Ngày 12/10, thẩm phán Park Min của Phòng Nội vụ 9 thuộc Tòa án Quận phía Bắc Seoul tuyên bố Choi Jong Bum phải trả tổng cộng 78 triệu won cho tang quyến trong vụ kiện của cha và anh trai Goo Hara chống lại Choi sau cái chết của nữ ca sĩ vào năm 2019, Yonhap đưa tin.
Tòa án nhận thấy rằng những hành động như đe dọa của Choi Jong Bum đã gây ra nỗi đau lớn về tâm lý cho Goo Hara và cuối cùng dẫn đến sự lựa chọn cực đoan.
"Choi Jong Bum đã đe dọa Goo Hara bằng cách lợi dụng sự xấu hổ về tình dục của cô ấy và thực tế rằng Goo sẽ không thể tiếp tục hoạt động trong làng giải trí nếu video quay lén bị phát tán. So với quá khứ, khi Goo bắt đầu sự nghiệp nổi tiếng lúc còn trẻ và đạt được nhiều thành công đáng kể, có vẻ như cô ấy đã mất hy vọng và động lực cho cuộc sống tương lai của mình".
Theo Roh Jong Eon, luật sư đại diện pháp lý cho gia đình Goo Hara, đây là mức cấp dưỡng cao nhất được công nhận dựa trên mức độ thiệt hại về tinh thần.
"Tôi rất mừng vì tòa án đã xem tội ác của Choi Jong Bum là cực kỳ nghiêm trọng. Về lâu dài, chúng tôi hy vọng rằng tòa án sẽ tăng mức cấp dưỡng trong những tình huống tương tự".
Nạn nhân bị bỏ rơi
Vào thời điểm Goo Hara qua đời sau khi tự sát tại nhà riêng vào năm 2019, cơn thịnh nộ chống lại tội phạm tình dục và sự chỉ trích nhằm vào cơ quan thực thi pháp luật nổi lên dữ dội ở Hàn Quốc.
Hai cái tên ít được biết đến trước đó trở nên thịnh hành trên mạng xã hội chỉ sau một đêm: Choi Jong Bum và Oh Duk Shik.
Choi Jong Bum là bạn trai cũ của Goo, bị buộc tội quay lén cảnh nữ ca sĩ khỏa thân khi cả hai thân mật, sau đó tống tiền cô bằng cách đe dọa tung đoạn phim lên mạng.
Choi Jong Bum từng hành hung, quay lén và đe dọa Goo Hara. Ảnh: YNA. |
Còn Oh Duk Shik là nam thẩm phán đã tuyên trắng án cho Choi về tội quay phim bất hợp pháp vào tháng 8/2019, trong khi kết tội Choi về các tội danh khác, bao gồm cả hành hung.
Quay lén, hay còn gọi là "molka", đã nổi lên như một vấn đề nóng ở Hàn Quốc. Các cuộc biểu tình chống lạm dụng tình dục hàng năm thu hút nhiều phụ nữ mang theo vô số biểu ngữ xuống đường ở Seoul.
Chính phủ không ít lần tuyên chiến với "molka", bao gồm các chiến dịch tìm kiếm máy quay lén trong phòng tắm công cộng rầm rộ hàng năm.
Nhưng thực tế đã chứng minh tất cả đều không hiệu quả. Hầu hết dự luật liên quan đến nạn quay lén, bao gồm cả một số dự luật nhằm phạt tiền hoặc bỏ tù các nhà cung cấp dịch vụ không xóa các clip này khỏi trang web của mình, tiếp tục bị đình trệ tại quốc hội. Nạn nhân gần như không thể đòi công lý với một hệ thống pháp luật thiếu sót như vậy, theo The Washington Post.
Cảnh sát Hàn Quốc cho biết số vụ quay lén tăng lên khoảng 6.000 vụ/năm trong giai đoạn 2013-2017. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ và hầu hết thủ phạm là nam giới.
Những người phạm tội có thể phải đối mặt với 5 năm tù giam, mặc dù điều đó hiếm khi xảy ra ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng nhất. Hầu hết thủ phạm chỉ bị phạt tiền.
Lỗ hổng pháp luật
Trong nhiều năm, các nhà phê bình đã chỉ trích bản án dành cho thủ phạm quay lén là quá nhẹ và tin rằng điều đó thúc đẩy những người đàn ông tái phạm.
Ha Yena, nhà hoạt động chống tội phạm quay lén, chỉ ra vấn đề là các video quay lén thường được coi là khiêu dâm "tự nhiên" và thậm chí "được nhìn nhận theo hướng không phê phán như một loại sở thích".
Sau khi vụ bê bối khét tiếng Burning Sun nổ ra vào đầu năm 2018 có liên quan đến tội cưỡng hiếp, quay lén và phát tán nội dụng quay lén của một số nam ca sĩ nổi tiếng trong K-pop, vấn đề này đã trở thành tâm điểm chú ý.
"Hãy làm quen trên mạng, đến quán bar thoát y và cưỡng bức họ trong ôtô", ca sĩ kiêm nhạc sĩ Jung Joon Young, người lãnh án 5 năm tù vì tội quay lén và hiếp dâm tập thể, nói trong một cuộc trò chuyện nhóm liên quan vụ Burning Sun.
Kang Kyung Yoon, phóng viên đầu tiên đưa tin về phòng chat đồi trụy của Jung Joon Young, nói: "Goo Hara đã gọi điện trực tiếp cho tôi sau khi xem bài báo. Cô ấy nói rằng mình muốn giúp đỡ. Cô ấy đã rất đau khổ vì bạn trai cũ từng được tuyên trắng án về cáo buộc molka".
Jung Joon Young lãnh án 5 năm tù vì tội quay lén và hiếp dâm tập thể. Ảnh: Dispatch. |
Các cuộc biểu tình chống quay lén được cho xuất phát từ sự thiếu nhạy cảm về giới trong việc thực thi pháp luật ở Hàn Quốc.
Lực lượng thực thi pháp luật của nước này chủ yếu là nam giới. Hầu hết sĩ quan cảnh sát đều là đàn ông. Chưa có phụ nữ nào trở thành chánh án tòa án tối cao, lãnh đạo cơ quan cảnh sát hoặc người đứng đầu cơ quan công tố. Chỉ có 30% thẩm phán là nữ giới.
Sau cái chết của Goo, sự thất vọng và phẫn nộ tiếp tục gia tăng. Một tờ báo thậm chí còn nói rằng nhóm của Thẩm phán Oh Duk Shik "hoàn toàn không có nhạy cảm giới".
Lý do thẩm phán cho Choi trắng án bao gồm: Sau khi cặp đôi gặp nhau trên một chương trình truyền hình, Goo đã liên lạc trước với Choi qua Instagram. Cả hai quan hệ tình dục thường xuyên. Bản thân Goo thường xuyên chụp những bức ảnh nhạy cảm, cá nhân của Choi.
Tuy nhiên, không có lý do nào trong số này liên quan đến cáo buộc của Choi hoặc thể hiện sự hiểu biết về yếu tố đồng thuận.
Nhiều người cho rằng những sai sót của hệ thống tư pháp còn nghiêm trọng hơn tội phạm quay lén, bởi nó có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn.
Giữa năm 2019, một sinh viên được cấp phép quản chế sau khi đánh bạn gái đến chết chỉ vì cô gái thể hiện sự quan tâm với một người đàn ông khác. Theo báo cáo của truyền thông địa phương, thẩm phán nói rằng vụ giết người chỉ là "vô ý" và "cả hai dường như đã yêu nhau sâu sắc".
Cuối năm ngoái, một phụ nữ bị bạn trai cũ sát hại trong căn hộ studio ở trung tâm Seoul. Hung thủ đã theo dõi người yêu cũ kể từ khi họ chia tay vào nửa cuối năm 2020. Vào thời điểm qua đời, nạn nhân đang được cảnh sát bảo vệ sau 4 lần đệ đơn kiện về tội rình rập.
Trước khi án mạng xảy ra, cô gái đã hai lần sử dụng chiếc đồng hồ thông minh do cảnh sát cung cấp để cầu cứu. Nhưng cảnh sát đã đến hiện trường muộn do thiết bị kêu cứu gặp trục trặc.
Ban đầu, phiên tòa sơ thẩm tuyên án 35 năm tù đối với hung thủ. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm diễn ra hôm 23/9, đã quyết định tăng bản án lên 40 năm tù.
Hôm 14/9, một phụ nữ 28 tuổi bị đâm tử vong bởi người đàn ông 31 trong nhà vệ sinh công cộng của ga Sindang. Nghi phạm được cho đã theo dõi nạn nhân trong nhiều năm sau khi bị từ chối hẹn hò.
Trước khi bị sát hại, nạn nhân nhiều lần nộp đơn tố cáo, cầu cứu nhưng bất thành.
"Ngành tư pháp dường như có nhận thức kém hơn cả công dân bình thường", Heo Min Sook, giáo sư tại Đại học Nữ sinh Ewha, chỉ trích.
Nghiên cứu năm 2014 của bà, phân tích hơn 100 vụ giết người do người yêu hoặc bạn đời thực hiện, cho thấy các thẩm phán có nhiều khả năng sử dụng các từ như "tai nạn" và "cơn thịnh nộ" để mô tả động cơ của thủ phạm là nam giới, một hình thức ngầm đổ lỗi cho nạn nhân.