Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

21 năm làm bị can

Cách đây 21 năm, tòa án xét xử cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, giao cơ quan điều tra lại vụ án ông Phan Văn Lá can tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng sự việc đến nay vẫn im.

Rửa vội đôi chân bê bết bùn vì đang gieo sạ dở dang, ông Phan Văn Lá (ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vội mở tủ lấy cả một chồng hồ sơ, đơn từ khiếu nại, thở dài: "Tui làm nông từ nhỏ, cực khổ cũng quen, 15 tháng tù giam đi làm cống thủy lợi chẳng cực nhọc gì nhưng nỗi hàm oan thì không chịu được". Rồi ông Lá bắt đầu kể rành mạch.
Ông Phan Văn Lá.

Sáng 22/7/1991, ông Lá đang trên đường ra đồng thì hàng xóm cho hay hai người em của ông là Phan Văn Tân (lúc bấy giờ 15 tuổi) và Phan Văn Châu (13 tuổi) bị Công an xã Hiệp Thành, huyện Châu Thành bắt vào tối hôm trước vì tội ăn cắp dây điện. Trưa hôm đó, Công an xã Hiệp Thành triệu tập Lá đến và cho biết ông là người chủ mưu, cùng với hai người em thực hiện việc ăn cắp.

15 tháng tù, hơn 20 năm oan ức

Năm ngày sau, ông Phan Văn Lá bị khởi tố và bị Công an huyện Châu Thành bắt tạm giam để điều tra, sau đó bị Viện KSND huyện này truy tố về tội Hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Lúc này ông Lá mới được công an cho biết hai em đã khai ông là chủ mưu, dù hai người này vẫn còn ở tuổi vị thành niên và không hề có người giám hộ trong suốt quá trình công an giam giữ để điều tra.

"Giá nào thì tui cũng phải làm cho ra lẽ về việc tui cứ phải mang ách bị can. Nhưng giờ gửi đơn khiếu nại khắp nơi còn chưa thấy ai trả lời, huống chi nói đi kiện thì biết kiện ai và kiện ở chỗ nào? Chỉ còn cách hi vọng những người có cấp có quyền cao hơn nghe thấy và hiểu được nỗi oan của tui"

Ông Phan Văn Lá

Ngày 28/12/1991, TAND huyện Châu Thành mở phiên tòa sơ thẩm. Tân và Châu đều kêu oan và khai rằng khi vụ trộm xảy ra, hai anh em đang đi chích cá tại địa điểm trên. Và việc hai người này phải khai ông Phan Văn Lá tổ chức cắt trộm dây điện là "vì cán bộ đánh đau buộc phải khai ra ba người nên không biết khai cho ai ngoài anh mình". Dù kể từ khi bị bắt cho đến lúc đưa ra xét xử trước tòa, ông Lá liên tục kêu oan nhưng tòa vẫn tuyên phạt ông Lá 4 năm tù giam. Ông làm đơn kháng án.

Sau đó trong phiên phúc thẩm ngày 6/9/1992, TAND tỉnh Long An nhận định "cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng" nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao toàn bộ hồ sơ để điều tra xét xử theo thủ tục chung.

Ngày 13/10/1992, Công an huyện Châu Thành tiếp tục có lệnh tạm giam ông Phan Văn Lá thêm hai tháng. Nhưng hai ngày sau Viện KSND huyện Châu Thành ra quyết định hủy bỏ việc tạm giam, cho gia đình bảo lãnh ông Lá về nhà.

Từ đó đến nay ông Lá sống trong thân phận bị can. "Bà con xóm giềng né tránh làm mặc cảm vô cùng, đã vậy công việc cũng gặp nhiều khó khăn do không ai muốn làm ăn với người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tui chờ ngày xét xử hoài nhưng các cấp chính quyền dường như quên luôn cho đến nay", ông Lá kể.

Hồ sơ bị mất?

Ông Lá đã gửi đơn khiếu nại đi rất nhiều nơi, xa nhất là TAND tối cao ở Hà Nội, nhưng vẫn chưa thể gỡ được thân phận bị can. Trong suốt thời gian khiếu kiện, chỉ có TAND huyện Châu Thành có văn bản trả lời sát nhất với nội dung khiếu nại của ông Lá. Trong văn bản ngày 15/1/2013, TAND huyện Châu Thành đề nghị ông Lá tiếp tục khiếu nại tại cơ quan điều tra thuộc Công an huyện Châu Thành.

Ông Lá cho biết vào ngày 26/3, Công an huyện Châu Thành có mời ông đến làm việc. "Buổi làm việc không hề có văn bản dù tui đã yêu cầu. Còn hai cán bộ làm việc tại đây thì suốt buổi chỉ vận động tui rút đơn khiếu nại cho vui vẻ đôi bên vì vụ việc này xảy ra lâu quá rồi. Nhưng phải trả thân phận, quyền công dân lại cho tui chứ mang tiếng ăn cắp, ở tù, mất tư cách công dân cả đời thì vui vẻ sao được", ông Lá nói.

Tháng 6/2013, ông Phạm Văn Rạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm, cụ thể là Viện KSND tỉnh và Công an tỉnh phải có kết luận nhanh nhất để công khai dư luận.

Nhưng mới đây, ông Nguyễn Công Pha, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An, cho biết: "Sau khi xem xét lại thì thấy trách nhiệm chính là của phía công an vì hồ sơ vụ việc thuộc về công an nên đơn vị này phải xử lý. Riêng Viện KSND tỉnh cũng chịu một phần trách nhiệm vì đã không theo dõi sát sao dẫn đến lọt vụ việc này. Hiện chúng tôi đang tiếp tục tác động thường xuyên để Công an tỉnh Long An có hướng xử lý nhanh nhất có thể".

Còn ông Nguyễn Văn Phạm, Phó chánh văn phòng Công an tỉnh Long An, cho hay: "Vụ này vẫn chưa có hồ sơ chi tiết, phải có kết hợp giữa nhiều ngành. Theo báo cáo của Công an huyện Châu Thành thì hồ sơ đã mất hết nên vẫn chưa thể đưa ra kết luận được". Với tình hình này, ông Phan Văn Lá chắc hẳn khó thoát khỏi thân phận bị can và sẽ còn bỏ nhiều buổi làm ruộng nữa để theo đuổi đòi "tư cách công dân" của mình.

 

Hành trình khiếu nại của ông Phan Văn Lá

Sau khi được bảo lãnh về nhà (ngày 15/10/1992), ông Phan Văn Lá làm đơn gửi Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An đề nghị nhanh chóng điều tra để trả lại sự trong sạch cho ông. Theo ông Lá, cho đến giữa năm 1993 ông đã nhiều lần đến Công an huyện Châu Thành để hỏi về vụ việc nhưng không được trả lời.

- Tháng 8/2012, ông Lá gửi đơn lên HĐND, TAND, Viện KSND, Công an huyện Châu Thành và các cơ quan tỉnh Long An, TAND TP.HCM. HĐND tỉnh Long An có văn bản trả lời với nội dung đã giao Viện KSND tỉnh Long An xem xét. TAND, Viện KSND tỉnh Long An và TAND TP.HCM trả lời với nội dung đề nghị liên hệ TAND huyện Châu Thành.

- Ngày 20/9/2012, TAND huyện Châu Thành đề nghị ông cung cấp thêm chứng cứ.

- Ngày 15/1/2013, TAND huyện Châu Thành có văn bản thứ hai trả lời ông Lá với nội dung bản án sơ thẩm đã bị TAND tỉnh Long An tuyên hủy, hồ sơ đã được chuyển lại cơ quan điều tra. TAND huyện Châu Thành đề nghị ông Lá tiếp tục khiếu nại tại cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành.

- Ngày 26/3, Công an huyện Châu Thành mời ông Lá đến làm việc, vận động ông rút đơn khiếu nại.

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm