Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

25,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, áp lực đổ dồn nội đô Hà Nội

Học ngày cày đêm và đạt mức điểm trung bình gần 8,5 điểm/môn, thí sinh vẫn trượt nguyện vọng 1 trường công lập ở nội thành.

Có năng lực học tốt, M.Q. tự tin đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Lê Quý Đôn. Ngày có kết quả thi vào 10, Q. và mẹ chết lặng vì có tổng điểm xét tuyển 25,25 (Toán 9, Ngữ văn 8, Ngoại ngữ 8,25) trong khi điểm chuẩn của Lê Quý Đôn là 25,5.

Điểm cao vẫn trượt

“Con đã nỗ lực rất nhiều, học ngày học đêm suốt cả năm học lớp 9. Khi đăng ký nguyện vọng, mẹ cũng lăn tăn nhưng vì các bài khảo sát ở trường đạt kết quả tốt, Lê Quý Đôn cũng là ngôi trường con mơ ước, lại gần nhà nên để con đăng ký. Không ngờ, con trượt nguyện vọng khi chỉ thiếu 0,25 điểm”, chị Thuỷ, mẹ của M.Q. tiếc nuối nói.

Theo chị Thuỷ, sau khi biết kết quả, con buồn lắm. Đêm cứ nằm vật vã không ngủ được.

“Thương con lắm nhưng không biết phải làm thế nào, giá mà Hà Nội có thêm trường công lập ở bậc THPT để các con đỡ khổ. Mình được khuyên làm đơn phúc khảo bài thi Ngữ văn thay vì chờ đợi trường hạ điểm chuẩn”, chị tâm sự.

Chị Phạm Thị Hoa cũng có con thiếu 0,25 điểm có thể đỗ vào trường THPT Kim Liên. Xác định đăng ký nguyện vọng vào trường top, những tháng sát kỳ thi, con thường thức đến 2-3h để học bài.

Ngoài học ở trường, tuần 5-6 buổi “cày” ở các trung tâm luyện thi. Thấy con quyết tâm nên bố mẹ cũng chỉ biết cách đồng hành đưa đón đi học, động viên. Nhưng khi có kết quả, chỉ thiếu một chút may mắn nữa thôi, con đã có thể đạt được mơ ước của mình.

Trong số 115 trường THPT công lập không chuyên của Hà Nội, năm nay có 12 trường tuyển điểm đầu vào trung bình từ 7,9 điểm/môn trở lên gồm: THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), THPT Kim Liên, THPT Phan Đình Phùng, THPT Yên Hoà, THPT Nhân Chính, THPT Việt Đức, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Thăng Long, THPT Trần Phú, THPT Cầu Giấy, THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa).

Trong đó, trường có điểm chuẩn cao nhất là 25,5, thí sinh phải đạt mức điểm trung bình 8,5 điểm/môn mới có thể trúng tuyển.

Có thể dễ nhận thấy, các trường có mức điểm tuyển sinh cao ngất ngưỡng này đều nằm ở nội đô.

Năm 2025, tại quận Hà Đông (cũ), có hơn 6.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, trên toàn quận chỉ có 3 trường công lập gồm Lê Quý Đôn, THPT Quang Trung và THPT Trần Hưng Đạo, tuyển khoảng 2.200 học sinh. Năm 2024, có hơn 8.000 thí sinh dự thi nhưng 3 trường công lập chỉ tuyển khoảng 2.000 em vào lớp 10.

Hay như ở quận Cầu Giấy (cũ), hàng năm có số lượng thí sinh tốt nghiệp THCS đông nhưng hiện cũng mới chỉ có 2 trường THPT công lập là trường THPT Cầu Giấy, THPT Yên Hòa; Khu vực 2 (Hoàn Kiếm) nhiều năm nay cũng chỉ có 2 trường là THPT Trần Phú và THPT Việt Đức.

Áp lực dồn nội đô

Học sinh đông, số lượng trường công lập ở khu vực nội đô rất ít, nên dù Sở GD&ĐT Hà Nội chia thành 12 khu vực tuyển sinh và có cơ chế để học sinh có thể đăng ký thêm một nguyện vọng ngoài khu vực tuyển sinh nhưng đây chưa phải là giải pháp hiệu quả.

Theo quy định, mỗi thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1, 2 phải cùng một khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Theo giáo viên một trường THCS, khi tư vấn học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển, thầy cô luôn nhấn mạnh ưu tiên nguyện vọng 1, dự phòng nguyện vọng 2 và chống trượt nguyện vọng 3.

Theo số liệu công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm nay của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy các trường ngoại thành có điểm chuẩn hàng năm thấp, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 tăng vọt.

Ví dụ như trường THPT Bắc Lương Sơn, nguyện vọng 1 chỉ có 396 em đăng ký, nhưng nguyện vọng 2 cao gần gấp 5 lần; nguyện vọng 3 cao gấp 9,5 lần với hơn 3.800 thí sinh đăng ký.

Hay như trường THPT Lưu Hoàng, nguyện vọng 1 chỉ có 447 thí sinh đăng ký nhưng nguyện vọng 3 có tới hơn 3.000 thí sinh.

Phụ huynh chia sẻ con đăng ký “nguyện vọng 3 cho có, dù trúng tuyển cũng không học vì quá xa”; đăng ký nguyện vọng 3 vì cô giáo động viên... Thực tế, có học sinh đăng ký nguyện vọng 3 cách nhà hàng chục cây số, dù muốn học sinh cũng không thể mỗi ngày đạp xe đến trường, bố mẹ đưa đón lại càng khó khăn.

Thiếu trường công lập ở khu vực nội đô là thực tế kéo dài nhiều năm nay và cũng là nguyên nhân dẫn đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có sức ép lớn đến thí sinh, phụ huynh.

Hà Nội hiện có hơn 2.900 trường học các cấp nhưng ở bậc THPT chỉ có 119 trường công lập, hơn 100 trường tư thục và gần 30 trung tâm GDNN - GDTX.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chỉ ra nguyên nhân dẫn đến áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là thiếu trường lớp, nhất là ở khu vực nội thành.

Nhiều năm nay, số lượng trường công lập ở bậc THPT rất ít, trong khi không có trường mới được xây thêm. Để giải bài toán này, Hà Nội cần nhanh chóng dành quỹ đất để xây thêm trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Cũng theo TS Lâm, ở những nơi xây dựng chung cư, nhà cao tầng, thành phố phải quyết liệt trong việc xây nhà phải có trường học.

Ngoài việc sử dụng ngân sách nhà nước, cần có chính sách để hợp tác với các tổ chức, cá nhân xây trường. Ví dụ, thành phố giao đất, tổ chức, cá nhân xây trường và đi vào hoạt động trong đó, nhà nước phải kiểm soát mức học phí để người dân có thể cho con theo học.

Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.

Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.

Trên 20 điểm mới đỗ lớp 10 một số trường tư tại Hà Nội

Trường Marie Curie, Lương Thế Vinh, Archimedes đều lấy điểm chuẩn vào lớp 10 trên 20 điểm, xét theo kết quả kỳ thi do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.

https://tienphong.vn/ha-noi-2525-diem-van-truot-nguyen-vong-1-ap-luc-do-don-noi-do-post1758091.tpo

Hà Linh / Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm