Khung cảnh Thảo Cầm Viên vắng lặng
Người dân và du khách thường tìm đến sở thú 156 tuổi này dịp cuối tuần, nghỉ lễ. Mùa dịch, khung cảnh nơi đây yên ắng hơn hẳn, động vật trong chuồng lặng lẽ đi lại, rong rêu bao phủ nhiều con đường. Anh Trương Ngọc Đăng, trưởng phòng kỹ thuật Thảo Cầm Viên, chia sẻ với Zing: "Năm nay mùa sinh sản của thú rơi đúng đợt giãn cách. Gặp nhiều khó khăn về nguồn thực phẩm nhưng đổi lại không gian thoải mái, trong lành nên may mắn các loài vẫn phát triển tốt". Hơn 30 năm gắn bó với vườn thú, đây là lần đầu tiên chú Trần Văn Tám trải qua giai đoạn "khác thường" như vậy. Vắng bóng du khách, chỉ có động vật và 30 nhân viên thực hiện "3 tại chỗ". Tuy vậy, đối với chú, làm việc và chăm sóc thú, hàng ngày đi lại trong khuôn viên xanh vẫn hơn gò bó ở nhà.
30 nhân viên chăm sóc cho vườn thú
Theo anh Đăng, nguồn cung cấp cũng như khâu vận chuyển thực phẩm cho động vật có lẽ là khó khăn lớn nhất mùa dịch: "Vấn đề ăn uống của người dân còn gặp khó, huống gì động vật". Tuy được tạo điều kiện để mua thực phẩm nhưng nguồn cung gặp khó khăn, hạn chế đi lại, khâu bảo quản cũng cần chú trọng. Với thịt, cá, trứng kiến... nhân viên ở đây mua lượng lớn và bảo quản trong tủ đông. Vườn thú cũng duy trì hoạt động của đội sản xuất tại Củ Chi, mỗi ngày vận chuyển 3 tấn cỏ và rau ăn lá. Tạm dừng hoạt động từ tháng 5 nên không có nguồn thu, mới đây Thảo Cầm Viên đã phải đề xuất TP.HCM hỗ trợ chi phí. Thông tin này cũng được chia sẻ rộng rãi, nhiều người kêu gọi chung tay ủng hộ. Với anh Đăng, đây là điều đáng quý. Để chăm sóc cho gần 1.500 con vật, nhân viên ở lại Thảo Cầm Viên trong mùa dịch phải tăng khối lượng công việc so với ngày thường. Họ bắt đầu ngày mới từ 6h30 và kết thúc lúc 17h. Các nhân viên tập trung dọn dẹp tiểu cảnh trồng hoa, sửa sang các khu vực để chuẩn bị cho sự trở lại. "Dịch bệnh sớm được kiểm soát, vườn thú mở cửa và khẩu phần ăn của động vật tốt hơn là mong muốn lớn nhất của chúng tôi trong thời điểm này", đại diện Thảo Cầm Viên chia sẻ.