Trong đó, 14 tỉnh chọn sách giáo khoa (SGK) của NXB Giáo dục Việt Nam, đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.
Cụ thể, tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hoà, Quảng Bình, Đắk Nông, 100% chọn sách của NXB này. Quảng Trị đạt 94%, Trà Vinh 91%, Bến Tre 90%, Nghệ An và Quảng Nam cùng đạt 89%, Cao Bằng 88%, Đắk Lắk và TP.HCM đạt 85%, Kiên Giang 80%.
22 tỉnh, thành công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1 mới. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam. |
Sau khi kết thúc việc chọn lựa SGK mới, NXB Giáo dục Việt Nam ưu tiên tiến hành một số công việc để đảm bảo việc triển khai sách mới thuận lợi trong thời gian tới.
NXB sẽ tập huấn sử dụng SGK mới, tổng hợp số lượng địa phương đăng ký sách, in ấn, cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời trước năm học mới.
Bên cạnh đó, họ liên tục hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý trong quá trình sử dụng sách.
Việc tập huấn sử dụng SGK có 3 hình thức. Với tập huấn trực tiếp, cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam cùng các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả sách đến từng tỉnh tổ chức tập huấn trực tiếp cho giáo viên và cán bộ quản lý.
Họ cũng sử dụng ứng dụng hội thảo trực tuyến để tập huấn, phát huy ưu thế về phòng tránh dịch bệnh, tăng số lượng người tham dự, tăng cường tương tác giữa người tập huấn và giáo viên.
Ngoài ra, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục sẽ được NXB cấp tài khoản để có thể đọc, tải miễn phí tài liệu thuyết minh SGK, câu hỏi thường gặp, phiên bản điện tử SGK và sách giáo viên, các slide, video bài giảng tập huấn, video các tiết học minh hoạ thuộc dạng bài điển hình, video và tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị dạy học.
Nguồn tài nguyên, học liệu mở này liên tục được NXB Giáo dục Việt Nam cập nhật, bổ sung.
SGK mới được áp dụng từ năm học 2020-2021. Do đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương trên cả nước báo lại kết quả chọn SGK trước ngày 20/5.
Theo dự thảo quy định mới về lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, UBND tỉnh, thành phố có quyền quyết định việc lựa chọn SGK cho các trường trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh, thành phố sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn SGK gồm lãnh đạo, chuyên viên của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi môn của một cấp học thành lập một hội đồng.
Các cơ sở giáo dục có thể tổng hợp kiến nghị của giáo viên, học sinh về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.