Có cha mẹ người Nam Phi là nhà ngoại giao, Tanja Wessels đã chọn học làm phim và nghệ thuật ở Lisbon (Bồ Đào Nha) và London (Anh). Vào năm 2006, cô chuyển đến châu Á.
Năm 2017, cô bắt đầu cảm thấy hoảng sợ trước sự biến đổi khí hậu và quyết định ngưng mua quần áo kể từ đó, theo SCMP. Hiện tại, cô được biết đến nhiều hơn với công việc nhà hoạt động môi trường.
Không cần chiếc váy mới để nhập tiệc
Cô đã tham dự một buổi ghi hình podcast và gặp Christina Dean - người sáng lập tổ chức phi chính phủ. Christina đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc chỉ mặc quần áo cũ trong một năm. Từ đó, cô nảy ra ý định thử điều tương tự.
Nhà hoạt động vì sự bền vững Tanja Wessels đã quyết định không mua bất kỳ bộ quần áo mới nào trong 4 năm. Ảnh: Alex Macro. |
“Ban đầu, tôi cho mình một năm chỉ mặc lại quần áo cũ. Tôi đã chia sẻ điều đó trên trang cá nhân và nhận những phản hồi tốt và xấu. 4 năm trôi qua, nó đã trở thành lối sống. Tôi đã không mua quần áo mới kể từ năm 2017”, Wessels nói.
Là người học về nghệ thuật, cô hiểu rõ về văn hóa truyền thông và hình ảnh. Phương tiện truyền thông đóng vai trò mạnh mẽ trong việc khiến mọi người cảm thấy được đánh giá cao và yêu thích. Từ đó, nhiều người có xu hướng chi tiền cho các sản phẩm để được công nhận.
Dựa vào điều này, Wessels đã làm truyền thông theo cách ngược lại. Cô chia sẻ: “Tôi ước mình có thể viết kịch bản này sớm hơn. Các bạn không cần một chiếc váy khác để cảm thấy sẵn sàng cho bữa tiệc. Cái bạn đã có trong tủ quần áo suốt 10 năm là chiếc váy hoàn hảo”.
Wessels nói rằng thời trang nhanh đã nhường chỗ cho thời trang cực nhanh. Ảnh: Alex Macro. |
Lựa chọn bền vững nhất là mua ít hơn
Ngày nay, nhiều hãng thường làm hình ảnh bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Wessels luôn cho rằng đó là những tuyên bố mơ hồ và không được chứng minh cụ thể.
"Bất cứ thứ gì tồn tại trên thế giới này đều lấy tài nguyên để sản xuất, dù nó có bền vững đến đâu. Lựa chọn bền vững nhất là mua ít hơn", cô khẳng định.
Trong hai năm tới, cô sẽ tập trung vào công ty phát triển bền vững. Ảnh: Alex Macro. |
Giải pháp khác cô đề cập đến là mua đồ đã qua sử dụng. Nhưng việc không rõ nguồn gốc sản phẩm và vấn đề vệ sinh khiến nhiều người e ngại. Wessels nói rằng việc giặt qua một lần có thể giải quyết được điều đó. Còn với hàng may mặc mới, chúng được chất đống trên các tầng nhà kho và cửa hàng. Nhiều mặt hàng dệt may sử dụng hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngày nay, thời trang nhanh đã "nhường chỗ" cho thời trang cực nhanh. Các thương hiệu như Shein thêm 6.000 mặt hàng mới/ngày. Do vậy, Wessels cho rằng công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội đang đẩy con người vào vực thẳm phế thải dệt may.
Cô nói thêm: "Đồ cũ cần được quan tâm và phát triển thành các thương hiệu lớn. Hãy tự tin vào bản thân thay vì trở thành nô lệ cho hàng hiệu".