Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

300 triệu người Trung Quốc chật vật vì mất ngủ

Người dân nước này phải sử dụng thuốc, thuê người trò chuyện ban đêm, dự các buổi chia sẻ áp lực để có giấc ngủ ngon.

Hàng đêm, Jiang Yunjing (32 tuổi), giáo viên tại một trường tiểu học ở Thượng Hải (Trung Quốc) lại thao thức 3 giờ đồng hồ để sắp xếp những việc cần làm vào ngày hôm sau.

"Tôi nằm trên giường, bị căng thẳng khi nghĩ tới cảnh rời nhà từ sớm, đi dạy ở lớp rồi lại về chăm con nhỏ", cô kể với Straits Times.

Chứng mất ngủ kéo dài khiến Jiang dễ nổi cáu vô cớ với chồng và con trai. Người chồng khuyên cô nên đi khám sau khi 2 vợ chồng có cuộc cãi nhau gay gắt.

"Tôi thấy mình cần phải điều trị chứng bệnh này để cứu vãn hôn nhân", Jiang chia sẻ.

nguoi trung quoc mat ngu anh 1

Nghiên cứu của CSRC chỉ ra khoảng 300 triệu người Trung Quốc mắc chứng mất ngủ vì áp lực cuộc sống. Ảnh: iStock.

Sách trắng do Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc (CSRC) công bố tháng 3 vừa qua chỉ ra có khoảng 300 triệu người xứ tỷ dân gặp vấn đề về giấc ngủ.

Lối sống ít vận động, sử dụng nhiều thiết bị điện tử và áp lực phải so bì, cạnh tranh để không bị tụt lại phía sau thường là nguyên nhân phổ biến khiến họ rơi vào trạng thái này.

Một nghiên cứu khác hồi tháng 1 của CSRC cũng cho thấy đại dịch Covid-19 khiến người Trung Quốc mất 3 tiếng đồng hồ để có thể chìm vào giấc ngủ.

Chật vật để ngủ ngon

Trước tình trạng này, không ít người đã tìm đến những cách nguy hiểm, liều lĩnh để khắc phục.

Theo Global Times, một báo cáo công bố ngày 13/9 cho biết nhiều người đang đặt mua melatonin - một chất hỗ trợ chất lượng giấc ngủ - qua mạng, dù họ có gặp vấn đề về chứng mất ngủ hay không.

"Loại thuốc không cần kê đơn này dần trở nên phổ biến, thu hút giới trẻ. Ngoài đối tượng có nhu cầu, những người muốn bắt kịp xu hướng mới cũng muốn chạy theo trào lưu này", trích Global Times.

nguoi trung quoc mat ngu anh 2

Nhiều người tìm đến các biện pháp hỗ trợ giấc ngủ như sử dụng thuốc, thuê người trò chuyện... Ảnh: China Daily.

Tuy nhiên, một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng melatonin bao gồm chóng mặt, buồn nôn và nhức đầu.

Một báo cáo trước đó cũng chỉ ra ngày càng nhiều người Trung Quốc tìm đến dịch vụ "trò chuyện âu yếm" (pillow talk), nơi họ trả tiền để thuê người khác tâm sự cho đến khi thiếp đi.

Tháng 6/2020, khi Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch, Ali Health - một công ty công nghệ mảng sức khỏe - triển khai chương trình talk show 8 tập Sleep Tight để cung cấp các mẹo cải thiện giấc ngủ, lối sống.

Nhiều công ty cũng chú ý tới nhu cầu ngày càng tăng với các sản phẩm hỗ trợ ngủ ngon.

Thị trường trên tăng trưởng trung bình 11,2% mỗi năm từ khoảng 2015-2019, dự kiến đạt 457,2 tỷ nhân dân tệ vào năm tới.

nguoi trung quoc mat ngu anh 3

Các công ty công nghệ về mảng sức khỏe ở Trung Quốc chuyển hướng quan tâm đến chất lượng giấc ngủ của khách hàng. Ảnh: Getty.

Li Jianxiong (38 tuổi), nhà sáng lập doanh nghiệp chuyên về chăm sóc bản thân Heartify, cho biết anh sẽ tổ chức các buổi chia sẻ miễn phí để người than gia nói về lo lắng của mình, lắng nghe diễn giả chia sẻ mẹo quản lý áp lực.

Trước đó, Li từng dành một năm làm học giả tại ĐH Columbia (Mỹ).

Anh mong Heartify có thể trở thành nền tảng giúp người tham gia giảm bớt áp lực cuộc sống.

Cuối năm 2017, Li từng làm việc 15 giờ/ngày suốt nhiều tuần liên tục với tư cách giám đốc cấp cao của một công ty giáo dục.

Chia sẻ với Straits Times, Li nói áp lực công việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của anh. Có những ngày, anh không thể nào chìm vào giấc ngủ.

"Tôi có thể bị nổi mẩn, tim đập nhanh và đau đầu vào ban ngày. Tôi cũng dễ cáu gắt hơn suốt 6 tháng vì chứng mất ngủ", Li kể.

Khi còn trẻ, Li từng nghĩ lối sống tất bật với công việc như trên là "lành mạnh, có trách nhiệm". Đến khi không thể chịu đựng thêm, anh bắt đầu sống chậm lại nhờ đọc sách, tập thể dục, gần gũi với thiên nhiên hơn.

Với Jiang, cô vẫn dựa vào thuốc ngủ từ bác sĩ trị liệu, tập thiền để có giấc ngủ ngon hơn.

"Chứng mất ngủ báo hiệu tôi cần quan tâm hơn tới sức khỏe tinh thần của mình. Người tích cực có thể đánh mất năng lượng, mệt mỏi nếu không được nghỉ ngơi đầy đủ", cô chia sẻ.

Nghề làm phù dâu

Hơn một năm qua, Xie Yuke (21 tuổi) đã làm phù dâu cho 32 đám cưới, nhận mức thù lao mỗi lần từ 400 đến 3.000 nhân dân tệ.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm