Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa.
Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước.
Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi.
Khi có các đột biến gene xảy ra, hội tụ đủ điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường.
Theo TS Phùng Thị Huyền, Bệnh viện K Trung ương, ung thư vú là bệnh gặp ở phụ nữ cao nhất. Mỗi năm, số ca mắc ung thư vú khoảng 25.000 ca, trong đó, khoảng 9.000 ca tử vong. Vì vậy, gần 2/3 bệnh nhân chẩn đoán ung thư vú có cơ hội chữa khỏi.
Dấu hiệu ung thư vú. |
So với các bệnh ung thư khác như ung thư gan, ung thư phổi, TS Huyền cho rằng ung thư vú có tiên lượng tốt hơn rất nhiều. Tại BV K, nhiều bệnh nhân điều trị thành công, sống khỏe mạnh.
Các yếu tố quyết định tiên lượng bệnh:
Thứ nhất, giai đoạn bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh đến bệnh viện giai đoạn sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh cao hơn rất nhiều. Ở giai đoạn sớm, ngoài cơ hội chữa khỏi, việc điều trị bằng các phương pháp cũng được hạn chế, tác dụng phụ cho bệnh nhân ít hơn.
Thứ hai, mô bệnh học của bệnh ung thư vú cũng quyết định tiên lượng bệnh.
Ví dụ, bệnh nhân bị ung thư vú thể nhầy, thể tủy, thể ống tiên lượng tốt hơn so với các thể còn lại. Độ mô học cũng quan trọng. Độ mô học càng cao, yếu tố tiên lượng sẽ xấu hơn.
Thứ ba, một số yếu tố khác như chỉ số, dấu ấn hóa mô miễn dịch, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân bộ 4 hóa mô miễn dịch như thụ thể nội tiết ER (Estrogen), PR (Progesterone), chỉ số hóa mô miễn dịch như Ki67… để quyết định tiên lượng ung thư vú.
Thứ tư, thể trạng của bệnh nhân, điều kiện kinh tế có đáp ứng được các phương pháp tối ưu bác sĩ đưa ra hay không.
TS Huyền cho biết trong các yếu tố trên, việc được chẩn đoán sớm vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thời gian sống, điều trị thành công hay không của bệnh nhân ung thư vú.
Vì vậy, TS Huyền khuyến cáo phụ nữ nên tự khám vú hàng tháng sau chu kỳ kinh nguyệt và có bất thường nên tới các cơ sở y tế khám ngay để được chẩn đoán sớm, tránh mất thời gian vàng điều trị ung thư.
Triệu chứng, dấu hiệu của ung thư vú rất đa dạng, thường không có biểu hiện đau nên phải dựa theo những dấu hiệu bất thường điển hình khác để phát hiện.
Có khối u: 80-90% bệnh nhân ung thư vú có khối u và có thể sờ nắn được bằng tay khi kích thước từ một cm trở lên.
Tiết dịch núm vú: Khoảng 5% bệnh nhân ung thư vú có tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc dịch hồng.
Núm vú bị thụt vào trong: Núm vú bị tụt sâu, cứng, dùng tay kéo cũng không được.
Nhăn bề mặt vú: Đây là triệu chứng gặp ở một số ít bệnh nhân. Khi ngực xuất hiện khối u sẽ phá vỡ cấu trúc da và tạo nên những nếp nhăn ở bên ngoài bề mặt vú.
Viêm da vùng quanh vú: Da đỏ, phù dưới dạng da cam. Ngoài ra có thể bong da vảy nến, da sần sùi kèm nổi mẩn ngứa ở ngực.
Hạch ở nách: Nếu có một khối u hoặc vết sưng đau dưới cánh tay kéo dài trong một tuần không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.
Để kiểm tra, bệnh nhân chỉ cần đứng trước gương, giơ cánh tay lên. Nếu thấy xuất hiện những nếp nhăn ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt vú thì cần phải đến gặp bác sĩ ung bướu sớm nhất.