Sở GD&ĐT Quảng Ninh vừa ra văn bản yêu cầu xử lý cán bộ, giáo viên nhân viên du lịch nước ngoài không đúng quy định.
Các cô giáo bị đề nghị kỷ luật vì đi du lịch trong kỳ nghỉ hè gồm: Vũ Hiền Lương (giáo viên trường THPT Lê Chân, thị xã Đông Triều) đi du lịch các nước Malaysia, Singapore; Lê Thị Trà Thúy (giáo viên trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long) đi du lịch Nga; Nguyễn Trà Ly (nhân viên y tế) và Lê Thị Huê (giáo viên) của trường THPT Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, đi du lịch Thái Lan.
Tùy địa phương quy định cụ thể
Trả lời Zing.vn ngày 15/10, ông Hoàng Đức Minh - Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT - cho hay theo quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông hiện nay, thời gian nghỉ hè hàng năm là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, nếu có (Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT).
Sở GD&ĐT Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo sau khi đi nước ngoài. Ảnh: Sở GD&ĐT Quảng Ninh cung cấp. |
Các văn bản hiện hành về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông không có quy định cụ thể về việc giáo viên được đi đâu, làm gì trong thời gian nghỉ hè. Tuy nhiên, giáo viên cũng là viên chức nên những việc được phép và không được phép làm theo quy định tại Luật Viên chức (quyền và nghĩa vụ của viên chức).
Trong đó, Luật Viên chức quy định: “Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan” (khoản 6, điều 19).
Ngoài các quy định về quản lý viên chức của Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, giáo viên sinh sống và làm việc trên địa bàn các tỉnh/thành phố còn chịu sự quản lý của địa phương theo phạm vi địa bàn, lãnh thổ (Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân).
Trường hợp giáo viên là đảng viên sẽ phải thực hiện các quy định của Đảng. Trong đó, quy định số 228-QĐ/TW, ngày 7/2/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài nêu rõ: “Các cán bộ, đảng viên khi ra nước ngoài bằng bất cứ nguồn kinh phí nào, mục đích và phương thức gì, cũng đều phải báo cáo cấp ủy theo phân cấp quản lý”.
Như vậy, theo đại diện Bộ GD&ĐT, nếu các giáo viên tại Quảng Ninh là đảng viên, tự ý ra nước ngoài mà không báo cáo hoặc chưa được sự đồng ý của cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi sinh hoạt, gây hậu quả ít nghiêm trọng, sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo điểm d khoản 1, điều 26, quy định 102-QĐ-TW.
Cũng theo ông Hoàng Đức Minh, tùy theo thực tế, địa phương có những quy định cụ thể về việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài (như trường hợp của tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác).
Sở Giáo dục thực hiện theo quy định của Tỉnh ủy
Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Thuý - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh - cho hay trong 4 giáo viên có một người là đảng viên.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh thông tin văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục đi nước ngoài của sở này căn cứ Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Chỉ thị số 30-CT/U ngày 9/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý các đoàn và cán bộ công chức, viên chức, đảng viên của tỉnh đi công tác nước ngoài, Quy chế số 01-QC/TU ngày 6/6/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, các cơ quan, cá nhân phải gửi hồ sơ đề nghị cho sở trước hôm xuất cảnh 16 ngày. UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ thẩm định, phê duyệt đối với cán bộ đi nước ngoài về việc riêng (thăm thân, du lịch, chữa bệnh, học tập tự túc, học bổng nước ngoài cấp) dưới 3 tháng.
Sau khi kết thúc hoạt động đi nước ngoài trong phạm vi 7 ngày làm việc, cơ quan, đơn vị phải báo cáo bằng văn bản kèm tài liệu của chuyến đi (nếu có) về Sở GD&ĐT Quảng Ninh để tổng hợp báo cáo.
Bà Nguyễn Thị Thuý cho hay quản lý cán bộ công chức, viên chức nói chung đều bị chi phối bởi văn bản của Tỉnh ủy nói trên, tùy thuộc các cấp quản lý khác nhau. Từ văn bản của Tỉnh ủy, Sở GD&ĐT Quảng Ninh có văn bản hướng dẫn, được thực hiện hoàn toàn đúng theo quy định.
"Quy định của tỉnh thế nào thì sở GD&ĐT sẽ thực hiện theo vì thuộc cơ quan, đơn vị chi phối bởi Quy chế số 01-QC/TU", bà Nguyễn Thị Thúy nói.
Nữ phó giám đốc sở phân tích các giáo viên không phải không báo cáo mà báo cáo muộn, công tác tuyên truyền của nhà trường về quản lý công thức, viên chức chưa đến nơi đến chốn.
Qua sự việc này, thủ trưởng các đơn vị cần có trách nhiệm quán triệt, tuyên truyền, yêu cầu cán bộ, đảng viên, viên chức nắm được quy định và thủ tục tránh sai sót xảy ra.
"Pháp luật không có quy định giáo viên đi du lịch phải báo cáo"
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội - cho rằng các văn bản Sở GD&ĐT Quảng Ninh cung cấp đều là các chỉ thị, văn bản của Đảng, chỉ áp dụng đối với các đảng viên
Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định công dân tự do đi lại, cư trú, tự do ra nước ngoài. Pháp luật không hạn chế công dân đi du lịch nước ngoài. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, ngoài việc thực hiện những quyền của công dân, còn thực hiện theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức. Hai luật này cũng không cấm cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài.
Việc đi du lịch nước ngoài trong thời gian nghỉ thì không có quy định phải báo cáo, trừ trường hợp cán bộ, công chức đó là đảng viên.
Nếu các luật về cán bộ công chức, viên chức, du lịch không quy định cấm, hạn chế giáo viên đi du lịch thì UBND tỉnh không được hạn chế quyền tự do du lịch của giáo viên. Về nguyên tắc, các quyết định của UBND tỉnh phải căn cứ văn bản luật của Quốc hội và nghị định của Chính phủ.