306 đại biểu thiếu nhi tham dự phiên họp giả định. Ảnh: Tú Linh. |
Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, đã diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Năm nay, 306 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự phiên họp giả định.
Ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định đã tham gia phát biểu các ý kiến, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương về các vấn đề liên quan bạo lực, thuốc lá, chất kích thích trong học đường.
Trong đó, 268 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu thực hiện quyền chất vấn với các bộ trưởng trẻ em.
Ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu trẻ em tham gia phát biểu các ý kiến. Ảnh: Tú Linh. |
Nhiều nguyên nhân bạo lực học đường
Chất vấn về vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, đại biểu Trần Thị Tuyết My (thuộc đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định tình trạng bạo lực học đường diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Gần đây, một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh và xã hội.
"Xin Bộ trưởng GD&ĐT cho biết nhận định của bộ trưởng về thực trạng nêu trên. Nếu đúng như vậy, xin bộ trưởng phân tích và làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên?", đại biểu Tuyết My chất vấn.
Bộ trưởng GD&ĐT trẻ em Trần Bình Minh thống nhất với nhận định của đại biểu. "Bộ trưởng" cũng làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như đội ngũ quản lý, giáo viên, gia đình chưa thực sự quan tâm; trẻ em tiếp cận sớm với những hình ảnh bạo lực trên không gian mạng; ngành giáo dục khó có thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu.
Trước chất vấn về giải pháp giải quyết bạo lực học đường, "bộ trưởng" cho biết bộ đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chủ trương và triển khai đến các cơ sở; phối hợp với phụ huynh; tạo điều kiện để tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường thực hiện tốt chức năng của mình; hỗ trợ vấn đề tâm lý học sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Đại biểu Trần Nguyễn Nhật Linh (đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trẻ em đã có giải pháp gì để ngăn chặn sản phẩm độc hại trên mạng.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trẻ em Trần Lê Hà Vy cho biết bộ đã ban hành quy tắc ứng xử trên không gian mạng; làm việc với các nền tảng xã hội để kiểm duyệt nội dung độc hại; phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu công cụ bảo vệ trẻ em.
Bộ trưởng GD&ĐT trẻ em Trần Bình Minh trả lời chất vấn. Ảnh: Tú Linh. |
Nóng thuốc lá học đường
Về vấn đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường", đại biểu Nguyễn Hà Bá Tân (Đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An.
Cụ thể, "đại biểu" Bá Tân cho biết trong báo cáo của Bộ Y tế có nêu tình hình trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng, có trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử có chất kích thích và chất cấm.
"Đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm của bộ về thực trạng trên và nguyên nhân của tình trạng này là gì?", "đại biểu" chất vấn.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong thời gian qua, Bộ trưởng Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An nhận định trước tiên là trẻ em rất dễ tiếp cận với thuốc lá điện tử qua mạng xã hội hay thậm chí các sản phẩm này được bán ngay tại cổng trường.
Các nguyên nhân khác như trẻ em thiếu sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng; các sản phẩm thuốc lá điện tử thường được thiết kế bắt mắt, nhiều mùi vị lôi cuốn như chocolate, trái cây, kẹo…; các quy định liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng hiện còn nhiều khoảng trống...
Đại biểu trẻ em tham gia chất vấn, tranh luận tại phiên họp giả định. Ảnh: Tú Linh. |
Đại biểu Lò Thị Linh Đan (Đoàn đại biểu Quốc hội trẻ em tỉnh Sơn La) nhận định việc phối trộn các chất gây nghiện vào thuốc lá điện tửđang diễn biến phức tạp. Lo ngại hơn là những sản phẩm này đang hướng vào giới trẻ.
"Đại biểu" đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết quan điểm của bộ về việc lưu hành, sử dụng những sản phẩm này tại Việt Nam cũng như các giải pháp giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Công an trẻ em Trần Tử Quang cho hay theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn thuốc lá thông thường. Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đưa vào nước ta chủ yếu là nhập lậu.
Về giải pháp, Bộ Công an sẽ tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ... đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Bộ sẽ chủ động, nghiên cứu xây dựng dự án 'phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chất kích thích trong môi trường học đường' trong một chương trình mục tiêu quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định", "Bộ trưởng" Quang cho biết.
Đặc biệt lưu ý kiến nghị, đề xuất của các đại biểu trẻ em
Phát biểu tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá 2 chủ đề được lựa chọn cho phiên họp giả định là rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm.
Ông Mẫn cho hay rất ấn tượng về sự thể hiện của các em học sinh. Dù nhỏ tuổi nhưng các em đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp rất xác đáng.
"Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, ông Mẫn đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Các cơ quan rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các cháu đã nêu tại diễn đàn hôm nay", ông Mẫn nhấn mạnh.
Lắng nghe chia sẻ của các đại biểu trẻ em, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự bồi hồi, xúc động về không khí của phiên họp giả định cũng như cách bày tỏ của các học sinh.
"Tôi cảm nhận được sự tự tin, dấu hiệu đáng mừng từ phía người học. Tôi cảm ơn các em", bộ trưởng nói.
Theo bộ trưởng, phiên họp giả định nhưng các vấn đề được đề cập đều thực tế. Các em đã thể hiện sự hiểu biết, thái độ của người trong cuộc, quan tâm đến các thông tin xã hội cũng như đề xuất các giải pháp. Ngành giáo dục đã có nhiều hành động, song ông Sơn nhìn nhận để giải quyết triệt để bạo lực học đường, các em đóng vai trò quan trọng nhất.
"Sau phiên họp giả định này, quay về với vai trò là người thực hiện, có lẽ các em cần làm nhiều việc hơn để triển khai trong thực tế, góp phần giải quyết bạo lực học đường", bộ trưởng nhắn nhủ.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các em để trình Chính phủ, đưa ra Quốc hội những chính sách phù hợp.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.