Ông Phạm Văn Học, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), cho hay 16h45 ngày 2/9, kíp trực nhận được thông tin thai phụ Vũ Thị Kim Huệ (xã Ngọc Quan huyện Đoan Hùng) bị ong đốt.
Khi bác sĩ đến nơi, chị Huệ đang ở giai đoạn tiền hôn mê khi bị hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, phổi có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp và bắt đầu rối loạn ý thức.
Xác định bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc phản vệ rất nặng do ong đốt, các bác sĩ liền cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh nhân được tiêm nửa ống Adrenalin và trong suốt quãng đường 15 km đến viện, liều Adrenalin được tiêm nhắc lại sau mỗi 5 phút. Tuy nhiên, tình trạng sốc phản vệ vẫn tiếp tục có chiều hướng xấu hơn.
Các bác sĩ xác định đây là trường hợp sốc phản vệ đặc biệt nghiêm trọng và rất khó xử trí vì bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 36, mỗi mũi tiêm chống sốc cho mẹ đều bất lợi cho thai nhi.
Sức khỏe của em bé hiện rất tốt. Ảnh: BVCC. |
Ngay khi nhận được thông tin, Ban giám đốc đã phát động “báo động đỏ” toàn bệnh viện, kíp cấp cứu với đầy đủ các chuyên khoa.
17h05, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng hôn mê, SPO2 dao động 70-75%, mạch nhanh, huyết áp tụt, có lúc không đo được.
Do tác dụng của thuốc cấp cứu, thai nhi 36 tuần tuổi đã rơi vào tình trạng xấu. Các bác sĩ hội ý và quyết định mổ lấy thai càng nhanh càng tốt. Đây là biện pháp duy nhất để có thể cứu cả mẹ lẫn con.
Chưa đầy 10 phút, khi chưa kịp làm bất cứ xét nghiệm nào, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu. Khi được đưa ra khỏi bụng mẹ, niêm mạc thai nhi nhợt nhạt, da toàn thân tím tái đáp ứng phản xạ yếu.
Sau 15 phút hồi sức tích cực sơ sinh đáp ứng tương đối tốt. Bé được lưu tại buồng hồi sức sơ sinh dưới sự giám sát đặc biệt của các bác sĩ, điều dưỡng của liên khoa phụ sản và sơ sinh.
Sau khi mổ, các bác sĩ đã hồi sức tích cực, sử dụng các thuốc điều trị sốc phản vệ với liều tối đa, các chỉ số sinh tồn của sản phụ dần cải thiện, tình trạng phản vệ và sốc đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, đây là lần mổ lấy thai lần hai và trên nền bệnh nhân sốc, tình trạng co hồi tử cung chậm, nguy cơ đờ tử cung rất cao. Nhiều phút sau khi lấy thai các bác sĩ gây mê hồi sức và phẫu thuật viên đã áp dụng những biện pháp tích cực nhất có thể nhưng tình trạng chảy máu vẫn khó kiểm soát.
“Khi bên buồng hồi sức sơ sinh em bé cất những tiếng khóc đầu tiên cũng là lúc tình trạng chảy máu của sản phụ được kiểm soát, đường khâu cuối cùng được kết thúc lúc 19h05. Chúng tôi không ai nói với ai câu nào nhưng khi rời khỏi phòng mổ cả hai kíp cấp cứu, một cho mẹ và một cho con đều nhìn nhau và nở những nụ cười rạng rỡ nhất”, ông Học chia sẻ.
Hiện, tình trạng sức khoẻ của mẹ con chị Huệ đều rất tốt.