Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

200 người bị triệu tập đến phiên xử Trầm Bê, Phạm Công Danh

Phiên tòa xét xử Trầm Bê, Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm có hơn 200 người giam gia tố tụng. Trong đó, đại diện 7 ngân hàng lớn, nhiều gương mặt quen thuộc bị triệu tập

Ngày 8/1, TAND TP.HCM sẽ đưa vụ án Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) cùng 44 đồng phạm ra xét xử.

Phiên tòa lần này triệu tập hơn 200 người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong đó, có những cái tên quen thuộc như ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quý Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV),...

dai an pham cong danh tram be anh 1
Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm sẽ bị xét xử vào ngày 8/1. Đồ họa: Hữu Nhân.

Đại diện 7 ngân hàng cũng được triệu tập đến tòa, gồm: Ngân hàng thương mại THNN một thành viên Xây dựng Việt Nam (VNCB nay là CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank, chi nhánh Tân Phú và Láng Hạ), Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên  Đại Dương.

Ngoài ra, Công ty Thiên Thanh Long Hải, Công ty TNHH Tập Đoàn Thiên Thanh; Quỹ Lộc Việt, Nhà Hưng Thịnh,… cùng 33 công ty, doanh nghiệp khác cũng được mời đến dự.

Tính đến hôm nay, đã có hơn 70 luật sư được cấp giấy chứng nhận tham gia bào chữa cho các bị cáo. Bị cáo Phạm Công Danh có 7 luật sư bào chữa, trong đó có luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Hà Hải. Bị cáo Trầm Bê có 2 luật sư bào chữa là luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, Phạm Ngọc Trung.

“Về quan điểm, chúng tôi ủng hộ việc truy tố của Viện kiểm sát về tội danh đối với ông Phạm Công Danh. Tuy nhiên, điều gì không đúng thì luật sư sẽ đấu tranh tới cùng. Việc chúng tôi làm trước tòa sẽ đối chất với các bên liên quan về những khoản chi và trả lãi không đúng để giúp truy thu lại số tiền cho ngân hàng Xây Dựng (VNCB)”, luật sư Hà Hải chia sẻ.

dai an pham cong danh tram be anh 2
Bị cáo Trầm Bê. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Trong phiên sơ thẩm giai đoạn 1, Phạm Công Danh đã bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phiên tòa lần này thuộc giai đoạn 2 của vụ án. 

Theo cơ quan tố tụng, Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB). Biết không thể trực tiếp vay tiền của ngân hàng này, từ 2013 đến 2014, ông Danh đã chỉ đạo nhân viên sử dụng pháp nhân các công ty ông ta lập nên để làm 29 bộ hồ sơ khống vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV 

Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty, dẫn đến ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.127 tỷ đồng.

Bị cáo Trầm Bê đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống.

Theo dự kiến, phiên tòa kéo dài từ ngày 8/1 đến ngày 9/2 do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa cùng thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiên. Hai thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Văn Hà, bà Quách Thanh Bình. Đại diện VKS tham gia phiên tòa là ông Trần Quỳnh Lan và bà Nguyễn Việt Liên.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm