Times Higher Education (THE) vừa công bố xếp hạng trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi. Trong số 606 cơ sở giáo dục đại học từ 48 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng năm nay, Việt Nam có 3 đại diện lọt top.
Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 251-300), Đại học Bách khoa Hà Nội (hạng 351-400) và Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 401-500).
Việt Nam có 3 đại diện lọt top trường hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi. Ảnh: HSB. |
So với năm 2020, thứ hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội có thay đổi. Vị trí của hai trường giảm lần lượt từ 201-250 xuống 251-300 và 251-300 xuống 351-400. Riêng Đại học Quốc gia TP.HCM không thay đổi thứ hạng.
Tuy nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tăng điểm ở 5 tiêu chí đánh giá, trong đó tiêu chí nghiên cứu tăng mạnh nhất (8.8%), tiếp theo là trích dẫn khoa học (8%).
Ba tiêu chí còn lại là giảng dạy, chuyển giao tri thức và quốc tế hóa đều tăng nhẹ, lần lượt là 2.3%, 1.6% và 0.6%.
Trong xếp hạng năm nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu với 91 cơ sở giáo dục được xếp hạng. Những đại diện quen thuộc, thường xuất hiện trên các xếp hạng quốc tế uy tín bao gồm Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Chiết Giang...
Xếp thứ 2 là Nga với 48 cơ sở được xếp hạng, Đài Loan xếp thứ 3 với 38 đại diện được nêu trong danh sách. Nam Phi cũng đạt được thành tựu nổi bật với 11 trường đại học lọt top.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều đại học có thứ hạng cao như Đại học Malaysia (Malaysia), xếp hạng 31; Đại học Mahidol (Thái Lan) xếp hạng 80; Đại học Indonesia (Indonesia) xếp hạng 116 và Đại học Philippines (Philippines) xếp hạng 83.
Xếp hạng các trường hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi dựa trên 13 tiêu chí của THE, nhưng được đánh giá lại với sự điều chỉnh về trọng số các tiêu chí để phản ánh những ưu tiên phát triển của các trường trong nền kinh tế mới nổi.
Các tiêu chí cụ thể bao gồm: Đào tạo (chất lượng môi trường học tập và giảng dạy) 30%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng) 30%; trích dẫn khoa học (ảnh hưởng nghiên cứu) 20%; danh tiếng quốc tế (thu hút giảng viên, sinh viên và nghiên cứu quốc tế) 10%; nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp (hiệu quả chuyển giao tri thức) 10%.
Đặc biệt, uy tín học thuật của các cơ sở giáo dục được THE đánh giá khách quan, dựa trên bầu chọn của học giả trong hệ thống tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu Scopus, do THE lựa chọn.
Ngoài ra, tiêu chí các quốc gia có nền kinh tế mới nổi được lựa chọn từ 3 phân loại của Sàn giao dịch chứng khoán London (FTSE Group) là Advanced emerging, Secondary emerging và Frontier.