3 trào lưu ẩm thực hot nhất Sài thành
Trà chanh, chè khúc bạch, bún đậu mắm tôm hiện đang tạo cơn sốt trong giới trẻ Sài Thành trong mùa hè này.
Trà chanh chém gió
Trà chanh có nguyên liệu và cách pha khá đơn giản. |
Không chỉ ngoài vỉa hè, trà chanh cũng lan dần vào không gian máy lạnh, tất nhiên mức giá cũng cao hơn. |
Trà chanh là nét văn hóa đặc trưng của người Hà thành nhưng vài tháng gần đây, cơn sốt “chém gió” này đã len lỏi khắp các con đường của Sài thành. Và đối tượng khách hàng không chỉ là học sinh, sinh viên còn có người đi làm, các gia đình nhỏ và cả người nổi tiếng.
Một hàng trà chanh khá đơn giản với chỉ vài chiếc ghế nhựa, không gian vỉa hè cùng một số nguyên liệu gồm đường, nước, lá bạc hà, trà trắng túi lọc, chanh, nước khoáng. Đơn giản như vậy nhưng lượng khách đông đến nỗi để đáp ứng như cầu, quán trà chanh mọc lên như nấm. Thậm chí, còn biến một số con đường như đường Võ Văn Kiệt, Lê Thị Riêng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Quang Khải (Q.1); hay xa hơn là Nguyễn Thái Sơn, Quang Trung (Q.Gò Vấp), Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh)… thành “phố trà chanh chém gió”.
Điểm cộng của trà chanh là không gian rộng, giá rẻ và có "gắn mác" Hà thành, điểm trừ là giá bán vượt trội so với mức đầu tư ban đầu. Cụ thể một ly trà chanh có giá khoảng 10.000 đồng nhưng khá sơ sài gồm một trà lipton túi lọc, lát chanh, một ít đá, không “đã” bằng một ly nước ép hay sinh tố có mức giá chênh chút đỉnh nhưng chất lượng.
Chè khúc bạch
Chè khúc bạch truyền thống. |
Các biến tấu của chè khúc bạch. |
Mức giá phù hợp với túi tiền học sinh - sinh viên cùng không gian đẹp, chè khúc bạch hứa hẹn còn hot suốt hè này. |
Nhiều người cho rằng món chè khúc bạch được khởi xướng từ một quán ăn đặc sản Tây Ninh, cụ thể là bánh tráng Hoàng Ty. Thậm chí có một thời gian, thực khách đến với các cửa hàng của thương hiệu này chỉ để thưởng thức món chè ấy.
Nhưng theo những người sành ăn, chè khúc bạch xuất hiện ở Sài Gòn khá lâu và là món tráng miệng của người Hoa được dùng trong các đám cưới, sinh nhật với tên gọi đậu phụ hạnh nhân. Tuy nhiên, so với hương vị truyền thống, món chè khúc bạch hiện nay đã được cải biến về hương, vị để phù hợp với thị hiếu người dùng.
Một chén chè khúc bạch ngon thì miếng đậu phụ phải làm được làm hoàn toàn từ sữa tươi và kem whipping mà không pha thêm giọt nước nào. Đặc biệt, nếu tỷ lệ whipping cream càng cao (ngon nhất là tỷ lệ 1/1 với sữa) thì viên đậu phụ càng thơm, càng mềm, mịn và quyện vào đầu lưỡi. Một bí quyết khác để chè ngon là nước ăn kèm phải được nấu từ đường phèn. Vị ngọt của đường phèn sẽ giúp chén chè có vị thanh mát chứ không ngọt đậm như đường cát hay ngọt rát như đường hóa học.
Không chỉ đầu tư khá nhiều chi phí cho không gian mặt bằng, chè khúc bạch còn không ngừng cải tiến với hàng loạt hương vị như chè khúc bạch mít, trà xanh… Với sự đầu tư đó, cùng mức giá 20.00 – 30.000 đồng/phần phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên, chè khúc bạch được đánh giá sẽ hot cả mùa hè này.
Một số quán chè khúc bạch: 68/210 Trần Quang Khải, Q. 1 (chân cầu Hoàng Hoa Thám chạy theo hướng đường Trần Quang Khải); Coconut & Pumpkin, 85 Châu Văn Liêm, P. 14, Q. 5; Café Gabi, lầu 1, 95 Pasteur, Q. 1; 427 Cách Mạng Tháng 8, F. 13, Q.10.
Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm truyền thống. |
Để "no đủ", nhiều quán thêm thắt hàng loạt nguyên phụ liệu khác như thịt, chả cốm... |
... Có quán thêm chả giò giòn rụm. |
Được ví như một cô gái thôn nữ ngoại thành giản dị, mộc mạc nhưng lại có sức thu hút mãnh liệt nơi phố thị của xứ kinh kỳ, bún đậu mắm tôm đã và đang nhanh chóng trở thành món ăn khoái khẩu, ăn nhiều lần trong tuần mà không thấy chán của giới trẻ Sài thành.
Thành phần chính cho món bún đậu mắm tôm gồm có bún tươi, đậu hũ chiên vàng, mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm với các loại rau thơm như tía tô, kinh giới, rau húng, xà lách… Song để no đủ và đậm đà hơn, một số quán đã bổ sung thêm hàng loạt nguyên phụ liệu khác như lòng heo, thịt bắp, chả cốm, chả rươi...
Bún đậu mắm tôm tuy không đòi hỏi quá nhiều sự cầu kỳ trong cách chế biến nhưng mỗi thành phần, nguyên liệu điều có sự đòi hỏi khá cao. Cụ thể, loại bún dùng trong bún đậu mắm tôm phải là bún lá, được cắt ra thành từng miếng vừa ăn. Mắm tôm, linh hồn của món ăn phải làm sao cho ngon nhưng không ngấy, thơm và có vị đậm đà. Đậu hủ dù chiên thật vàng, thật giòn hay rán sơ, nóng thật nóng nhưng phải thật mềm, mịn.
Món ăn này “quyến luyến” thực khách ở sự tổng hợp tất cả vị chua, cay, mặn, ngọt, béo, thanh vừa phải cùng cái man mát của món ăn nguội cùng mức giá tương đối (40.000 - 50.000 đồng/phần) nên được đánh giá sẽ còn "làm mưa, làm gió" trong tiết trời sắp tới của Sài Gòn.
Một số địa chỉ bún đậu mắm tôm ngon: 53 Lương Hữu Khánh, P. Phạm Ngũ Lão, Q. 1; 156C Pasteur, P. Bến Nghé, Q.1; 146B Nguyễn Đình Chính, P.14, Q. Phú Nhuận; 100/7 Nguyễn Công Trứ, Q.1.
An Huỳnh
Theo Infonet