Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 lý do phim truyền hình Nhật, Mỹ 'thất sủng' ở Việt Nam

Việc “vắng bóng” này do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới, quan trọng nhất vẫn là thị hiếu công chúng.

Việc một bộ phim được trình chiếu trên các đài truyền hình đem tới những cái lợi cho cộng đồng fan như có dịp để bàn tán, độ phủ sóng tới mọi nhà nên phim được nhiều khán giả biết tới hơn, đồng thời cảm giác vừa xem phim cùng gia đình vừa bàn luận hay vô lớp, công ty tranh luận cùng bạn bè, đồng nghiệp vẫn thú vị hơn xem trên mạng.

Với sự phổ biến của các phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... tràn ngập màn ảnh nhỏ thời gian qua, nhiều khán giả giật mình khi không thấy các phim phương Tây như Mỹ, Anh hay phim Nhật xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, dẫn tới sự "khát" các phim thuộc những nước này.

Phí bản quyền cao - quá dài do chiếu theo mùa

Đây có thể được coi là nguyên do quan trọng nhất cho việc vắng bóng phim Mỹ, Nhật trên màn ảnh nhỏ. Với phim Nhật, số tập thường rất ít (9-11 tập) và với cùng số tiền mua bản quyền phim Nhật, nhà đài có thể mua bản quyền các phim Trung, Hàn với giá cả rẻ hơn rất nhiều. Cộng thêm một số đòi hỏi tùy vào "cảm hứng" từ phía đối tác như phim phải được lồng tiếng, chỉ được chiếu 1 lần... dẫn tới việc thà không mua còn hơn.

Hơn nữa các đài truyền hình tại Việt Nam hiện nay đều là miễn phí, họ chỉ có thể kiếm lợi nhuận qua quảng cáo, phim càng dài tập càng hấp dẫn thì quảng cáo càng tốt. Phim càng mới thì bản quyền càng cao, trong khi với phim Hàn, Trung thì chỉ cần 5 tới 6 tháng phí bản quyền phim sẽ giảm nhiều. Vì vậy dù muốn dù không thì phim Nhật không phải là mảnh đất màu mỡ để khai thác.

Với phim Mỹ, tiền bản quyền cũng khá cao. Tuy nhiên, đa số các phim theo series của Mỹ đều hấp dẫn và thu hút khán giả nên nhà đài vẫn có khả năng mua bản quyền nếu phim không quá kéo dài. 1 series của Mỹ thường kéo dài qua nhiều năm, mỗi năm làm một season (mùa). Như Charmed (Phép thuật) kéo dài 8 mùa hay Friends tới 10 mùa và với tiền bản quyền nhân theo mùa như vậy thì dù muốn dù không, nhà đài vẫn ngậm ngùi cho qua, trừ khi có tài trợ "ôm thầu" hết hoặc phim có ít mùa như Prison Break (Vượt ngục) vừa qua.

Dàn diễn viên lạ lẫm và không theo "chuẩn Việt Nam"

Phim Một lít nước mắt

Với sự quen thuộc của phim TVB từ hệ thống video gia đình trước đó, hay sự tràn ngập phim Hàn và Trung trên màn ảnh nhỏ cùng cách làm phim dễ coi, dễ nhớ và dàn diễn viên trẻ trung, bắt mắt thì với phim Nhật và phim Mỹ, khán giả lại không mấy mặn mà. Vẻ đẹp diễn viên của Nhật không thuộc dạng thu hút ngay từ vẻ ngoài như Hàn, mà ngược lại khán giả phải coi hết bộ phim để thấy được rằng diễn viên được chọn theo vai chứ không phải do danh tiếng hay ngoại hình.

Phim Mỹ đa số là các anh chàng, cô nàng vai u thịt bắp, dù đẹp trai xinh gái tự nhiên không qua dao kéo thì với khán giả Việt Nam lại quá "đồ sộ". Khán giả nữ đa phần họ thích vẻ thư sinh trên khuôn mặt nên vì thế mà phim Hàn, Thái đáp ứng được tiêu chuẩn của họ hơn là phim Mỹ. Ngoài ra lối sống và tập quán của Tây khác xa với phương Đông cũng dẫn tới rào cản.

Ngoài ra, với độ phủ sóng của các diễn viên nổi tiếng của Nhật hay Mỹ với khán giả không cao nên khán giả ít quen thuộc so với phim Hàn. Họ có thể nhớ So Ji Sub, Jang Dong Gun, Kim Tae Hee, Triệu Vy, Lâm Tâm Như chứ ít khi biết Yuji Oda, Honami Suzuki, Tomohisa Yamashita, Jod Radnor, Neil Patrick Harris là ai.

Nội dung kén khán giả và bị cắt bớt

Nội dung của các phim Mỹ và Nhật đều đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, với phim Nhật bị giới hạn số tập ngắn, không kéo dài lê thê nên nội dung rất cô đọng và phải xem kỹ phim hay tập trung theo dõi và liên kết với các tập trước đó thì khán giả mới hiểu được tổng thể bộ phim, còn không thì sẽ gây khó hiểu. Điều này cũng tương tự với phim Mỹ, dù rằng thường trong một mùa chỉ có vài tập chính chủ chốt và các tập còn lại thì không chặt về nội dung liên quan. Trong khi phim Hàn và Trung thì nội dung kéo dài, đa phần dễ hiểu và dễ theo dõi.

Mức độ bạo lực, có cảnh nóng và nội dung nhiều khi không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam cũng là rào cản cho các nhà đài. Như bộ Prison Break, nếu theo dõi bản chiếu trên TV và so sánh với bản gốc trên mạng sẽ thấy các cảnh đẫm bạo lực, máu me đều bị cắt, hay những từ ngữ thô tục đều được dịch nhẹ đi. Hay bộ Charmed (Phép thuật) cũng cắt bỏ các cảnh nóng không thương tiếc. Điều này dẫn tới việc khán giả đã xem trên mạng, nay xem trên TV không hài lòng, dù rằng nhà đài có lý do riêng của họ.

Phim Vượt ngục

Đây chỉ là một số nguyên nhân chính dẫn tới việc màn ảnh nhỏ "vắng bóng" phim Nhật và Mỹ, vẫn còn lượng lớn khán giả có nhu cầu muốn theo dõi phim các nước này và hy vọng rằng trong tương lai gần, các phim này sẽ phổ biến hơn, tạo nên sự đa dạng trong lựa chọn phim cho các "tín đồ phim ảnh".

Theo VietNamNet

Bạn có thể quan tâm