Sau suất chiếu đặc biệt tối 17/3, tác phẩm mới của đạo diễn Lê Văn Kiệt nhận nhiều tín hiệu tích cực từ khán giả đại chúng cũng như cộng đồng yêu phim. Là phim Việt hiếm hoi khai thác hiện tượng bóng đè, phim đi sâu vào thế giới tiềm thức của con người, khắc họa đậm nét những tổn thương và đau đớn mà hiện tượng này gây ra. Yếu tố tâm lý đan cài khéo léo cùng những tình tiết hù dọa sáng tạo khiến “Bóng đè” không đơn thuần là một bộ phim kinh dị thiếu chiều sâu.
Phim xoay quanh ba cha con Thành (Quang Tuấn), Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi). Sau khi mẹ qua đời, cả gia đình chuyển về một ngôi nhà nhỏ ở vùng quê thanh bình. Tuy nhiên, hàng loạt sự kiện kỳ bí liên tục xảy ra, tình trạng bóng đè của cô con gái út Yến cũng ngày một trầm trọng.
Bộ phim quy tụ dàn sao có khả năng diễn xuất như Quang Tuấn, Lâm Thanh Mỹ, Mai Cát Vi và Diệu Nhi. Dàn diễn viên với diễn xuất sáng là điểm nhấn của “Bóng đè” trên thị trường phim kinh dị Việt.
Diễn xuất tỏa sáng của cặp sao nhí Lâm Thanh Mỹ - Mai Cát Vi
Lâm Thanh Mỹ là diễn viên nhí vốn được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao về mặt diễn xuất. Trong “Bóng đè”, nhân vật Linh không chỉ là người chị, mà còn như người mẹ luôn chăm sóc, che chở cho cô em gái. Mang dáng vẻ trưởng thành, đảm đang, song Linh vẫn chịu nhiều ám ảnh từ biến cố của gia đình.
Khắc họa nhân vật Linh, Lâm Thanh Mỹ thể hiện khả năng nắm bắt tâm lý nhân vật. Trước mặt người lớn, Linh ít nói nhưng lễ phép, nhẹ nhàng. Khi chăm sóc em gái, Lâm Thanh Mỹ ra dáng người chị, người mẹ, là chỗ dựa vững chắc cho Yến. Thế nhưng khi chỉ có một mình, cô lộ rõ vẻ mệt mỏi, đau khổ khi chìm trong ám ảnh về sự ra đi của mẹ. Cách Lâm Thanh Mỹ linh hoạt thay đổi biểu cảm, ánh mắt để thể hiện diễn biến tâm lý đa dạng của nhân vật.
Diễn xuất của 2 diễn viên nhí là điểm sáng của phim. |
“Con gái Hai Phượng” Mai Cát Vi có lần thứ hai hợp tác với đạo diễn Lê Văn Kiệt. Trong lần này, vai diễn có phần phức tạp hơn. Bên cạnh Lâm Thanh Mỹ trầm buồn, Mai Cát Vi lại thể hiện hình ảnh bé Yến nhí nhảnh, trong sáng. Vai diễn của Cát Vi đòi hỏi nhiều sức lực và sự tập trung cao độ khi cô là “tâm điểm” của hiện tượng bóng đè diễn ra trong gia đình.
Một điểm đáng khen khác là sự tương tác giữa Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi. Hai cô bé có màn hóa thân vào vai hai chị em nhờ diễn xuất tự nhiên. Linh và Yến có tính cách trái ngược nhau, nhưng đều yêu thương người chị/em gái của mình. Tương tác của hai diễn viên nhí khiến khán hồi hộp dõi theo những phân cảnh khi cả hai cùng tạo ra sự biến chuyển cho mạch phim.
Bối cảnh mới mẻ
Xuất thân từ UCLA, đạo diễn Lê Văn Kiệt có phong cách làm phim khá “Tây” với những mảng miếng đậm chất điện ảnh Hollywood. Từ những tác phẩm trước như “Dịu dàng” hay “Hai Phượng”, anh mang đến màn ảnh Việt những thước phim độc đáo với cách dẫn dắt, khai thác mới mẻ. Cái hay của đạo diễn là biết cách đưa ngôn ngữ điện ảnh và phong cách của mình vào những bối cảnh đậm chất Việt Nam.
Bóng đè cũng không phải ngoại lệ. Đạo diễn Lê Văn Kiệt và ê kíp đầu tư bối cảnh nông thôn Việt với sự pha trộn của những chất liệu hiện đại. Phim sử dụng những vật dụng đậm chất Việt như võng mây, bàn thờ tổ, tấm cửa chớp hay sào phơi đồ tre. Tuy nhiên, các cô con gái cũng mang iPad, tai nghe hay cả gậy selfie. Khán giả như đang xem một chuyến về thăm quê nhà ông bà gần gũi. Sự tinh tế này càng khiến khán giả cảm nhận sự liên kết với các nhân vật trong phim.
Phim khắc họa bối cảnh đậm chất Việt mới mẻ. |
Góc máy sáng tạo, màu phim đẹp, lối dựng phim đậm chất Hollywood là những điều khán giả khen ngợi khi trailer phim được công bố. Vào phim, điểm mạnh này phát huy hơn nữa. Lê Văn Kiệt dùng những góc máy hướng theo ánh nhìn của nhân vật nhằm mang đến trải nghiệm thật nhất cho người xem.
Miền quê hiện lên trong “Bóng đè” vừa đẹp khi hai cô bé chở nhau trên chiếc xe đạp giữa cánh đồng bát ngát, lại vừa tịch mịch, u ám khi màn đêm buông xuống. Đây là điểm khiến “Bóng đè” khác biệt với nhiều phim kinh dị khác. Khán giả không chỉ đang đi xem một bộ phim nhát ma, mà như trải nghiệm một tác phẩm điện ảnh với ngôn ngữ riêng và ý tứ rõ ràng.
Khai thác nỗi sợ tâm lý nhân vật
Nếu thưởng thức hết phim, khán giả dễ dàng nhận ra tác phẩm đào sâu vào nỗi sợ tâm lý của nhân vật. Sự ám ảnh, mù mờ về những sự việc diễn ra xung quanh khiến họ rơi vào khủng hoảng. Càng lật mở những bí mật, họ càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy của nỗi sợ trong tiềm thức.
Jumpscare là đặc sản của phim kinh dị, và “Bóng đè” cũng không thiếu những tình tiết như vậy. Tuy nhiên, phim dừng ở mức hù dọa vừa đủ, sự sợ hãi được khai thác từ cả bầu không khí tâm linh, kỳ bí trong phim. Các khán giả yêu thích dòng phim kinh dị “nặng đô” có thể sẽ chưa thực sự thỏa mãn với jumpscare của phim, nhưng về tổng thể, bộ phim vẫn mang lại trải nghiệm sợ hãi, ám ảnh khá tốt.
“Bóng đè” đi sâu khai thác những nỗi sợ trong tiềm thức. |
Hai phần ba thời lượng đầu phim xây dựng câu chuyện tốt dù mạch phim còn chậm, nhưng kể từ sau bước ngoặt đầu tiên, khán giả sẽ phải tập trung cao độ để cùng nhân vật giải mã những bí ẩn đang bao trùm. Đoạn kết có phần khá vội vã, nhưng tựu trung lại, “Bóng đè” đã làm tốt việc khai thác những góc nhìn mới mẻ nhằm giải mã hiện tượng còn nhiều tranh cãi này.
Với diễn xuất của dàn diễn viên, cùng bầu không khí u ám, tâm linh và chủ đề mới lạ, “Bóng đè” là tác phẩm kinh dị Việt đáng xem tại rạp. Phim chính thức ra rạp từ ngày 18/3.
Bình luận