Theo đề xuất này, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất UBND TP triển khai xây dựng những chính sách hỗ trợ học phí cho toàn bộ học sinh (HS) tiểu học trường tư thục và công lập tự chủ để tạo công bằng trong giáo dục, bình đẳng giữa các loại hình trường cũng như giữa tất cả HS.
TP.HCM hướng tới mục tiêu bình đẳng trong giáo dục. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động. |
Toàn bộ HS tiểu học trường tư được hỗ trợ
Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP.HCM, tính đến cuối năm học 2019-2020, TP có hơn 23.142 HS bậc tiểu học đang học tại các trường ngoài công lập. Nếu trừ những HS không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại TP.HCM, còn gần 23.000 HS sẽ được hỗ trợ học phí.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, chính sách này sẽ giúp giảm áp lực tài chính với các gia đình, từng bước giảm áp lực về sĩ số HS ở các trường công lập, giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống trường công, qua đó khuyến khích những nhà đầu tư có đủ năng lực tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập.
Cũng theo đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM, đối tượng hỗ trợ gồm HS tiểu học cư trú thực tế trên địa bàn TP.HCM (thường trú và tạm trú) học tại cơ sở giáo dục tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư của TP.HCM.
Mức hỗ trợ được tính theo công thức hỗ trợ trực tiếp theo số tháng thực học tại các cơ sở giáo dục (tối đa không quá 9 tháng/năm).
Mức hỗ trợ học phí bằng định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách đối với HS tiểu học theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM. Thời gian thực hiện từ năm học 2021-2022. Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách TP.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ bù tiền tổ chức dạy 2 buổi/ngày khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với giáo dục tiểu học.
Cụ thể, HS tiểu học công lập trên địa bàn TP sẽ được hỗ trợ với mức cấp bù tiền miễn giảm tổ chức 2 buổi/ngày là 70.000 đồng/HS/tháng. Thời gian thực hiện từ năm học 2021-2022.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, đề xuất trên là phù hợp luật. Tuy nhiên, mới chỉ là xin ý kiến ban đầu để được phép xây dựng dự thảo đề án; và còn phải thêm nhiều bước như xin góp ý của các sở, ban, ngành liên quan… nên lúc này chưa thể nói được có khả thi hay không.
Cần công khai, minh bạch
Theo lãnh đạo một phòng - ban trực thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM, dù là một chính sách nhân văn, được ủng hộ, tính khả thi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo vị này, trước đây, ở năm học 2018-2019, liên sở Tài chính và GD&ĐT đã tham mưu cho UBND TP chính sách miễn học phí THCS theo chủ trương của Thành ủy và được lãnh đạo UBND TP thống nhất.
TP.HCM sau đó có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS tại các trường công lập. Nếu được đồng ý, TP sẽ trình HĐND thông qua tại cuộc họp gần nhất.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng việc miễn giảm học phí THCS tại TP.HCM sẽ tạo sự không thống nhất giữa TP và các địa phương liên quan. TP.HCM sau đó đã điều chỉnh mức thu học phí bậc THCS, giảm từ 100.000 đồng/tháng còn 60.000 đồng, áp dụng với HS ở 19 quận.
Tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, học phí giảm từ 85.000 đồng xuống còn 30.000 đồng.
Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM - cho rằng trên thế giới rất nhiều quốc gia dành nguồn ngân sách cho mọi đối tượng HS, không phân biệt trường công, tư.
Có nghĩa là mọi đứa trẻ đều được nhận một khoản hỗ trợ, nếu học ở trường công thì khoản này sẽ chuyển về trường công, tương tự học trường tư thì chuyển về trường tư.
Khi có sự hỗ trợ công bằng, sẽ khuyến khích HS học tại các trường tư thục, giảm bớt áp lực tuyển sinh tại các trường công.
"Vì vậy, đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM là hợp lý, tạo sự bình đẳng cho tất cả HS. Vấn đề là nếu được chấp thuận và thông qua, cần công khai, minh bạch các khoản thu trong nhà trường; khoản nào được thu, khoản nào được hỗ trợ và những HS nào được hỗ trợ" - ông Điệp nói.
Trong khi đó, ở góc độ trường ngoài công lập, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, chủ hệ thống trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, cho biết vấn đề của các trường tư thục hiện nay không nằm nhiều ở chuyện học phí, hầu như trường nào cũng có chính sách miễn, giảm cho HS không có điều kiện.
Theo bà Vĩnh, ngay trong giai đoạn trường học phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến để phòng chống dịch bệnh, các trường tư gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn gồng gánh để đồng hành cùng phụ huynh, chỉ thu những khoản thực tế.
"Ở góc độ đầu tư cho giáo dục, chúng tôi mong muốn nhà nước hỗ trợ nhiều hơn về vấn đề pháp lý, thủ tục, tạo thêm nhiều điều kiện để trường tư hoạt động để xã hội có cái nhìn khác về trường tư, chứ không phải trường tư chỉ là những nơi kinh doanh giáo dục" - bà Vĩnh bày tỏ.
Mức học phí của học sinh TP.HCM hiện nay
Tại TP.HCM, HS bậc tiểu học công lập không phải đóng học phí. Riêng các bậc học còn lại được chia theo hai nhóm, nhóm 1 là HS tại các trường từ quận 1 đến 12 và quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân. Nhóm 2 là HS các trường huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.
Cụ thể, bậc nhà trẻ đối với các trường thuộc nhóm 1 có mức thu 200.000 đồng/HS /tháng, nhóm 2 là 120.000 đồng/HS /tháng.
Bậc mẫu giáo, mức thu nhóm 1 là 160.000 đồng/HS /tháng và nhóm 2 là 100.000 đồng/HS /tháng.
Ở bậc THCS, mức thu HS các trường ở nhóm 1 là 60.000 đồng/HS/tháng, nhóm 2 là 30.000 đồng/HS /tháng.
Bậc THPT, HS thuộc nhóm 1 có mức thu học phí là 120.000 đồng/HS /tháng và nhóm 2 là 100.000 đồng/HS /tháng.
Thời gian thu học phí được tính là 9 tháng/năm học. Theo tính toán, với mức học phí cũ (chưa giảm ở bậc THCS), mỗi năm TP.HCM thu được khoảng 350 tỉ đồng.