Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

360 độ cùng Mùa hè xanh trên đất Lào

"Mệt bở hơi tai nhưng tôi thấy chuyến đi này rất vui và vô cùng ý nghĩa, cá nhân tôi học được nhiều điều” - một trong 42 chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh mặt trận Lào nói.

Giai điệu vui tươi của bài hát Hà Nội - Vientiane: “Hà Nội - Vientiane, hạo hắc peng kăn, hạo xả mắc khi…” (Hà Nội - Vientiane, yêu thương nhau, đoàn kết cùng nhau…) những ngày này rong ruổi theo vòng xe B3-9299 vang khắp nẻo đường thành phố Pakse (Champasak, Lào).

Trên chuyến xe đó là 42 chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh mặt trận Lào. “Mệt bở hơi tai nhưng tôi thấy chuyến đi này rất vui và vô cùng ý nghĩa, cá nhân tôi học được nhiều điều” - Âu Duy Tân (sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM) chia sẻ khi hành trình đang tiến đến thời khắc cuối.

Những nụ cười xóa mọi rào cản văn hóa, ngôn ngữ (ảnh chụp tại Trường mẫu giáo - tiểu học Sengaloun, tỉnh Champasak).
Những nụ cười xóa mọi rào cản văn hóa, ngôn ngữ (ảnh chụp tại Trường mẫu giáo - tiểu học Sengaloun, tỉnh Champasak).

Tranh vui về những ước muốn giản đơn của con gái

Đeo nhẫn đôi, nắm tay, ôm người ấy từ phía sau... là những mong muốn của con gái trong tình yêu mà ít ai biết được.

Cho những “lần đầu tiên”

Tham gia Mùa hè xanh ở Lào, Duy Tân cho biết, đây là lần đầu tiên bạn “thử thách” bản thân bằng việc đăng ký đội hình xây dựng.

“Nhiệm vụ của nhóm mình là cùng các bạn sinh viên Lào xây dựng một sân bi sắt 208 m2 ở khuôn viên ĐH Champasak. Bây giờ quen việc rồi, thấy “tay nghề” lên nên phấn khởi chứ ngay hôm đầu nạo vét sân, hai bàn tay mình đã đầy vết phồng, tróc da do trước giờ chưa từng cầm cuốc hay làm việc nặng nhọc”, Duy Tân nhớ lại.

Tuy nhận được sự hỗ trợ phiên dịch từ các bạn tình nguyện viên người Lào nhưng ngôn ngữ là một trong những rào cản lớn với các chiến sĩ.

“Trò chuyện với trẻ em vốn đã khó, nay lại phải giao tiếp, làm quản trò cho những em học sinh Lào lại càng khó. Vì vậy nhóm của chúng tôi ai cũng tranh thủ lận lưng một số câu tiếng Lào căn bản để lấy lòng các em, còn số đếm thì đã rất lưu loát. Ngược lại, các em học sinh Lào hiện cũng đã nói và hiểu được nhiều câu tiếng Việt”, Lê Thị Kim Thanh (Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, thành viên của đội hình sinh hoạt hè) cười tươi, tíu tít khoe.

Tương tự, bạn Phạm Công Danh (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thuộc đội hình khám - phát thuốc) cũng thường tranh thủ những giờ nghỉ ngơi hiếm hoi để ôn đi ôn lại những câu hỏi thăm sức khỏe bệnh, tên gọi một số căn bệnh thường gặp trong tiếng Lào.

“Tuy là lần đầu tiên tiếp xúc với tiếng Lào nhưng tôi thấy ngôn ngữ nước bạn cũng dễ học và thú vị. Dù có phiên dịch hỗ trợ nhưng sẽ vẫn tốt hơn nếu chúng tôi có thể hỏi thăm, trao đổi thân tình với bệnh nhân”, Công Danh giải thích.

“Lễ nhưng vẫn học nhé các thầy ơi”

Ở một góc khuôn viên Đại học Champasak, đội hình xây dựng người tất tả đẩy xe đá cát, người nạo vét sân, người thoăn thoắt trộn vôi vữa... “Tất cả hoạt động đều được thực hiện ngoài trời nên nếu trời mưa thì tiến độ thi công hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng. Áp lực của chúng tôi là hoàn thành đúng lịch trình nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo”, một thành viên đội hình xây dựng chia sẻ.

Cách đó chừng 200m là tòa nhà mà đội hình tập huấn tin học đang tham gia giảng dạy cho các giảng viên Đại học Champasak. Do chỉ có một phiên dịch trong khi hàng chục cánh tay liên tiếp giơ cao sau mỗi bài giảng, năm chiến sĩ đội hình này phải liên tục chạy tới lui để giải thích. Đa số máy móc trong phòng vi tính đều cũ, các ứng dụng chưa được cập nhật... nên việc truyền đạt kiến thức càng thêm phần thử thách.

Dẫu vậy, khi bước ra khỏi phòng, học viên ai nấy đều cười rất tươi và cho biết đã học được nhiều kiến thức mới. Có lẽ vì vậy mà ngày thứ năm 30/7 rơi vào lễ Khao Panhsa - thời điểm cả nước Lào dừng mọi hoạt động để đi chùa khấn Phật - thế nhưng các học viên trong lớp tập huấn tin học đã gây bất ngờ cho các chiến sĩ tình nguyện khi đồng loạt báo sẽ vẫn đến lớp như thường.

Còn với các thành viên đoàn khám phát thuốc, tư vấn sức khỏe thì có lẽ hình ảnh gần 600 người dân ngồi chờ sẵn ở văn phòng ủy ban huyện Sukuma - huyện nghèo nhất của tỉnh Champasak - vào sáng sớm 31/7 là khó thể quên được.

Trong số đó là nhiều gương mặt vẫn còn ngái ngủ do phải dậy từ 4g sáng để vượt quãng đường 80-100km đến chỗ khám. Do số lượng người đến khám vượt xa dự kiến nên các thành viên đội hình khám phát thuốc, tư vấn sức khỏe phải làm việc liên tục từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

“Thật sự tôi rất xúc động khi thấy hình ảnh các bác sĩ không kịp chợp mắt mà phải ra khám, tư vấn ngay sau bữa ăn trưa chớp nhoáng... Mong sớm đến ngày gặp lại các bạn”, ông Panya Keophilom (Phòng Thông tin và văn hóa huyện Sukuma) chia sẻ, siết tay thật chặt các thành viên trong đoàn trước khi chia tay.

Những trăn trở...

“Một trong những điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là việc giữ vệ sinh của người dân các vùng đoàn ghé công tác còn chưa cao. Tại ngôi trường tiểu học mà tôi đến làm việc, trẻ em vẫn còn vô tư xả rác và đi chân đất dưới sân. Hy vọng Mùa hè xanh những năm sau sẽ góp phần cải thiện điều này”, bạn Nguyễn Tuấn Dương (đội hình sinh hoạt hè) nói.

Đây cũng là trăn trở của bạn Phạm Công Danh bởi theo Danh: “Chỉ cần người dân biết được cách rửa tay đúng - điều rất đơn giản - là đã giúp bản thân phòng được rất nhiều loại bệnh nguy hiểm”.

Còn bác sĩ Nguyễn Hồng Thanh (giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) lại đau đáu với việc rất nhiều người dân nước bạn bị bệnh rất nặng nhưng chưa từng đi khám, chữa trị ở các cơ sở y tế mà chỉ tự mua thuốc về uống.

“Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ phần nào về mặt tư vấn, cung cấp thuốc men... trong khi các trường hợp này cần phương tiện chẩn đoán, điều trị hiện đại”, bác sĩ Thanh nói. “Nhiều người dân Lào vẫn còn tin vào kinh nghiệm chữa bệnh dân gian hơn là các giải pháp khoa học, vì vậy điều họ cần là sự hỗ trợ kiến thức để biết phòng bệnh”, bạn Thipaphone Vongphom (Đại học Champasak) nhìn nhận.

Với bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh (Đại học Y dược TP HCM), điểm ở Lào khiến anh suy nghĩ nhiều nhất là: “Ai cũng nói nước Lào nghèo và kém phát triển nhưng theo tôi quan sát thì người dân ở đây không nhấn còi xe, không chửi thề... nên trong một chừng mực nào đó chúng ta cũng có điều để học hỏi”.

Nói về các chiến sĩ Mùa hè xanh 2015, anh Phạm Hồng Sơn - Phó bí thư Thành đoàn TP HCM, chỉ huy trưởng chiến dịch - nói: “Tôi đánh giá cao sự tham gia tình nguyện hết mình của các thành viên trong đoàn. Đây là điều rất đáng quý và cần được lan tỏa nhiều hơn nữa trong giới trẻ thành phố bởi các bạn không chỉ góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn mà còn sử dụng thời tuổi trẻ một cách ý nghĩa”.

Ông Khamsy Linsavath - phó bí thư Tỉnh đoàn Champasak - chia sẻ: “Mùa hè xanh là một hoạt động đặc biệt có ý nghĩa với nhân dân Lào nói chung và tỉnh chúng tôi nói riêng. Chúng tôi mong muốn chương trình sẽ ngày càng phát triển mạnh và có thêm nhiều hoạt động đa dạng hơn nữa”.

Những hình xăm chân dung nổi tiếng mạng của giới trẻ Việt

Để biểu hiện tình cảm với mẹ, người yêu hay lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ của mình, nhiều người đã không ngần ngại xăm hình chân dung lên cơ thể.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150804/360-cung-mua-he-xanh-tren-dat-lao/788160.html

Theo C.Nhật/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm