Ngày 17 tháng 7
Ngày buồn đối với các gia đình đang sinh sống tại một tầng chung cư thuộc phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM. Đây cũng là nơi gia đình nhỏ của chị Lê Thị Nút, 41 tuổi, cư trú.
Tin đồn về một F0 xuất hiện tại đây bắt đầu lan ra các gia đình. Chị Nút lặng người đi chốc lát. Covid-19 là căn bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh.
Đã làm rất tốt các quy định về giãn cách của thành phố thời gian qua, chị Nút mong gia đình mình sẽ không có ai nhiễm virus. Chiều cùng ngày, lực lượng y tế phường xuống lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cư dân trong tầng.
Kết quả xét nghiệm lần một cho thấy các thành viên trong gia đình đều âm tính. Tuy nhiên, 7 người dân ở 5 căn hộ cùng tầng lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Đêm hôm đó, chị Nút mất ngủ. Chị nhớ lại thời gian qua, bé Phan Bảo Trân, 7 tuổi, con gái út của chị từng vài lần chạy chơi với các bạn hàng xóm ngoài hành lang chung cư.
Những lần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 luôn mang đến tâm trạng lo lắng, hồi hộp. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Linh cảm không lành và hy vọng
Ngày 19 tháng 7
Nỗi lo bỗng lớn hơn khi bé Trân, sau khi tỉnh dậy, kêu với chị Nút: “Mẹ ơi, con đau họng”.
Chị tự trấn an mình, có lẽ con chỉ bị viêm họng thông thường khi thời tiết TP.HCM những ngày này thay đổi liên tục. Chị cho con ngậm thuốc ho được 2 ngày thì cảm giác đau họng của bé Trân không còn. Chút hy vọng lóe lên nhưng trong thâm tâm, chị Nút vẫn không khỏi bất an.
Ngày 23 tháng 7
Các nhân viên y tế tiếp tục xuống lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lại cho toàn bộ cư dân.
“Thực lòng, lần xét nghiệm này, tôi rất lo lắng vì trong đầu đã nghĩ về một kết quả xấu”, chị Nút nhớ lại.
Sau khi cả nhà hoàn thành lấy mẫu, nhận kết quả và trở về, vừa đóng cửa thì tiếng chuông vang lên. Tim chị Nút tưởng như ngừng đập trong chốc lát. Nhân viên y tế báo kết quả test nhanh của bé Trân nghi ngờ, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm khẳng định.
Cả nhà chỉ lặng lẽ nhìn nhau và tự trấn an. Biết đâu kết quả xét nghiệm rRT-PCR của bé Trân lại âm tính. Biết đâu kết quả test nhanh không hoàn toàn chính xác.
Đối mặt với thực tế
Ngày 27 tháng 7 năm 2021
Chồng chị Nút nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Mẫu bệnh phẩm của bé Trân dương tính với SARS-CoV-2, chỉ số CT=21. Trong khi đó, 4 thành viên còn lại trong gia đình chị Nút đều âm tính với virus.
Chị kể: “Lúc này, cả nhà bắt đầu lo lắng, không rõ con gái sẽ được đưa đi cách ly ở đâu, cả nhà phải đi hay chỉ một người theo chăm sóc...".
May thay, tới buổi chiều, nhân viên y tế phường gọi điện để lấy thông tin về 5 thành viên trong gia đình chị Nút và đồng ý cho bé Trân cách ly, tự theo dõi tại nhà.
“Tôi và chồng bắt đầu bình tĩnh hơn, bàn bạc lại. Giờ phải tách bà Sáu (chị ruột của chị Nút, có tiền sử đái tháo đường) và anh trai bé Trân (9 tuổi) ra phòng riêng. Ăn, ngủ và sinh hoạt biệt lập. Hai vợ chồng sẽ tiếp tục ở cùng và chăm sóc bé Trân”, người mẹ này chia sẻ.
Được cách ly tại nhà, việc quan trọng nhất là đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Thời gian trôi đi, chị cùng chồng nỗ lực bồi bổ, chăm lo thức ăn cho bé Trân cũng như chính bản thân nhằm tăng sức đề kháng. Không hoang mang như người lớn, bé Trân chỉ thi thoảng lại thắc mắc với mẹ về lý do mình mắc bệnh.
Chị chia sẻ: “Tôi cho bé ăn 3 bữa chính như mọi ngày và luôn chú trọng đến các chất dinh dưỡng thiếu yếu. Tôi cố gắng đa dạng nguồn thực phẩm như tôm, thịt, yến, sinh tố, nước cam, chanh... Ngoài ra, tôi cũng cho con ăn thêm các bữa phụ với hoa quả để tăng sức đề kháng”.
Người phụ nữ này cũng cho hay cả tầng chung cư bị phong tỏa trong 3 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, chị có thể mua thực phẩm qua nhóm của chung cư trên mạng xã hội, nhờ họ giao tới cho bảo vệ để chuyển lên nhà. Chung cư còn bố trí một ban hậu cầu luôn túc trực để hỗ trợ các hộ gia đình trong thời gian phong tỏa. Nhờ đó, gia đình chị Nút gần như không thiếu thốn gì.
Điều may mắn nhất với gia đình là trong thời gian này là sức khỏe của tất cả thành viên đều ổn định, không ai xuất hiện triệu chứng của bệnh. Điều này cũng khiến tâm lý chị thoải mái hơn, kiên cường tiếp tục chăm sóc cả nhà. Có được kết quả đó, chị Nút cho rằng phần nào nhờ việc cả 3 người lớn trong nhà đều đã được tiêm vaccine Covid-19 từ tháng 6.
Ngày 10 tháng 8
Trước đó, ngày 2/8, bé Trân có kết quả test nhanh âm tính với virus. Hơn một tuần sau, cả gia đình chị Trân một lần nữa được lực lượng y tế phường lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả thành viên cũng đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
“Niềm hạnh phúc khi đó thực lòng rất khó diễn tả. Sau 24 ngày sống cùng khẩu trang, nước sát khuẩn và tâm trạng bất an trong chính căn nhà của mình, cuối cùng, chúng tôi cũng có thể thả lỏng hơn đôi chút và trở lại cuộc sống như vốn có”, chị Nút chia sẻ.
Lưu ý khi F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà:
- Tạo tâm lý thoải mái khi được sinh hoạt tại gia đình
- Thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh: phòng riêng, khép kín, thông gió và tuyệt đối không tiếp xúc gần người thân
- Tự theo dõi và phát hiện những yếu tố có thể đánh giá dấu hiệu sinh tồn, diễn biến nặng bao gồm: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu
- Người bệnh diễn biến nặng tỷ lệ thuận với độ tuổi, bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…).
Xem thêm tại đây: Hướng dẫn F0 tự chăm sóc tại nhà.