nữ quyền) lên tác phẩm The Origin of the World (tạm dịch: Cội nguồn nhân gian) - bức tranh khỏa thân nổi tiếng được sáng tác vào năm 1866 bởi họa sĩ Gustave Courbet - và 4 tác phẩm khác.
Sự việc xảy ra tại bảo tàng Pompidou-Metz (thành phố Metz, phía Đông Bắc Paris), nơi đã mượn các bức tranh từ d'Orsay với mục đích triển lãm. Các tác phẩm được bảo vệ bởi kính chuyên dụng, vì vậy sơn không ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt bức tranh.
"Khi bị dính sơn, các tác phẩm được gỡ xuống để kiểm tra bởi chuyên gia. Khung tranh bị dính nhiều vết sơn, có thể để lại dấu vết lâu dài ngay cả khi được phục hồi", đại diện d'Orsay nói trong một thông báo.
Bảo tàng này cũng cho biết các bức tranh sẽ không quay trở lại Metz khi triển lãm tại đây kết thúc vào tháng 5.
Công tố viên Yves Badorc của thành phố Metz cho biết có tổng cộng 5 tác phẩm bị xịt dòng chữ "MeToo". Đáng chú ý, ngoài ra, bức tranh I Think Do I Suck (1991) của họa sĩ Annette Messager bị đánh cặp khỏi bảo tàng.
Các tác phẩm khác cũng bị vẽ với dòng chữ "MeToo" bằng sơn đỏ, bao gồm bức họa Miroir de l’origine (Tạm dịch: Gương soi nguồn cội) của Deborah De Robertis (2014). Ảnh: Deborah de Robertis. |
Liên quan đến sự việc, Deborah de Robertis - một nghệ sĩ người Pháp gốc Luxembourg - lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ xịt sơn. Người này cho biết cô tổ chức để 2 phụ nữ khác vẽ graffiti dòng chữ "Me Too" lên các tác phẩm, coi đây như một buổi "biểu diễn" với tên gọi "You Don’t Separate the Woman from the Artist" (tạm dịch: Bạn đừng hòng tách rời phụ nữ khỏi nghệ thuật").
Robertis còn gửi đoạn video ghi lại sự việc đến AFP. Trong video, một phụ nữ đánh dấu bức tranh của họa sĩ Courbet bằng sơn đỏ, sau đó người thứ 2 vẽ chữ vào bức họa này. Sau cùng, họ hét lớn "Me Too" trước khi bị nhân viên an ninh kéo đi.
Thậm chí, Robertis cũng gửi một thư ngỏ đến hãng tin nhằm tố cáo hành vi của 6 người đàn ông trong ngành nghệ thuật, mô tả họ là "kẻ săn mồi" và "kẻ kiểm duyệt". Người này cho biết đang giữ bức họa của Messager vì tội "tái chiếm đoạt".
Robertis có tác phẩm được trưng bày tại Metz - một bức ảnh chụp chính cô vào năm 2014 tại Musee d'Orsay khi khỏa thân tạo dáng bên dưới bức tranh của Courbet.
Trước đó, vào năm 2020, một tòa án tại Pháp xử phạt Robertis 2.000 euro vì xuất hiện khỏa thân vào năm 2018 tại Lourdes - một địa điểm tôn giáo nằm ở Tây Nam nước Pháp.
Người phụ nữ này cũng khỏa thân trước bức họa Mona Lisa tại bảo tàng Louvre ở Paris.
Châu Âu có diện tích nhỏ thứ hai thế giới nhưng sở hữu nền văn hóa đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Tri thức - Znews giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về lục địa già.