Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

20/11 của những người thầy không giáo án

Không đứng trên bục giảng, không bảng đen phấn trắng, không có một giáo trình chuẩn nào, nhưng họ vẫn được kính trọng gọi bằng “thầy”.

Cảm ơn thầy!

Dù nguyên tắc trong các trại giam là phạm nhân phải gọi cán bộ là quản giáo là “cán bộ” xưng “tôi” nhưng tại Trại tạm giam số 2 (Công an Hà Nội), đa số các phạm nhân đều gọi quản giáo bằng “thầy”, xưng “em”, “cháu”. Theo Đại úy Trần Tiến Dũng – Quản giáo đội 1, thuộc Phân trại Quản lý phạm nhân, cách gọi này là thể hiện tình cảm chân thành của những phạm nhân ở trại đối với người quản giáo, đồng thời cũng tạo sự gần gũi, xóa đi mặc cảm. 

Từng có 24 năm tuổi nghề, gắn bó với nhiều trại giam và hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với hàng nghìn phạm nhân, anh Dũng là người đã cảm hóa được không ít phạm nhân. Không giống như những người thầy trên giảng đường đưa ra những bài học trong sách vở, những người làm công tác giáo dục phạm nhân ngoài việc phải tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo chế độ cho tù nhân còn phải tiếp xúc, phải hiểu từng phạm nhân, động viên để họ yên tâm cải tạo, cảm hóa để họ nhận thức được sai lầm và hướng thiện. 

Phạm nhân tại Trại tạm giam số 2 đa phần thụ án ngắn, ít hoặc không được giảm án, vì vậy họ thường không có động lực cải tạo, thái độ bất hợp tác thậm chí chống đối, vì vậy cán bộ quản giáo ở đây hết sức áp lực, mệt mỏi. Có những người mang nhiều tiền án, tiền sự, khi vào đến trại chỉ còn phải thụ án vài tháng nữa, các phạm nhân này thường có thái độ bất cần và “cùn” theo kiểu “đằng nào hết án cũng mới được ra tù” nên thường có biểu hiện không chấp hành, thậm chí chống đối cán bộ quản giáo. Nắm bắt được tâm lý đó, những người quản giáo phải có ứng xử thật khéo léo để họ thay đổi thái độ, hợp tác lao động, cải tạo.

Cán bộ trại đang hướng dẫn các phạm nhân làm việc.

"Làm "thầy” ở đây quan trọng là cái tâm, phải làm sao vừa tình cảm, gần gũi, mềm dẻo nhưng cũng vừa cứng rắn để phạm nhân tự ý thức được hành vi của mình mà thay đổi.
Những người thầy trong trại giam không phải chỉ đứng trước những phạm nhân mà tuyên truyền lý thuyết được, mà phải giáo dục họ từ những cái nhỏ nhất, quan sát họ có biểu hiện sai sót, lệch lạc gì, nắm bắt tâm lý để tác động giúp họ thay đổi...

Có phạm nhân vào đây mắc AIDS giai đoạn cuối đã tuyên bố là đằng nào cũng không được giảm án, sẽ chống phá, nhưng chỉ sau vài lần trò chuyện,  phạm nhân này đã gặp tôi hứa sẽ không lặp lại vi phạm nữa ”, Đại úy Dũng chia sẻ.

Vị cán bộ nói: “Đôi khi niềm vui của những người quản giáo chỉ là những điều nhỏ nhặt có khi chỉ là ánh mắt thân thiện của phạm nhân, hoặc phạm nhân mình trực tiếp giáo dục đã thay đổi, tiến bộ, hay như đến ngày nhà giáo Việt Nam, có phạm nhân bảo tôi là sắp đến ngày của thầy rồi đấy. Mặc dù mình có làm nghề giáo đâu, nhưng khi thấy họ nói thế thì thấy cũng vui, cảm động và thấy công việc mình đang làm có nhiều ý nghĩa”.

Gắn bó với nghề quản giáo, áp lực cũng có, nhưng niềm vui cũng nhiều. Vui nhất là khi những phạm nhân cải tạo tốt, ra khỏi tù làm ăn lương thiện. Có phạm nhân ở quận Long Biên, khi vào đến Đội 1, Phân trại Quản lý phạm nhân đã là lần thụ án thứ ba, có mặt ở hầu tất các trại giam phía Bắc. Lần thứ nhất là tội đánh bạc, trong quá trình trả án lại phạm tội do giết bạn tù, khi ra tù lại tiếp tục phạm tội đánh bạc và quay trở vào trại. Xác định đây là phạm nhân khó cảm hóa, Đại úy Dũng đã phải có nhiều buổi gặp gỡ riêng để trò chuyện, gần gũi và thức tỉnh phạm nhân. Sau này anh này ra trại và hiện mở một điểm trông giữ xe, rửa xe, thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm “thầy” và không quên cảm ơn vì những tháng ngày ở trong tù đã giúp anh không tiếp tục mắc sai lầm.

Nghề “bắt tâm lý”

Có lẽ điều trăn trở và cũng là nỗi buồn của không ít quản giáo là cái nhìn ác cảm của xã hội, đặc biệt những người thân của phạm nhân về nghề nghiệp của họ. Không ít người nhìn người cán bộ quản giáo như những người cai tù mà không hiểu được những công việc thầm lặng của những người giữ chìa khóa mở tâm hồn cho các phạm nhân.

Phạm nhân Trương Việt Minh (quê Ninh Thuận), hiện đang thụ án 40 tháng tù giam tại Đội 1, Phân trại Quản lý phạm nhân chia sẻ: Mới đầu khi bị bắt vào tù em sốc, sợ lắm, nghĩ vào tù sẽ bị nhốt, bị đối xử tệ bạc. Nhưng vào đây mới thấy các thầy thực sự rất gần gũi, quan tâm đến em từng bữa ăn, từng cái áo rét, hay chiếc chăn ấm khi những ngày đông mới về. Em ở xa nhà nên hay nhớ nhà, thầy thường xuyên trò chuyện, động viên. Ở đây ngoài việc mất tự do và nhớ nhà cộng với ân hận những việc mình đã làm nên các phạm nhân rất yêu thương nhau vì đều là những người thiếu thốn tình cảm.

Đại úy Trần Tiến Dũng cho biết, các phạm nhân ở trại thường có diễn biến tâm lý hết sức phức tạp như ân hận những việc đã làm, lo lắng cho bố mẹ, vợ con ở nhà sinh sống thế nào, tình cảm vợ chồng ra sao. Có phạm nhân ít được người nhà đến thăm thì chạnh lòng, có người nghe tin vợ quyết định ly hôn thì buồn chán, khủng hoảng tâm lý, từ đó dẫn tới hành động thiếu suy nghĩ… Vì vậy, các cán bộ quản giáo vẫn nói với nhau, làm nghề này phải có kỹ năng “bắt tâm lý”, người quản giáo phải sát sao quan sát thái độ của phạm nhân khi họ có thay đổi để hiểu được tâm trạng của họ. Thậm chí người quản giáo còn phải làm cả những công việc không đúng chuyên môn như… tư vấn tình cảm, hôn nhân gia đình… 

Có phạm nhân đang thụ án thì vợ ở ngoài làm thủ tục ly hôn, lúc ấy không chỉ động viên phạm nhân mà các anh còn phải gặp trực tiếp vợ và người thân của họ để trò chuyện, giúp họ giải tỏa những khúc mắc tâm lý. Hay có phạm nhân bị người nhà quay lưng, coi là “đồ bỏ đi”, lúc này cán bộ quản giáo còn phải tìm cách gặp người nhà phạm nhân, phân tích để họ hiểu và chia sẻ để phạm nhân yên tâm cải tạo.

Từng là người cán bộ quản giáo, với thâm niên 20 năm công tác tại các trại giam, Thiếu tá Nguyễn Tất Hoàn – Đội trưởng Đội phân trại quản lý phạm nhân cho biết, mỗi người vào trại là một số phận, một tính cách khác nhau. Có trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít kẻ lưu manh chuyên nghiệp, hung hãn, tàn ác; có người chưa biết chữ nhưng cũng có người là cử nhân, là tiến sĩ, giáo sư; có người không công ăn việc làm, lại cũng có những cán bộ công chức, thậm chí từng giữ những chức vụ quan trọng. Thái độ của họ cũng khác nhau, có người sợ hãi, có kẻ bất cần, có người tích cực cải tạo những cũng có những kẻ chây ỳ, chống đối. Do vậy, cán bộ quản giáo phải rất linh hoạt trong giáo dục, cải tạo phạm phân, chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp. Người quản giáo phải thực sự tôn trọng phạm nhân, coi phạm nhân là những người thân của mình và quan trọng phải gương mẫu, giữ gìn tư cách đạo đức. Có như vậy công việc giáo dục, cải tạo phạm nhân mới có hiệu quả.

Những người làm nhiệm vụ “giáo dục lại”

Thiếu tá Nguyễn Tất Hoàn ví von, nếu coi người thầy đứng trên bục giảng nhà trường là “giáo dục đi”, tức là giáo dục đạo đức, văn hóa giúp hình thành nhân cách, trình độ cho con người thì những người “thầy” trong trại giam được coi là “giáo dục lại”. Nhiệm vụ này cũng gian nan vô cùng bởi những người phạm tội đều là những đối tượng đã trưởng thành, có nhận thức, có va chạm xã hội, từng trải và phần lớn là có sự méo mó về nhân cách. Không có một giáo án chung nào cho những người thầy đặc biệt này, mỗi phạm nhân phải là một “bài giảng” riêng. 

Trung tá Nguyễn Xuân Nam – Phó giám thị trại tạm giam số 2 cho biết, đối với những người làm công tác giáo dục trong trại giam để phạm nhân nhận thức được hành vi phạm lỗi của mình, cảm hóa để họ ăn năn hối cải không tiếp tục vi phạm pháp luật thì điều cốt lõi là phải có cái tâm, bản thân cái tâm của người cán bộ chiến sĩ trong trại giam đã là bài học để khơi dậy cái phần thiện trong con người họ. Vì vậy, người quản giáo không chỉ phải am hiểu về pháp luật, bản lĩnh, người thầy còn cần phải rèn luyện đạo đức, có lòng vị tha. Khi một phạm nhân ra khỏi trại giam tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, thì đấy chính là cái sản phẩm của người “thầy” trong trại giam.  

http://www.anninhthudo.vn/vi-binh-yen-cuoc-song/2011-cua-nhung-nguoi-thay-khong-giao-an/581124.antd

Theo Linh Nhật/ An ninh Thủ đô

Bạn có thể quan tâm