Sự việc chấn động
Chiều 28/9/1996, trung tá Trần Bảo Toàn - Phó giám đốc XN 347 thuộc Công ty Sông Hồng Quân khu 3 (chi nhánh tại đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình) - đến công an (CA) phường 6 và phường 8, quận 3 trình báo về việc bị cướp năm tỷ đồng ngân phiếu. Trước đó, trung tá Toàn cùng một cán bộ của XN là anh Đặng Đức Long đến chi nhánh Tổng công ty lương thực miền Bắc (TCTLTMB) trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Nhận xong số ngân phiếu trị giá năm tỷ đồng, vì không có ôtô, bao tiền lại nhỏ gọn, họ quyết định đem về chi nhánh ở đường Cộng Hòa bằng xe máy. Anh Long điều khiển, trung tá Toàn ngồi sau, còn bao tiền đặt trên yên xe giữa hai người. Họ dự định đi theo lộ trình: Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Pasteur - Trần Quốc Toản - Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi về đường Cộng Hòa. Khoảng 14 giờ 15, khi xe chạy đến khúc cua giao lộ Pasteur - Trần Quốc Toản, quận 3, trung tá Toàn thấy có người vỗ vai mình bèn quay lại. Chiếc Suzuki Crystal chở hai thanh niên kè sát, tên ngồi sau giật phắt lấy bao tiền rồi vù ga bỏ chạy. Anh Long vội tăng ga đuổi theo, nhưng đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu thì mất bóng dáng những tên cướp.
Đại tá Thân Thành Huyện. |
Do số tài sản bị giật quá lớn đã gây nhiều thắc mắc, nghi ngờ. Tại sao chuyên chở một số lượng tiền lớn như thế bằng xe máy? Khi bị cướp, các nạn nhân không tri hô mà đuổi một mình? Đặc biệt, sau mấy ngày xảy ra vụ cướp, trung tá Trần Bảo Toàn vay của người thân và một số cơ sở doanh nghiệp được 3,9 tỷ đồng trả cho cơ quan, cũng làm phát sinh câu hỏi: tại sao anh Toàn đi vay tiền trả cho cơ quan khi chính anh là nạn nhân? Có thật đã xảy ra vụ cướp giật hay đây chỉ là màn kịch “hợp thức hóa” những việc làm mờ ám, sự thất thoát tài sản, một thủ đoạn chiếm tài sản Nhà nước?
Xác lập chuyên án
Ngoài việc dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, kết quả xác minh cho thấy chi nhánh TCTLTMB có hợp đồng mua 2.000 tấn gạo của XN 347, trị giá 5,74 tỷ đồng, sẽ giao trả tiền làm ba đợt, trong đó đợt hai trả năm tỷ vào ngày 28/9/1996. Thủ quỹ chi nhánh TCTLTMB xác nhận chiều 28/9 có xuất năm tỷ đồng ngân phiếu cho XN 347, gồm 300 tờ mệnh giá năm triệu, 1.500 tờ mệnh giá một triệu và XN 347 công nhận lúc 14h ngày 28/9, trung tá Trần Bảo Toàn có điện về cơ quan xin xe tới chi nhánh TCTLTMB chở tiền, nhưng lúc ấy ôtô phải ra sân bay đón giám đốc. Tại hiện trường, một số người bán báo, thuốc lá, xích lô cũng xác nhận có vụ cướp giật tài sản của hai người đàn ông đi trên chiếc Dream II lúc hơn 14h 28/9.
14hngày 8/10/1996, Ban giám đốc CATP triệu tập cuộc họp đặc biệt do đại tá, Phó giám đốc Thân Thành Huyện chủ trì, thành viên gồm chỉ huy các phòng nghiệp vụ và một số quận huyện, có sự tham gia của chỉ huy phòng điều tra án kinh tế, điều tra hình sự quân đội. Tại cuộc họp, cơ quan điều tra hai ngành công an và quân đội xem xét lại từng tình tiết, khẳng định tính xác thực và nghiêm trọng của vụ án.
Ngay sau khi được thành lập, Ban chuyên án họp, thống nhất triển khai một loạt các biện pháp nghiệp vụ, quyết định thông báo nội dung vụ án tới công an 18 quận huyện, chỉ đạo hướng dẫn lực lượng cảnh sát khu vực các biện pháp nắm tình hình, chú ý những đối tượng có biểu hiện bất minh về kinh tế. Do số ngân phiếu có thời hạn nên thủ phạm phải tìm cách tiêu thụ sớm và cách tiêu thụ dễ nhất là mua vàng, Ban chuyên án đặc biệt lưu ý, nhấn mạnh đến việc phát hiện những đối tượng mua bán bằng ngân phiếu với số lượng lớn, đi sâu tìm hiểu tại các tiệm vàng. Về đối tượng, Ban chuyên án chỉ đạo lên danh sách các băng nhóm cướp giật chuyên nghiệp, nhất là bọn có sử dụng xe Suzuki Crystal, tập trung đi sâu vào các băng nhóm ở quận 1, quận 4. Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động phong trào quần chúng tố giác tội phạm...
Mẻ lưới đầu tiên
12h ngày 15/10/1996, từ nguồn tin cơ sở, có một nhóm đối tượng hình sự khoe mới “vô mánh” mỗi tên 200 cây vàng, Trưởng công an phường 13, quận 4 lập tức báo cáo với Trưởng công an quận 4 Trần Hữu Ánh. Chiều cùng ngày, lực lượng CA quận 4 đã lên danh sách bốn đối tượng nghi vấn, xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc và Ban chuyên án. Từ kết quả này, sáng 16/10 Ban chuyên án họp khẩn cấp, phác họa sơ đồ vụ án, băng cướp giật gồm bốn tên và một số đối tượng liên quan, tiêu thụ tài sản của bọn tội phạm. Đó là Nguyễn Thành Vinh (tự Bé “ba tàu”, SN 1967, ngụ P14Q4), Nguyễn Văn Sinh (tự Sơn “mặt quỷ”, SN 1973), Trần Văn Hải (tự Hải “củ cải”, SN 1970, đều ngụ P13Q4), Sơn “Hít Le” (tự Sơn “Hít Le”, SN 1964, ngụ P16Q4). Tài liệu trinh sát cho thấy bọn này đã sử dụng ngân phiếu với số lượng lớn để mua vàng tại các tiệm Kim D., Kim H., Ánh T. Trưởng CA quận 4 đề nghị Trưởng ban chuyên án cho tiếp cận với các tiệm vàng đã bán hàng cho bọn cướp. Với điểm đột phá là tiệm Kim H. trên đường Đoàn Văn Bơ, lực lượng điều tra phát hiện Phạm Thị C. (vợ của Bé “ba tàu”) đã mang 500 triệu ngân phiếu mua vàng tại đây.
22h ngày 16/10, Ban chuyên án họp tại trụ sở CA quận 4. Trực tiếp nghe lại toàn bộ kết quả thẩm tra xác minh ban đầu, đại tá Thân Thành Huyện đồng ý ý kiến đề xuất và trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch phá án, có sự tham gia của các lực lượng CA quận 4, các phòng CSĐT, CSHS và tham mưu tổng hợp (TMTH).
23h 30, một mũi trinh sát bắt được Hải “củ cải” trước cửa khách sạn Sài Gòn Prince trên đường Nguyễn Huệ (quận 1), đồng thời “rước” luôn bồ của Hải là Nguyễn Thùy T. làm nghề vũ nữ và Lê Văn L., anh ruột Bé “ba tàu”, là những kẻ được bọn cướp cho hưởng thụ rất nhiều tài sản, thu giữ ba xe Dream II và một điện thoại di động.
Khai thác nhanh, 0h ngày 17/10, lực lượng phá án chia thành bốn mũi tiến hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nhà ở của bốn đối tượng trên, bắt thêm Bé “ba tàu”, Sơn “mặt quỷ” và vợ Bé “ba tàu” là Phạm Thị C. ngay trong đêm, các tổ công tác đã thu giữ tài sản của bọn cướp trị giá khoảng 500 triệu đồng, bao gồm tiền, vàng, xe Dream, tivi, đầu máy video, điện thoại di động mới mua; trong đó tại nhà Bé “ba tàu” thu tổng cộng 4,1 lượng vàng, trên 12 triệu đồng, một xe Cub, một số hóa đơn mua vàng.
Giao lộ Pasteur - Trần Quốc Toản, nơi đã xảy ra vụ cướp giật. |
Cũng như đa số bọn tội phạm ngoan cố khác, lúc đầu các đối tượng quanh co chối cãi, nhưng bằng chiến thuật xét hỏi tài tình, đến 2 giờ sáng, Bé “ba tàu” bắt đầu khai báo nhỏ giọt, nhưng chỉ nhận là người đi đổi ngân phiếu cho tên Hải. 3 giờ sáng, Phạm Thị C. khai dùng ngân phiếu do chồng đưa đi mua 30.000 USD còn chôn dưới nền nhà, đã đổ xi măng lên trên và CA quận 4 đã đi thu hồi được số ngoại tệ này. Trước bằng chứng không thể chối cãi, 8h ngày 17/10, Bé “ba tàu” chính thức khai nhận có tham gia vụ cướp giật.
Được giao nhiệm vụ xét hỏi, các điều tra viên Nguyễn Hoàng Khanh, Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Xuân Thành khéo léo đấu tranh, nên đến 12h ngày17/10, Hải “củ cải” khai được chia một tỷ đồng, y mua 90 lượng vàng SJC, tiêu xài hết 10 lượng (cho cô bồ Nguyễn Thùy T. gần 3.000 USD mua xe máy, điện thoại di động và nhẫn hạt xoàn...), gửi 80 lượng tại tiệm vàng Anh T. Bé “ba tàu” cũng khai y được chia gần một tỷ đồng, hiện còn 500 triệu đồng ngân phiếu chôn tại mộ bà ngoại y ở nghĩa trang xã Thạnh Mỹ Lợi, huyện Thủ Đức.
12h 30 ngày 17/10, trung tá Nguyễn Mạnh Trung họp khẩn cấp với Ban chỉ huy và các điều tra viên đội trọng án, vạch kế hoạch thu hồi số tài sản trên. Hai tổ công tác được thành lập, có sự tham gia của CSĐT, CSHS, CA quận 4, Phòng TMTH khẩn trương đi quận 4 và huyện Thủ Đức. Lệnh khám xét khẩn cấp tiệm vàng Anh T. được ban hành, nhưng khi tổ công tác của thiếu tá Mai Đình Khánh và đại úy Trương Văn Hòa thuộc cơ quan điều tra yêu cầu giao nộp số tài sản của Hải “củ cải” còn gửi ở đây, chủ tiệm vàng đã giao nộp 82 lượng vàng SJC.
Trong khi đó, tổ công tác do đại tá Thân Thành Huyện và trung tá Nguyễn Mạnh Trung (trưởng, phó ban chuyên án) trực tiếp chỉ huy đi Thủ Đức lại không được thuận lợi. Khi đào nơi Bé “ba tàu” khai giấu tiền ở Nghĩa trang Thạnh Mỹ Lợi (phần nổi trên mặt đất), nhưng không thấy gì. Trên đường về, Bé “ba tàu” thú nhận đã khai báo gian dối, định đổ cho có người đào trộm, nhưng sau đó lại khai đã hủy đi 500 triệu ngân phiếu vì sợ bị bại lộ...
17h cùng ngày, Sơn “mặt quỷ” (là đối tượng cuối cùng) đã khai nhận tội. Y được chia số ngân phiếu trị giá một tỷ đồng, đưa cho mẹ là Nguyễn Thị H. 910 triệu đồng và bà này đưa cho con rể Trương Hữu L. đi mua 164 lượng vàng SJC. Sau đó L. cho anh em trong nhà mỗi người ba đến năm lượng, tổng cộng 28 lượng vàng, mua hai Honda Dream, mua cho chị gái một điện thoại di động.
Ngay sau đó, lực lượng điều tra, trinh sát tham gia chuyên án chia làm ba tổ công tác, thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nhà ở các đối tượng. Tại nơi ở của Nguyễn Thùy T. (ấp Đình, An Khánh, Thủ Đức), lực lượng khám xét thu giữ một xe Spacy mới mua 2.920 USD, một điện thoại di động; cha của T. tự giác giao nộp một nhẫn hột xoàn trị giá năm lượng vàng. Số tài sản này của Hải “củ cải” tặng “người yêu”. Riêng tổ thứ hai khám xét nhà Nguyễn Thị H. và tổ thứ ba khám xét nhà Trương Hữu L. không thu giữ được tài sản gì đáng kể vì các đối tượng đã tẩu tán, cố tình che giấu tội phạm. Trước tình hình trên, nhận thấy số tài sản rất lớn mà Sơn “mặt quỷ” được chia chưa được thu hồi, trung tá Nguyễn Mạnh Trung quyết định bắt giữ Nguyễn Thị H., Trương Hữu L. đưa về cơ quan điều tra để làm rõ hành vi chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. L. khai đã nhận từ Nguyễn Thị H. (mẹ vợ) ngân phiếu trị giá 910 triệu đồng, mua được 164 lượng vàng SJC giao lại cho bà ta, riêng y được Sơn “mặt quỷ” cho một xe Dream.
Đêm cùng ngày, bằng chiến thuật xét hỏi khôn khéo, Đội phó Đội trọng án Nguyễn Hoàng Khanh đã buộc kẻ láu cá Bé “ba tàu” khai báo thật thà hơn. Theo đó, y đã đưa cho chú là Lê Văn T. 36.000 USD để mua ôtô Toyota 15 chỗ ngồi, hiện cất giấu tại nhà ở đường Cống Quỳnh. Đồng thời, nhờ quần chúng cung cấp và tài liệu trinh sát, CA quận 4 phát hiện Sơn “Hít Le” mới mua hai chiếc xe tải nặng hiệu Hyundai, gửi tại XN xuất khẩu dịch vụ cảng Sài Gòn và chiếc Honda CBR 400. Đến 9h ngày 18/10/1996, những chiếc xe trên được thu hồi; đồng thời, “nhóm” gia đình Nguyễn Thị H. cũng mang lên CA quận 4 nộp 51 lượng vàng mà Sơn “mặt quỷ” cất giấu.
Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Thành Vinh, Trần Văn Hải. |
Cùng với việc truy bắt Sơn “Hít Le”, cơ quan điều tra mở rộng hướng điều tra sang các đối tượng có liên quan. Lương Thị L. bị bắt giữ vì đã cầm 1,1 tỷ đồng ngân phiếu của Sơn “Hít Le” đi mua vàng. Nguyễn Thị D. - chị gái Sơn “mặt quỷ” - cũng được điều tra làm rõ về việc mới mua căn nhà 9,5 lượng vàng tại đường Đoàn Văn Bơ. Các đối tượng Lê Văn T. (chú Bé “ba tàu”), X. (vợ Trương Hữu L.) và các chủ tiệm vàng Kim H., Kim D., Anh T... đều được gọi hỏi, tường trình về việc tiêu thụ ngân phiếu, tài sản của bọn cướp. Tài sản được thu về cơ quan điều tra bằng nhiều nguồn, từ tài liệu trinh sát, kết quả xét hỏi các đối tượng, quần chúng phát hiện tố giác hay chính thân nhân, gia đình các đối tượng tự động giao nộp... Cụ thể, Bé “ba tàu” tiếp tục bị thu giữ một dàn máy gồm tivi, đầu máy video, ampli, loa mới mua trị giá 45 triệu đồng; gia đình Hải “củ cải” giao nộp một dàn máy tương tự, cũng trị giá 45 triệu đồng, sáu lượng vàng và hai cặp loa; Trương Hữu L. viết thư cho gia đình để các cán bộ điều tra đến nhà thu hồi năm lượng vàng, một số nữ trang, một xe Dream mới chưa có biển số và bếp gas Rinnai; Sơn “mặt quỷ” cũng giao nộp tiền vàng và nhiều đồ dùng sinh hoạt mới mua sắm... Riêng về hai chiếc xe dùng để gây án là chiếc Suziki Crystal và Honda 67 đã bị CA các tỉnh An Giang, Tiền Giang tạm giữ do vi phạm Luật giao thông trong những cuộc đi chơi của bọn cướp. Ban chuyên án phải cử cán bộ đi di lý về CATP, cả hai xe đều mang biển số giả.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra và CA quận 4 còn phát hiện dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lẫn nhau của bọn tội phạm, đó là việc mua bán vàng bằng ngân phiếu giữa Sơn “Hít Le” và tiệm vàng Kim D. Như trên đã nêu, sau khi được chia tiền, Sơn “Hít Le” đưa cho Lương Thị L. 1,1 tỷ đồng đi mua vàng; lần thứ nhất L. đem 600 triệu đồng ngân phiếu đến tiệm vàng Kim D. (đường Đoàn Văn Bơ, quận 4) đổi được 4kg và 8 lượng vàng SJC; lần thứ hai, L. lại mang tiếp 500 triệu đến tiệm Kim D. mua vàng và được chủ tiệm hẹn hôm sau sẽ trả vàng. Biết là tiền bất chính, chủ tiệm Ngô Thị H. và em trai là Ngô Xuân N. (thợ kim hoàn, cùng ngụ P10Q4) tìm cách ăn chặn, nói dối rằng 500 triệu đồng đã bị ngân hàng phát hiện niêm phong. Sau đó, Ngô Xuân N. lại đòi Sơn “Hít Le” phải đưa cho hắn 20 triệu đồng “chạy chọt” các quan chức ngân hàng để vụ việc không bị bại lộ. Vụ án được khám phá và CA lần đến đầu mối, Ngô Thị H. buộc phải giao nộp 500 triệu này bằng hai cuốn sổ tiết kiệm, một cuốn 300 triệu và một cuốn 200 triệu, đều mang tên H. CA quận 4 phải đi ngân hàng thuơng lượng, rút được toàn bộ số ngân phiếu này. Chứng cứ phạm tội đã rõ, cơ quan điều tra lập tức khởi tố bị can đối với Ngô Thị H. và Ngô Xuân N. về các tội: lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trong quá trình điều tra, căn cứ lời khai của các bị can và kết quả truy thu tài sản, bước đầu nhận định có khả năng Sơn “Hít Le” đã giữ riêng cho mình một tỷ đồng và chính y là kẻ trực tiếp giật, ôm giữ túi tiền. Do vậy, cùng với công tác tiếp tục khai thác các đối tượng và truy thu tài sản, việc truy bắt Sơn - tên cuối cùng trong băng cướp - càng trở nên cấp bách. Ban chuyên án giao cho CA quận 4 và Phòng CSHS phụ trách việc này, có sự phối hợp chặt chẽ với Phòng CSĐT. CA quận 4 và Phòng CSHS đã cử trinh sát giám sát chặt chẽ nhà ở và lần theo các mối quan hệ xã hội của Sơn. Các biện pháp nghiệp vụ khác cũng được triển khai kịp thời. Song có khả năng Sơn không dám ẩn náu tại địa phương, do đó kế hoạch truy bắt y được mở rộng sang các địa phương khác.