Sau 19 năm phát sóng, Đường lên đỉnh Olympia vẫn giữ được sức sống bền bỉ, là game show có tuổi đời dài nhất của VTV.
Nhưng bên cạnh đó, từ lâu nay, chương trình còn được gán ghép các biệt danh không chính thức như "Đường lên đỉnh Australia”, "Tuyển chọn nhân tài cho nước Úc", "Tìm kiếm tài năng nước Úc".
Mỗi khi “đỉnh Olympia” tìm được nhà vô địch mới, những lời mỉa mai, chế giễu như “nước Úc lại có thêm nhân tài”, “chúc mừng nước Úc” xuất hiện ở nhiều nơi.
Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết nhà vô địch Olympia sau khi nhận học bổng sang Australia học tập đều lựa chọn không trở về.
Sau trận chung kết Olympia năm 19, vấn đề ở lại nước ngoài hay về Việt Nam của các nhà vô địch leo núi gây chú ý trở lại. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chỉ lo vun vén cho bản thân?
Trong hành trình Olympia, các gương mặt MC, luật chơi hay điều kiện tuyển chọn thí sinh đã có sự thay đổi.
Duy chỉ có phần thưởng gồm vòng nguyệt quế, cúp vô địch và 35.000 USD từ nhà tài trợ để phục vụ cho việc du học (nơi học do thí sinh lựa chọn) dành cho nhà vô địch được giữ nguyên.
Từ năm thứ 6, Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia) trao học bổng toàn phần cho nhà vô địch trong 4 năm. Người về nhì cũng nhận được học bổng 50% nếu tới Swinburne học tập.
Trong số 19 quán quân Olympia, người chiến thắng năm 18, 19 là Nguyễn Hoàng Cường và Trần Thế Trung chưa đi du học.
Còn lại 16/17 nhà vô địch đều chọn du học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne (Lương Phương Thảo - quán quân năm 3 - lựa chọn Đại học Monash, Australia).
Đến nay, chỉ có Lương Phương Thảo và Lê Viết Hà (năm 7) trở về nước làm việc, còn hầu hết quán quân đều định cư ở xứ sở chuột túi.
Lương Phương Thảo (trái) làm việc cho một công ty quảng cáo tại TP.HCM. Lê Viết Hà đã về Việt Nam làm chuyên viên tư vấn cấp cao của một công ty lớn từ tháng 12/2017. Ảnh: FBNV, Medium. |
Dưới các bài đăng về Olympia trên Zing.vn gần đây, độc giả bày tỏ quan điểm về vấn đề ở lại nước ngoài hay về Việt Nam của các nhà vô địch leo núi.
"Chương trình đã đào tạo nhân tài để bổ sung cho nước Úc", "Thi xong toàn chảy máu chất xám thì thi làm gì?", "18 em được đi du học thì 16 em không về, thấy buồn"... là một số ý kiến được người đọc đưa ra.
Theo Phạm Thế Phi, Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình rất hay khi cổ vũ tinh thần say mê học hỏi, mở mang kiến thức cho các thế hệ học sinh Việt Nam.
Bên cạnh đó, tài khoản này cho rằng một bên được lợi rất lớn từ chương trình là Australia. Bởi rất nhiều người trẻ, giỏi của Việt Nam được phát hiện từ chương trình này đang làm việc tại xứ sở chuột túi.
"Đất nước nuôi họ lớn, trao cho họ cơ hội học tập tốt nhất. Còn họ chỉ lo vun vén cho bản thân. Có bao nhiêu người nghĩ về quê hương", Trần Nhân viết.
Chương trình không can thiệp quyết định của thí sinh
Phản pháo những lời chỉ trích quán quân Olympia không về nước, Tuyền Phạm đặt câu hỏi: “Những người giỏi ở Việt Nam học ở thành phố vậy có về quê nhà cống hiến không?”.
Từng tham gia tranh luận về vấn đề "Olympia đào tạo nhân tài cho nước Úc", Nguyễn Hữu Quang Nhật - quý quân Olympia năm 18 - bày tỏ: "Một năm có 144 thí sinh thi Olympia, chỉ có thí sinh giỏi nhất đi Úc" (Ý nói tỷ lệ tham gia chương trình và đi du học là rất ít - PV).
Theo Phí Anh Dũng, chương trình Đường lên đỉnh Olympia không đào tạo mà chỉ là sân chơi để các thí sinh thi đấu và giành học bổng. Còn nỗ lực để trở thành thành quán quân phụ thuộc vào mỗi thí sinh.
"Sau khi chiến thắng, họ sang Australia và được đào tạo để hoàn thiện hơn. Bên đó cũng đãi ngộ nhân tài nên việc họ ở lại hay về là quyền của họ thôi. Không mấy ai về nước vì cuộc sống ở bên đó phải nói thật là mọi thứ quá tốt”, người này viết.
Phần thưởng 35.000 USD dành cho nhà vô địch hàng năm là do nhà tài trợ cung cấp. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Một cựu thí sinh từng chia sẻ với Zing.vn rằng mục tiêu của ê-kíp sản xuất Đường lên đỉnh Olympia là tìm kiếm học sinh giỏi, không phải đào tạo nhân tài cho nước ngoài.
Học sinh nào có đủ kiến thức, phản ứng nhanh, thêm may mắn sẽ thắng cuộc và nhận được phần thưởng xứng đáng. Sau đó, đường đi cho tương lai đều do học sinh đó tự quyết định, chương trình không can thiệp.
"Từ trước đến nay, chương trình Đường lên đỉnh Olympia chưa hề ép buộc quán quân phải đi Australia học hay bắt họ cam kết phải về nước khi học xong. Pháp luật cũng không cấm việc họ ở lại nước ngoài nên không ai có quyền 'ném đá', mà nên tôn trọng quyết định của mỗi cá nhân", anh chia sẻ.
Thêm vào đó, phần thưởng dành cho nhà vô địch do đơn vị tư nhân tài trợ, không phải Bộ GD&ĐT. Bởi vậy, thí sinh có quyền tự do chọn lựa nơi mình cảm thấy phù hợp để sống và làm việc.