![]() |
Nhiều giáo viên bị truy thu từ 30-65 triệu đồng. Ảnh: VietNamNet. |
Những ngày qua, hàng trăm giáo viên ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) lo lắng khi nhận được thông báo về việc truy thu tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ nhiều năm trước. Cụ thể, có 311 giáo viên trên địa bàn huyện Nam Đàn bị truy thu tiền tiền BHXH, trong đó, nhiều giáo viên bị truy thu 30-65 triệu đồng.
Theo bảng tạm tính số tiền truy thu BHXH, có tới 311 giáo viên ở huyện Nam Đàn chậm nộp tiền BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền tạm tính là gần 4,6 tỷ đồng, trong đó tiền lãi nộp chậm là hơn 2,6 tỷ đồng.
Cô Lê Thị Th., giáo viên trường Mầm non Làng Sen, bị thông báo phải nộp số tiền là hơn 65 triệu đồng, trong đó, tiền lãi nộp chậm là hơn 37 triệu đồng.
Tương tự, thầy Nguyễn Đình Ph., trường THCS Anh Xuân, cũng bị BHXH truy thu nợ.
"Nếu chúng tôi được thông báo ngay thời điểm đó và đóng 5% tiền BHXH theo quy định, số tiền sẽ không đáng kể. Đến nay, sau hơn 10 năm mới được thông báo, nhiều giáo viên phải trả 20-30 triệu đồng tiền lãi là rất vô lý", thầy Ph. nói.
Theo tìm hiểu, hơn 20 năm trước, do thiếu giáo viên, UBND các huyện ở Nghệ An phải tự tuyển dụng giáo viên hợp đồng và nhân viên trường học để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
Tuy nhiên, các giáo viên này không được nâng bậc lương theo quy định. Năm 2006, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản chỉ đạo các sở, ngành xem xét, hướng dẫn để thực hiện nâng bậc lương. Tiếp đó, đến tháng 6/2007, các Sở Nội vụ, GD&ĐT, Tài chính và BHXH tỉnh Nghệ An có văn bản liên ngành hướng dẫn việc xếp lại bậc lương.
Năm 2011, tại huyện Nam Đàn, các giáo viên thuộc diện nói trên được nâng bậc lương để bù cho thời gian trước đó chưa được nâng bậc lương và nhiều giáo viên đã được nâng từ 1-4 bậc lương nhưng không được truy lĩnh tiền lương. Tuy nhiên, các giáo viên không được thông báo để đóng bù tiền bảo hiểm cho khoản nâng bậc.
Vì thế, mới đây, sau khi phát hiện sự việc, BHXH huyện Nam Đàn đã gửi công văn về các trường đề nghị truy thu tiền.
Chiều 13/3, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Ngọc, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Nam Đàn, cho biết đơn vị đã có công văn gửi tới các trường học trên địa bàn về việc nhiều giáo viên chưa được đóng bảo hiểm theo quy định.
"BHXH phát hiện các giáo viên chưa được đóng BHXH theo quy định nên rà soát, đề nghị, đôn đốc các trường thực hiện. Trường hợp các trường học chậm đóng sẽ tính lãi chậm đóng tiền theo quy định của pháp luật. Chúng tôi gửi công văn cho các trường học (người sử dụng lao động), chứ không gửi trực tiếp cho giáo viên", ông Ngọc nói.
Cũng theo lãnh đạo BHXH huyện Nam Đàn, đơn vị xác định các đối tượng giáo viên cần phải truy thu, sau đó cơ quan BHXH sẽ thực hiện tạm tính số tiền các giáo viên phải đóng và thông báo về cho các nhà trường và nhà trường phải thực hiện trích đóng theo quy định.
Lãnh đạo BHXH huyện Nam Đàn cũng cho biết, năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định nâng lương cho giáo viên hợp đồng mang tính chất đặc thù do thiếu giáo viên và nhân viên trường học.
Theo hướng dẫn liên ngành, các giáo viên này chỉ được truy lĩnh bậc lương chứ không được truy lĩnh tiền lương. Hướng dẫn cũng ghi rõ các đơn vị trực tiếp đến cơ quan tài chính và BHXH để được cấp kinh phí giải quyết chế độ BHXH cho các lao động này.
"Năm 2011, UBND huyện Nam Đàn có quyết định cho các lao động trong các cơ sở giáo dục vào biên chế được truy lĩnh bậc lương. Tại thời điểm đó, nhẽ ra các cơ sở giáo dục phải làm việc với phòng tài chính để có kinh phí giải quyết, đồng thời yêu cầu người lao động làm thủ tục hồ sơ gửi BHXH huyện để giải quyết, nhưng họ không làm. BHXH huyện không có trách nhiệm phải thông báo cho các cơ sở giáo dục. Theo luật, để giải quyết chế độ hưu trí và các chế độ liên quan khác thì phải truy thu mức tiền lương đóng BHXH", lãnh đạo BHXH huyện Nam Đàn nói.
Còn theo lãnh đạo huyện Nam Đàn, huyện đang đề nghị BHXH huyện Nam Đàn rà soát cụ thể từng giáo viên bị truy thu bảo hiểm để báo cáo Thường trực Huyện ủy để có phương án giải quyết.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.