Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

30 năm sống ẩn dật, trốn trong nhà, sợ ra đường

Vốn để chỉ các nam thanh niên tự giam mình trong phòng ngủ và say mê chơi game, truyện tranh và phim hoạt hình, hiện tượng hikikomori giờ lan rộng ra nhiều nhóm khác nhau ở Nhật.

Nhiều năm về trước, Vosot Ikeida (60 tuổi) rời quê hương ở Nagoya, miền trung Nhật Bản, để theo học tại một trường đại học danh tiếng ở Tokyo. Cũng từ đó, người đàn ông bắt đầu cảm thấy lạc lõng với bạn bè đồng trang lứa.

“Trường có rất nhiều nam sinh thông minh muốn trở thành doanh nhân, chính trị gia và luật sư. Tôi không tham vọng như vậy và không thể tìm thấy bất cứ ai đồng quan điểm của mình. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình đã đến nhầm chỗ. Tôi trở thành một người xa lạ trong một nơi không phù hợp với bản thân", ông nói với The Guardian.

Sau khi vượt qua một số cuộc phỏng vấn việc làm, các triệu chứng của Ikeida khi đó, một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, trở nên tồi tệ hơn.

Ông dành nhiều ngày nằm lì trên tấm đệm trong phòng. “Tôi rời công ty trước khi thực sự bắt đầu làm việc ở đó. Đó là khởi đầu cho quãng đời làm hikikomori của tôi".

Hikikomori lan rộng

Cố thoát khỏi cảm giác cô lập với số đông, Ikeida đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn thời gian ông vẫn quanh quẩn trong phòng khách sạn, không chịu ra ngoài tham quan.

“Tôi đọc sách, viết lách, uống rượu và ngủ nướng. Rốt cuộc tôi nhận ra mình cũng không thích đi du lịch. Tôi trở thành một hikikomori ở nước ngoài".

Sau đó, ông vẫn tiếp tục du lịch vòng quanh Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi trong 10 năm, trước khi quay trở lại Nhật Bản, cố gắng bắt đầu lại cuộc sống của mình, song không mấy khả quan.

Nhưng Ikeida nhấn mạnh mình không phải thuộc kiểu sống ẩn dật trong phòng tối, đọc ngấu nghiến anime. Ông vẫn ra ngoài, nhưng với tần suất ít ỏi.

“Tôi không thể ra ngoài thường xuyên như những người bình thường vẫn làm. Trung bình, 3-4 ngày tôi mới ra ngoài một lần. Tôi ngủ 14 giờ/ngày. Tôi hoàn toàn không liên lạc với hàng xóm hay người thân của mình.

Tôi trao đổi thư từ với rất nhiều người trên mạng mà không cần bước ra khỏi phòng. Đó là điều tốt nhất tôi có thể làm lúc này. Tôi vẫn là một hikikomori trong suốt 30 năm qua”.

hikikomori nhat ban anh 1

Theo thống kê mới nhất, số người sống ẩn dật hiện chiếm khoảng 2% tổng dân số của cả nước Nhật Bản, nghĩa là cứ 50 người Nhật thì có một người hiếm khi rời khỏi nhà. Ảnh: Reuters.

Bộ Y tế Nhật Bản định nghĩa hikikomori - một thuật ngữ do nhà báo Tamaki Saito đặt ra vào cuối những năm 1990 - là những người sống tách biệt, không ra khỏi nhà trong ít nhất 6 tháng. Họ trốn tránh xã hội, không đến trường hay đi làm, hiếm khi tương tác với những người bên ngoài gia đình.

Theo thống kê mới nhất công bố vào tháng 4 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, Ikeida là một trong số gần 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động ở nước này theo đuổi lối sống này.

Con số ghi nhận ở mức cao nhất từ trước đến nay, đồng nghĩa với tỷ lệ cứ 50 người Nhật thì có một người là hikikomori.

Từng chủ yếu chỉ những nam thanh niên không thích nghi với xã hội, tự giam mình trong phòng ngủ và say mê trò chơi điện tử, truyện tranh và phim hoạt hình, sự mất kết nối xã hội kéo dài giờ đây ảnh hưởng đến một nhóm nhân khẩu học rộng lớn hơn nhiều.

hikikomori nhat ban anh 2

Sau đại dịch Covid-19, nhiều người Nhật Bản chọn sống tách biệt với xã hội bất chấp nỗ lực hàn gắn từ chính phủ. Ảnh: BBC.

Cố khiến thanh niên ẩn dật ra khỏi nhà

Một tỷ lệ đáng kể - 20,6% - cho biết họ trở thành người sống ẩn dật dưới tác động của dịch Covid-19 kéo dài 3 năm. Cũng giống như nhiều quốc gia khác áp dụng biện pháp chống dịch, chính phủ yêu cầu mọi người hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.

Công việc từ đến trực tiếp văn phòng được kích hoạt thành làm việc tại nhà. Quá trình tuyển dụng, phỏng vấn ở các trường đại học, công ty cũng diễn ra trên màn hình.

Công nghệ hiện đại cho phép mọi thứ vẫn vận hành trong thời kỳ đại dịch, song cũng góp phần làm gia tăng cảm giác bị cô lập trong cộng đồng.

“Đại dịch khiến số đông nhận ra rằng làm việc, học tập từ xa và giao hàng tận nhà rất hữu ích. Nhiều người đã thay đổi và theo đuổi lối sống này ngay cả sau khi Covid-19 qua đi", Ikeida nói.

Trong khi ước tính có khoảng 60% số người được tính trong thống kê chính thức là nam giới, thì ngày càng có nhiều phụ nữ mô tả trải nghiệm bị cô lập sau đại dịch của họ.

“Đôi khi tôi nghĩ đến việc đi bộ vào buổi sáng, nhưng sau đó cơ bắp của tôi trở nên cứng đơ. Tôi không muốn ra ngoài”, Michi, một phụ nữ Tokyo 45 tuổi bị mất việc trong đại dịch, trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NHK.

Lo ngại về sự gia tăng số lượng hikikomori gần đây đã thúc đẩy một số sáng kiến ​khuyến khích người dân thoát khỏi sự cô lập, dù chỉ là tạm thời.

Phường Edogawa của Tokyo, nơi có khoảng 9.000 cư dân sống tách biệt với cộng đồng, sẽ bắt đầu tổ chức các sự kiện xã hội hóa metaverse vào tháng tới để mọi người có cơ hội gặp gỡ online.

Tỉnh Kyoto dự kiến tổ chức các buổi gặp mặt ảo 2 lần/tháng, với những người tham gia trải dài từ thanh, thiếu niên đến những người ở độ tuổi 40.

Điểm chung đáng ngại của người trẻ ở hai nước đông dân nhất thế giới

Cuộc sống của nhiều thanh niên 25 tuổi ở Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng: lo toan tiền bạc, cố gắng làm việc và chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình, theo The Guardian.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm