Khâu hậu kiểm chậm
Chiều 20/10, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo định kỳ quý III năm 2015 tại Hà Nội, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì .
Theo phản ánh của báo chí, đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, có thí sinh nhập học cả tháng mới được thông báo không trúng tuyển. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền vụ trưởng Vụ đại học - cho biết, nguyên nhân là công tác hậu kiểm tại các trường.
Bộ GD&ĐT khẳng định, những trường hợp sai sót đều được phát hiện vào thời gian nhập học, cũng như có hướng dẫn các trường giải quyết hợp lý cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh như chuyển các em đến khoa thấp hơn hoặc các trường lấy điểm thấp hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (bên phải) và Thứ trưởng Bùi Văn Ga tại họp báo. Ảnh: Quyên Quyên. |
Tiếp tục thi THPT quốc gia
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục cho biết, năm 2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhằm giảm áp lực thi cử và chi phí, tăng cường sự đánh giá sâu sát hơn.
Ông Trinh cũng cho rằng, sự bất cập của kỳ thi THPT quốc gia là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là tỷ lệ những thí sinh bị ảnh hưởng so với tổng số 1,5 triệu người là thấp.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị tổng kết năm học khối các trường ĐH, CĐ năm học 2014-2015.
Hội nghị tổng kết ngày 22/10 tới sẽ bàn thảo các giải pháp giảm ảo cho trường như thế nào, ví dụ chia ra các đợt xét tuyển với những trường khác nhau, hoặc các trường top trên liên kết với nhau để tuyển sinh. 30 trường hút thí sinh nhất có thể liên kết để xử lý dữ liệu tuyển sinh.
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, so với chi phí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi đại học, cao đẳng trong mỗi năm trước đây, chi phí cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 giảm nhiều.
Cụ thể, từ 4 đợt thi (năm 2014 trở về trước) nay chỉ còn 1, thời gian thi trước đây tối đa 9 ngày, nay tối đa 4 ngày. Thí sinh được thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận nên giảm tốn kém.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhận định, áp lực thi cử đã giảm đáng kể. Trước đây, thí sinh phải thi từ 7 đến 13 lượt môn, nay chỉ còn 4 đến 8 môn. Thực tế, thí sinh đăng ký phổ biến nhất 4 hoặc 5 môn thi.
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ GD&ĐT nhận định, kỳ thi THPT quốc gia còn một số tồn tại trong công tác tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn chưa tốt, dẫn đến một số thí sinh, gia đình, nhà trường nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, chưa hiểu hết các quy định mới về tuyển sinh nên việc đăng ký dự tuyển, đăng ký xét tuyển còn có sai sót. Thời gian xét tuyển đợt một 20 ngày quá dài. Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đợt 1 chưa hợp lý. Vấn đề kỹ thuật còn nhiều bất cập.
Khó giải quyết nạn dạy, học thêm
Liên quan những phản ánh của báo chí về tình trạng nhiều trường mầm non dạy chữ cho học sinh trước khi vào lớp 1, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, cho biết, Bộ GD&ĐT không chỉ đạo việc này.
Các trường bắt học sinh học trước khi vào lớp 1 là sai quy chế, là dạy thêm, học thêm. Trong quá trình kiểm tra, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT xử lý một số trường vi phạm.
Bộ GD&ĐT thừa nhận, chưa thể giải quyết triệt để dạy thêm, học thêm. Thông tư 30 cũng được xem là một giải pháp hạn chế tình trạng này nhưng chưa thể giải quyết triệt để.
Ông Định cho hay, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn nhưng khi thực hiện, một số địa phương còn hạn chế về công tác quản lý. Riêng ngành GD&ĐT khó giải quyết tận gốc tình trạng học thêm, dạy thêm.