Chiều 29/4, trong phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều câu hỏi xung quanh đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Nhiều ý kiến còn băn khoăn và cho rằng có cần thiết phải thực hiện đề án này hay không?
Trước nhiều quan điểm trái chiều, ông Phạm Vũ Luận cho biết đề án này được Bộ GD-ĐT chuẩn bị, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tương tự như cải cách chương trình, sách giáo khoa năm 2000.
Việc Bộ GD-ĐT xin hoãn trình Quốc hội là để tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện đề án chi tiết hơn, trong đó sẽ bổ sung kinh phí, tiến độ thực hiện.
Ông Luận khẳng định: "Việc đổi mới chương trình, SGK là việc cần thiết và đã được đề cập trong Nghị quyết 29 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chúng ta phải chuyển nền giáo dục hiện nay đang chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang hình thành, phát triển kỹ năng, năng lực, phẩm chất của người học. Để làm được việc đó thì phải thay đổi từ thầy trò, cán bộ quản lý đến chương trình, sách giáo khoa, cách dạy học và thi cử”.
Về con số 34.275 tỷ đồng, ông Luận biện minh: “Đó là do anh em tổng hợp lại từ những nghiên cứu khác nhau. Trong quá trình nghiên cứu đề án đổi mới giáo dục, đào tạo để trình trung ương thì mỗi nội dung chúng tôi đều phải khái toán tài chính để mà cân đối.Giải pháp hay nhưng đòi hỏi nhiều quá, chúng ta không có tiền để thực hiện thì là không tưởng.
Những con số ấy chỉ là khái toán của các nhà nghiên cứu khi đề xuất những nội dung khác nhau của vấn đề đổi mới giáo dục. Đây là sai sót của những người làm giáo dục nhưng nói về vấn đề kinh tế. Tôi xin khẳng định cho đến thời điểm này chưa một con số nào về kinh phí”.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng kiến thức nhân loại bùng nổ, tăng lên làm cho chương trình quá tải. Vì vậy, quá trình đổi mới phải thiết kế khối lượng kiến thức giúp hình thành các năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Cụ thể, các môn học và chương trình ở cấp dưới sẽ tích hợp cao, còn phân hóa, tự chọn mạnh và sâu ở bậc học trên. Muốn làm được việc đó ngành giáo dục không có cách nào khác là phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên phân tích: "Khi giao trách nhiệm cho Bộ GD-ĐT, quan điểm của chính phủ là trình xin chủ trương, khi đồng ý chủ trương thì làm đề án cụ thể.
Nhưng thường vụ Quốc hội lại muốn tìm hiểu sâu thêm xem thực hiện chủ trương đó phải làm được vấn đề gì. Thực ra chính phủ chưa bàn về vấn đề cụ thể nên để Bộ GD-ĐT tạm lùi lại thời gian lần thứ nhất".