Thống kê từ cục dân sự Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cho thấy trong tháng 1, cơ quan này đã chấp nhận đơn ly hôn của tổng số 3.096 cặp vợ chồng.
Tuy nhiên, sau khi quy định 30 ngày "suy nghĩ lại" và 30 ngày nữa để xét duyệt hồ sơ có hiệu lực từ đầu năm nay, chỉ còn 1.309 cặp hoàn tất thủ tục ly hôn và chính thức chia tay tính đến ngày 5/3, Global Times đưa tin.
Điều này có nghĩa là khoảng 58% các cặp vợ chồng ban đầu nộp đơn xin ly hôn cuối cùng đã quyết định từ bỏ chia tay sau 30 ngày hòa giải.
Quy định "30 ngày hòa giải" cho thấy tác dụng trước mắt khi nhiều cặp vợ chồng ở Vũ Hán rút đơn ly hôn. Ảnh: CFP. |
Cơ quan dân sự Vũ Hán cho biết có 3 nguyên nhân chính khiến 1.150 người tham gia cuộc khảo sát quyết định ly hôn: sự khác biệt về tính cách, những vấn đề bình thường trong cuộc sống và thiếu giao tiếp.
Báo cáo cho biết sau khi "tư vấn hôn nhân và gia đình" trở thành một phần của thủ tục ly hôn, nhiều cặp vợ chồng có xu hướng sẵn sàng quay lại với nhau thay vì chia tay.
Giai đoạn hòa giải hay suy nghĩ lại trước khi ly hôn được quy định trong Bộ luật Dân sự đầu tiên của Trung Quốc.
Theo đó, từ ngày 1/1, các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn sẽ phải trải qua nhiều thủ tục trong vòng 60 ngày trước khi nhận được giấy chứng nhận từ văn phòng địa phương. Trong một tháng đầu được gọi là giai đoạn hòa giải, còn 30 ngày còn lại là thời gian xét duyệt hồ sơ.
Toàn bộ quy trình này bao gồm hàng loạt bước. Đầu tiên, đơn ly hôn phải được giao cho cả hai bên với tư cách là một cặp vợ chồng. Sau đó, đơn có thể bị hủy nếu một trong hai bên muốn thay đổi quyết định.
Tiếp đến, cả hai bên cần xuất hiện tại văn phòng dân sự địa phương trong thời hạn 30 ngày tới. Cuối cùng, sau khi chính quyền địa phương xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, giấy chứng nhận ly hôn sẽ được cấp.
Chính sách này tạo ra nhiều tranh cãi. Nhiều người đặt câu hỏi liệu kéo dài và làm phức tạp quá trình ly hôn có phải là con đường đúng đắn để cứu vãn một cuộc hôn nhân.
"Chính sách chỉ quan tâm đến con số và tỷ lệ ly hôn mà bỏ qua thực tế là nhiều người đang sống trong địa ngục và không thể thoát ra được. Nó chỉ làm gia tăng mâu thuẫn trong hôn nhân, cũng như bạo lực gia đình", một người dùng Weibo bình luận.
Các chuyên gia lưu ý giai đoạn hòa giải chỉ áp dụng đối với các trường hợp đồng thuận ly hôn, không áp dụng trong các vụ kiện, trường hợp bạo lực gia đình.
Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng chính sách này hạn chế quyền tự do của người dân trong hôn nhân.
Trung Quốc đã chứng kiến tỷ lệ ly hôn gia tăng trong những thập kỷ gần đây, tăng từ 580.000 vào năm 1987 lên 3,73 triệu cặp vào năm 2020.
Trong khi đó, tỷ lệ kết hôn đã giảm từ 13,47 triệu xuống còn 8,13 triệu cặp, theo một báo cáo của Viện nghiên cứu Evergrande thuộc Đại học Thanh Hoa.