TS.BS Mai Đắc Việt - khoa Phẫu thuật Khớp (Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - cảnh báo hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi khá thường gặp ở nam giới trẻ và trung niên (30-50 tuổi). Đây là bệnh có mối liên hệ trực tiếp từ thói quen uống rượu và hút thuốc.
Bệnh nguy hiểm ra sao?
Theo TS Việt, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào và tuỷ xương do bị thiếu máu nuôi dưỡng. Vùng tổ chức hoại tử ban đầu tạo ra các vùng thưa xương, ổ khuyết xương, về sau dẫn tới gẫy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hoá thứ phát và gây mất chức năng của khớp háng.
Đây là căn bệnh diễn biến âm thầm, từ từ, cho đến khi người bệnh cảm nhận được đau ở khớp háng, đồng nghĩa nó đã tiến triển đến giai đoạn trung bình trở lên.
Một số trường hợp không có triệu chứng đầu tiên, đau tại khớp háng, mà trong giai đoạn sớm có cảm giác đau khớp gối cùng bên hoặc cảm giác đau vùng mông, đau gối cùng bên khớp háng bị tổn thương.
Chính vì thế, một số người bệnh dễ bị chẩn đoán là thoái hóa khớp gối, bệnh lý tại khớp gối, hay thoát vị đĩa đệm, mà bị bỏ qua trường hợp hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi giai đoạn sớm.
Hình ảnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hai bên giai đoạn muộn. |
2 thói quen cần bỏ
TS Việt cảnh báo hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi chủ yếu gặp ở nam giới (80%-90%), độ tuổi trung bình từ 40-50. Nguyên nhân lạm dụng rượu là 75%-85%; trong đó lạm dụng rượu kết hợp hút thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ lệ từ 65%-72%.
Nghiện rượu được xem là yếu tố nguy cơ cao gây hoại tử xương với vòng xoắn bệnh lý: Nghiện rượu - tăng lipoprotein máu - xơ cứng động mạch, hẹp lòng mạch - hoại tử xương. Nguy cơ này xảy ra với người uống từ 400 ml rượu mỗi tuần.
Thuốc lá là tác nhân nguy hiểm thứ hai. Theo Primal Kaur, chuyên gia về bệnh loãng xương thuộc hệ thống các trường Đại học Y tế ở Philadelphia (Mỹ), nicotine và các độc tố trong thuốc lá làm ảnh hưởng xương khớp từ nhiều góc độ.
Khói thuốc lá tạo ra lượng lớn các chất oxy hóa, sản sinh ra chuỗi các phản ứng gây tổn thương trên toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tế bào, cơ quan và hormone liên quan trong việc giữ gìn hệ xương khớp khỏe mạnh.
Hút thuốc lá làm giảm lượng calcitonin, là hormone có tác dụng tích cực ngăn ngừa tiêu xương. Khi calcitonin giảm, quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn, làm xương suy yếu. Thói quen này cũng làm tổn thương mạch máu, khiến nồng độ oxy trong máu giảm, tăng gấp đôi nguy cơ gãy xương.
Hút thuốc làm tăng nồng độ carbon monoxide, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu, từ đó làm cản trở quá trình tự sửa chữa hư tổn của sụn khớp.
“Thủ phạm chủ yếu gây hoại tử chỏm xương đùi ở nước ta là do lạm dụng rượu kết hợp hút thuốc lá, thuốc lào quá nhiều. Đây là yếu tố chính làm tổn thương, viêm mạn tính và làm tắc các mao mạch (mạch máu nhỏ) nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử dần. Bệnh diễn biến ngày càng nặng có thể gây gãy xương dưới sụn và xẹp chỏm”, TS Việt cho hay.
Chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên nghĩ đến hoại tử chỏm xương đùi khi thấy mình nằm trong nhóm nguy cơ cao kể trên. Nên đi khám nếu có biểu hiện đau khớp háng một hay hai bên, đặc biệt khi ngồi xổm, dạng khép khớp háng, xoay trong khớp háng, đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi, hoặc có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng mà chưa tìm ra nguyên nhân tổn thương tại khớp gối.
Hoại tử chỏm xương đùi, nếu điều trị sớm khi giai đoạn chỏm chưa bị sụp lún, có thể tránh cho bệnh nhân nguy cơ phải thay khớp háng. Như vậy, chẩn đoán sớm là yếu tố quan trọng.
Để phòng bệnh, người dân cần thiết lập cho mình chế độ sinh hoạt lành mạnh, đặc biệt tránh rượu bia, thuốc lá, thuốc lào.