Những trải nghiệm độc đáo của học sinh trung học New Zealand có thể khiến giới trẻ nhiều nơi ghen tị.
Tự chọn nhiều môn học
Ở New Zealand, chương trình học ghi điểm đối với các bạn trẻ nhờ hàng trăm môn học tự chọn thuộc nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, công nghệ, kinh doanh… Qua đó học sinh xứ kiwi có môi trường rộng mở để phát triển thế mạnh bản thân bằng những môn học phù hợp sở thích.
Bên cạnh đó, các em còn được tối đa hóa trải nghiệm nhờ phương pháp học mang tính thực tiễn cao, thông qua bài tập thực hành, dự án thực tế và hoạt động ngoại khóa. Lấy ví dụ với môn Hải dương học của trường Trung học Whatakane, học sinh sẽ được tìm hiểu về hệ sinh thái biển và các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.
Song song với kiến thức trên lớp, học sinh cũng được trải nghiệm thực tế với hoạt động ngoại khóa để có cái nhìn sâu sắc hơn về môi trường, tăng tình yêu thiên nhiên… để ứng dụng vào các nghiên cứu, bài tập cá nhân trên trường lớp.
Học sinh New Zealand thực hành lấy mẫu cho môn Hải dương học. |
Nguyễn Hà Kiều My, du học sinh người Việt hiện theo học lớp 10 trường Trung học Whanganui, không giấu được sự thích thú với phương pháp học này. Kiều My chia sẻ: “Em được học nhiều môn dường như chỉ dành cho ‘dân nhà nghề’, điển hình là môn Design and Visual Communication (Thiết kế và Truyền thông thị giác). Em được học về kỹ năng thiết kế cơ bản, xu hướng thẩm mỹ trong thời gian gần đây và ứng dụng thiết kế vào quảng cáo. Nhờ đó, em biết cách thiết kế các poster, tờ rơi đơn giản cho sự kiện của trường lớp”. Kiều My cho biết nhờ vậy nên chuyện hướng nghiệp sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Học sinh trường Nelson College tự tay thiết kế nhà gỗ mini khi học làm mộc. |
Đổi điểm tín chỉ khi tham gia cuộc thi
Không chỉ được học các môn đúng “gout”, học sinh trung học xứ kiwi còn có cơ hội tỏa sáng và thể hiện bản thân qua nhiều cuộc thi mỗi năm. Một vài cuộc thi nổi bật như National Junior Theater dành cho fan điện ảnh, The Moascar Cup cho người trẻ yêu thích bóng bầu dục. Với những nhà kinh doanh nhí, cuộc thi Tài năng doanh nghiệp trẻ (The Lion Foundation's Young Enterprise Company) luôn là sân chơi được yêu thích của học sinh khu vực Auckland.
Để khuyến khích học sinh trải nghiệm, nhiều cuộc thi ở New Zealand cho phép các bạn trẻ đổi thành tích thành điểm tín chỉ cho môn học tương ứng trong chương trình. Nhờ đó, các bạn vừa có thời gian để đầu tư cho bài dự thi, cũng như được sự tư vấn, hỗ trợ của giảng viên bộ môn.
Nguyễn Thế Mạnh, học sinh lớp 13 trường Mount Albert Grammar, cho biết: "Vừa tham gia nhiều cuộc thi vừa đảm bảo chất lượng bài vở trên lớp là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, chương trình học New Zealand cho phép mình có thể đổi điểm một số môn bằng cuộc thi, điển hình như tham gia cuộc thi Tài năng doanh nghiệp trẻ Auckland sẽ được đổi điểm cho môn học Production and Marketing trong lớp. Vì các kỹ năng mà bạn học hỏi được thông qua cuộc thi cũng chính là điều mà môn học đó hướng tới".
Với cuộc thi Tài năng Doanh nghiệp trẻ Auckland 2019, nhóm của Thế Mạnh đã học hỏi được việc tìm hiểu thị trường, quản lý tài chính, quản lý sản phẩm, làm chiến lược marketing.
Giải thưởng giúp nhóm của Thế Mạnh (thứ hai từ phải sang) đạt điểm tối đa cho môn học. |
Hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo
Nền giáo dục New Zealand là minh chứng cho việc bạn không cần trở thành người lớn để có những phát minh tuyệt vời. Giới trẻ tại đây sớm có nhiều phát kiến thông minh bắt nguồn từ những vấn đề thường ngày trong cuộc sống.
Một ví dụ cho phát kiến của giới trẻ New Zealand là dụng cụ bổ củi tiện lợi nữ sinh Ayla Hutchinson. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của chính gia đình mình khi sống ở vùng có mùa đông rất lạnh, Ayla đã nghiên cứu một sản phẩm giúp việc bổ củi trở nên đơn giản và năng suất cao hơn. Tuy chỉ là bài tập từ dự án trong trường, nhưng phát minh của Ayla nhanh chóng được ứng dụng tại các hộ gia đình vùng núi Taranaki của Ayla. Không những thế, sản phẩm cũng đã vượt biên giới New Zealand để sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới.
Dụng cụ bổ củi thông minh của Ayla đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án trường học. |
Một tài năng ý tưởng kinh doanh giáo dục ấn tượng khác đến từ các bạn trẻ trường trung học Nelson College. Các bạn đã ứng dụng công nghệ để tích hợp bài học dưới dạng đi tìm nhân vật Woolly tại các điểm tham quan nổi tiếng ở New Zealand.
Thông qua iPad, các em nhỏ được phát huy khả năng tự học, tự khám phá kiến thức mới dưới sự hỗ trợ của bố mẹ và thầy cô. Dự án sách thiếu nhi mang tên "Where's Woolly?" đã chiến thắng hơn 600 đối thủ để giành giải thưởng The Lion Foundation’s Young Enterprise Company of The Year 2016 và học bổng trị giá 5.000 đôla từ Đại học Massey cho mỗi thành viên. Dự án này cũng hứa hẹn được nghiên cứu và triển khai ở quy mô rộng rãi cho học sinh tiểu học.
Hiện chính phủ New Zealand dành riêng cho học sinh Việt Nam 40 suất học bổng có giá trị 50% cho năm học đầu tiên tại 40 trường trung học New Zealand trên toàn quốc. Đây sẽ là cơ hội để học sinh Việt Nam có được khám phá và trải nghiệm nền giáo dục tiên tiến của New Zealand. Để biết thêm thông tin chi tiết, độc giả tham khảo tại đây.
Bình luận