Mặc dù hôn nhân đồng giới vẫn còn khá mới mẻ ở Mỹ, một số nước khác trên thế giới đã công nhận điều đó từ lâu. Phong trào bắt đầu từ Hà Lan, lan sang Canada, Nam Phi, Tây Ban Nha vào những năm 2000. Gần đây nhất, hôn nhân đồng giới đã trở thành hợp pháp ở Bắc Ireland và Costa Rica. |
Ngày 26/5, luật hôn nhân đồng giới chính thức hợp pháp hóa tại Costa Rica. Alexandra Quiros và Dunia Araya nhanh chóng là một trong số những cặp kết hôn vào đúng ngày trọng đại này. Tổng thống Carlos Alvarado Quesada cũng có đôi lời chia sẻ trên Twitter: "Hôm nay, Costa Rica chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Hôm nay, chúng ta hãy kỷ niệm sự tự do và bình đẳng. Hy vọng sự đồng cảm và tình yêu dẫn lối cho chúng ta xây dựng một đất nước dành cho mọi người". Ảnh: Getty Images. |
Patrick Decker và Stephen Hengst trong lễ cưới của họ trên một chiếc thuyền tại cuộc diễu hành Gay Pride năm 2009 Amsterdam (Hà Lan). Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, chỉ một câu duy nhất được thay đổi trong luật hôn nhân ở Hà Lan: "Một cuộc hôn nhân có thể được tiến hành bởi hai người khác hoặc cùng giới tính". Từ đó, các cặp đồng giới được phép kết hôn, ly hôn và nhận con nuôi. Ảnh: AP. |
Năm 2005, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua luật cho phép người đồng tính kết hôn và nhận con nuôi. Thư ký Hiệp hội đồng tính Quốc tế Kursad Kahramanoglu cho biết: "Tây Ban Nha muốn xã hội hoàn toàn bình đẳng. Khoảng 15-20 năm trước, nhiều người không tưởng tượng được một quốc gia Công giáo như Tây Ban Nha lại làm được điều này". Ảnh: Reuters. |
Năm 2016, Tshepo Cameron Modisane và Thoba Calvin Sithol là những người đàn ông đầu tiên ở Nam Phi tổ chức hôn lễ đúng theo truyền thống. "Chúng tôi thật may mắn khi có gia đình ở bên. Họ yêu thương và quan tâm bất kể giới tính của chúng tôi là gì", Modisane chia sẻ. Ảnh: Getty Images. |
Paul McCarthy cùng người bạn đời là cặp đồng tính đầu tiên kết hôn ở New Zealand sau khi Quốc hội nước này thông qua Dự luật sửa đổi luật hôn nhân, cho phép kết hôn đồng giới năm 2013. "Chúng tôi ở bên nhau 11 năm rồi. Thật hạnh phúc khi chúng tôi được trao lời nguyện thề bên nhau trọn đời tại New Zealand", McCarthy cho biết. Ảnh: Getty Images. |
Đám cưới đồng tính đầu tiên ở Scotland diễn ra vào ngày 21/12/2014, cũng đúng thời điểm quốc gia này hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. |
Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Mỹ là một con đường dài và phức tạp, kéo dài từ năm 1970 cho đến năm 2015. Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố: "Những người đồng tính mong muốn được hưởng quyền lợi ngang bằng công dân khác. Vì vậy, Hiến pháp trao cho họ quyền lợi đó". Ảnh: Getty Images. |
Thông qua nhiều đám cưới cảm động, người dân Mỹ hiểu rằng được kết hôn là một quyền chính đáng, không phải là một đặc ân. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton khẳng định: "Cộng đồng LGBT Mỹ là những công dân xứng đáng được hưởng đầy đủ và bình đẳng quyền công dân, bao gồm cả hôn nhân". Ảnh: Getty Images. |
Năm 2017, Đức là quốc gia thứ 22 công nhận hôn nhân đồng giới. Điều này như một lời nhắc nhở rằng tất cả công dân đều bình đẳng. Giống các đám cưới truyền thống khác, những hôn lễ đồng tính ở Đức nói riêng và trên thế giới nói chung đều tràn ngập nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc. Ảnh: Getty Images. |
Năm 2019, Đài Loan (Trung Quốc) là nơi đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Đây là dấu hiệu tích cực dành cho các cặp đồng tính ở châu lục này sau những nỗ lực đấu tranh quyền bình đẳng không ngừng nghỉ. Ảnh: Getty Images. |