Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

3 em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam tròn 25 tuổi

Năm 1998, các bác sĩ ở TP.HCM hạnh phúc đón chào 3 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo tròn 25 tuổi, đánh dấu 25 năm kỷ niệm ngày chào đời của trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu.

Đêm 30/4/1998, Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo và Phạm Tường Lan Thy cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay của các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Sau 25 năm, Trân cùng Bảo và Thy đã trở thành những cô gái, chàng trai khỏe mạnh, xinh xắn, có công việc ổn định.

Ngày lịch sử

"Thành công này mang đến nhiều chiến thắng về mặt khoa học, phát triển chuyên môn", GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), bồi hồi chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 25 năm ngày trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam chào đời, tổ chức sáng 27/4 tại Bệnh viện Từ Dũ.

GS Phượng là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Việt Nam.

"Tôi luôn nhớ cảm giác vào thời điểm đặt phôi vào bên trong chị Tuyết, mẹ của bé Tuyết Trân, bác sĩ Lan (tức PGS Vương Thị Ngọc Lan - PV) - con gái tôi lúc đó cũng tròm trèm tuổi 25. Hôm nay, các cháu cũng đã 25 tuổi. Hy vọng trong tương lai, các cháu sẽ trở thành công dân tốt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước", bà nói.

Năm 1997, khi Bệnh viện Từ Dũ gần như hoàn tất các quy trình, đoàn chuyên gia Pháp đã được mời đến, bắt đầu điều trị, làm phôi nhưng chưa có giấy phép của Bộ Y tế.

Ngay thời điểm này, GS Phượng cùng Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân Tạ Thị Chung và Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Phạm Việt Thanh quyết định đi từ TP.HCM lên Tây Ninh để trực tiếp gặp lãnh đạo Bộ Y tế xin giấy phép.

Sau nhiều lần trắc trở, cuối cùng, những phôi thai đã được đặt thành công. Tối 29/4/1998, mẹ của Mai Quốc Bảo chuyển dạ, bị suy tim thai. GS Phượng lúc này như ngồi trên đống lửa, túc trực bệnh viện không dám về nhà.

2h sáng 30/4, Mai Quốc Bảo cất tiếng khóc chào đời.

8h và 9h sáng 30/4/1998, trong không khí phấn khởi của ngày mừng đất nước thống nhất, Tuyết Trân và Lan Thy cũng lần lượt chào đời, đủ ngày đủ tháng, khỏe mạnh.

Ngày 30/4/1998 được xem là một cột mốc lịch sử quan trọng của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam, mang lại hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Những bác sĩ làm IVF hiện nay đã trở thành chuyên gia, vẫn đang miệt mài chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương. Không những vậy, quốc tế đã công nhận kỹ thuật IVF của Việt Nam, họ gửi người đến nước ta để học tập kinh nghiệm.

"Việt kiều và người nước ngoài đến đây không chỉ để du lịch, họ đến để gặp chúng ta làm thụ tinh ống nghiệm, hy vọng có đứa con mang về", GS Phượng vui mừng nói.

Nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đặt niềm tin với các thế mạnh y khoa, hy vọng một ngày nào đó, Từ Dũ được xếp vào trong top 10 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tốt nhất thế giới.

Tự hào là "em bé ống nghiệm"

Chia sẻ với Zing, Mai Quốc Bảo cho biết hơn 10 năm qua, chàng trai đã quen với câu chuyện "kỳ diệu và xúc động" về hành trình đưa Bảo đến với thế giới của bố mẹ.

"Em lớn lên trong tình yêu thương gấp hàng vạn lần, những chuyện kể kỳ diệu và phép màu ngay trong đời thực từ câu chuyện của bố mẹ, của gia đình", Bảo chia sẻ.

Chàng trai 25 tuổi hiện chững chạc hơn, làm việc trong ngành logistic và là chỗ dựa vững chắc cho bố khi mẹ qua đời.

"Tôi luôn tự hào là em bé ống nghiệm, tự hào khi được sinh ra trong niềm hy vọng và tình yêu thương của gia đình, của y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ. Có thể nhờ sinh ra nhờ IVF, tôi có sức khỏe tốt, từ nhỏ đến lớn ít khi bệnh vặt", Bảo nói thêm.

Lưu Tuyết Trân cũng trở thành cô gái 25 tuổi đầy năng lượng với nụ cười rạng rỡ.

"Từ tận đáy lòng, tôi biết ơn bố mẹ và các y bác sĩ đã đưa tôi đến với thế giới này", Trân nói.

25 năm trước, trong ngày lịch sử này, bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, với vai trò là bác sĩ trẻ, trong ê-kíp chào đón những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật IVF.

"Niềm vui vỡ òa của gia đình khi con chào đời luôn in đậm trong lòng tôi. Cảm xúc ngày hôm nay khi gặp lại những đứa trẻ ấy vẫn rất bồi hồi và xúc động", bác sĩ Hải nói.

Mục tiêu lọt top bệnh viện sản khoa tốt nhất thế giới

Đây là mục tiêu được PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đặt hy vọng và nhắc lại nhiều lần với lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ.

Theo PGS Thượng, xuyên suốt hàng chục năm qua, Từ Dũ không chỉ là đơn vị đầu ngành mà còn là chiếc nôi đầu tiên trong cả nước về kỹ thuật IVF.

Ông bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các thế hệ thầy thuốc đã vượt qua nhiều khó khăn, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

thu tinh trong ong nghiem anh 3

Phòng lab hiện đại tại đơn vị Hỗ trợ sinh sản, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Duy Hiệu.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị bệnh viện triển khai nhiều hoạt động chuyên ngành, triển khai thành công hơn nữa kỹ thuật chuyên sâu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thực hành IVF và phát triển trung tâm thực hành - đào tạo, trung tâm di truyền y học, trung tâm can thiệp y học bào thai, trung tâm chuyên sâu sơ sinh... ngang tầm thế giới.

Hiện xếp hạng các bệnh viện chuyên khoa tốt nhất thế giới chưa có ngành sản khoa, tuy nhiên, theo PGS Thượng, xu hướng này là tất yếu.

Do đó, lãnh đạo Sở Y tế kỳ vọng Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương một ngày không xa có thể ghi tên trong danh sách những bệnh viện sản khoa tốt nhất thế giới, khẳng định vị trí của nền y học sản phụ khoa của TP.HCM trong khu vực ASEAN.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, cũng chia sẻ Từ Dũ là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới nhất của thế giới.

Các kỹ thuật điển hình như bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), MESA-ICSI (MESA là kỹ thuật lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh), giảm thai, nuôi phôi, trữ phôi nhanh, trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM), kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser (LAH), chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD)...

Từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000 đến 60.000 lượt.

Tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây là hơn 22.000 ca. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ. Tỷ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên toàn cầu vào năm 2022, khoảng 1/6 người trưởng thành bị vô sinh ở một thời điểm trong đời. Khoảng một triệu cặp vợ chồng tại Việt Nam đang bị vô sinh. Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng và trẻ hóa.

Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.

Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.

Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.

Bích Huệ - Duy Hiệu

Bạn có thể quan tâm