Ước tính một khối lượng tài sản khổng lồ, khoảng 21 đến 32 nghìn tỷ USD tính đến năm 2010, tận dụng những lỗ hổng về quản lý thuế và các luật lệ ưu đãi ở những "thiên đường thuế" đã qua mặt, né tránh việc khai báo tài sản và nghĩa vụ nộp thuế, theo trang Newsweek. Kể từ cuối thập niên 1970, các chuyên gia tài chính và an ninh quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức về dòng chảy bí mật của luồng tiền khổng lồ, đổ về các "thiên đường thuế" lớn trên thế giới. Phần lớn chủ nhân khối tài sản khổng lồ này đều là những doanh nhân, nhà đầu tư và cả chính trị gia nổi bật nhất ở từng quốc gia, từng ngành công nghiệp. Năm 2015, Mạng lưới Công lý Thuế đã công bố xếp hạng Chỉ số Bảo mật Tài chính, qua đó xếp hạng những "thiên đường thuế" lớn nhất thế giới dựa trên các yếu tố như mức thuế rất thấp, luật bảo mật thông tin chặt chẽ. Ảnh minh họa: CNN Money |
1. Thụy Sĩ: Chuyên gia James S. Henry của TJN mô tả Thụy Sĩ là "ông nội của thế giới thiên đường thuế". Quốc gia này là địa điểm quan trọng trong thế giới tài chính bí mật toàn cầu. Tháng 9/2015, Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ công bố các ngân hàng ở nước này đang quản lý lượng tài sản đến 6,5 nghìn tỷ USD. 51% chủ nhân nguồn tiền là ở nước ngoài.
Qua đó, Thụy Sĩ trở thành nước dẫn đầu thế giới về quản lý tài sản xuyên biên giới, chiếm 28% thị trường. Dưới sức ép quốc tế, Thụy Sĩ buộc phải tỏ ra nhượng bộ về điều chỉnh các luật bảo mật tài chính của nước này. Thụy Sĩ đã cam kết với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện việc tự động chia sẻ thông tin giao dịch theo Tiêu chuẩn thông tin chung toàn cầu (CRS), nhưng chỉ bắt đầu triển khai từ năm 2018. Ảnh: Independent |
2. Hong Kong (Trung Quốc): Thành phố này là một trong những thiên đường thuế tăng trưởng nhanh nhất thế giới ngày nay. Giá trị tài sản ngành công nghiệp quản lý quỹ tại đây đạt kỷ lục khoảng 2,1 nghìn tỷ USD tính đến tháng 4/2015, và hơn 350 tỷ USD từ các tài sản riêng gửi ở ngân hàng. Hong Kong cũng có sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 2 châu Á (sau Nhật Bản), nhiều cơ quan tài chính đặt trụ sở ở đây. Ảnh: Reuters |
3. Mỹ: Nằm gần biên giới của nước Mỹ và cách không xa Nhà Trắng, bang Delaware ở Bờ Đông là nơi đặt trụ sở của khoảng 945.000 công ty, có nghĩa gần như mỗi người dân ở đây đều sở hữu doanh nghiệp. Theo BBC, Delaware là một trong 4 bang của Mỹ (cùng với các bang Nevada, Arizona và Wyoming) bị chỉ trích nhiều nhất về quy định quản lý thuế lỏng lẻo.
Phần lớn các công ty ở những bang này bị nghi là công ty ma. Các tổ chức chống tham nhũng, tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) lên án Delaware chính là "thiên đường trốn thuế xuyên quốc gia". Ảnh: Thinstock |
4. Singapore: Đảo quốc này cạnh tranh với Hong Kong để trở thành trung tâm tài chính nước ngoài hàng đầu châu Á. Theo tập đoàn tư vấn Boston (BCG), đến năm 2015, Singapore quản lý khoảng 1/8 giá trị tài sản nước ngoài của thế giới. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2014 cho biết hơn 95% ngân hàng thương mại là chi nhánh của những ngân hàng ngoại quốc. Trung tâm tài chính Singapore cũng là nơi giao dịch hàng hóa lớn nhất trong khu vực. Năm 2014, đảo này vượt qua Tokyo trở thành trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất châu Á, và lớn thứ 3 thế giới (sau London và New York). Ảnh: AFP |
5. Quần đảo Cayman thuộc Anh: Quần đảo tự trị là lãnh thổ hải ngoại của Anh. Hồi 2008, ông Barack Obama trong vận động tranh cử tổng thống từng phát biểu tại buổi thảo luận ở bang New Hampshire, đề cập cụ thể đến tòa nhà Ugland House. Đây là tòa nhà ở quần đảo Cayman nhưng có đến 12.000 công ty đăng ký trụ sở tại đây. "Đây có lẽ tòa nhà lớn nhất thế giới, hoặc là địa chỉ gian lận thuế lớn nhất", ông nói. Đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2016), website của Ugland House cho biết khoảng 18.000 công ty đăng ký mở văn phòng ở đây. Ngoài quần đảo Cayman, một trong những thiên đường thuế cũng là lãnh thổ hải ngoại của Anh chính là quần đảo Virgin. Địa danh này xuất hiện rất nhiều trong hồ sơ Panama. Ảnh: Independent |