Trong bình thường mới, nhiều doanh nghiệp Việt đang chuẩn bị kế hoạch để khắc phục hậu quả của dịch và sớm trở lại đường đua.
Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế và các startup là một trong những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Điều đó khiến Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay trở nên đặc biệt - khi phần lớn doanh nhân Việt đang nỗ lực để duy trì hoạt động và phát triển công ty sau giãn cách.
Zing đã có cuộc trao đổi với 4 nhà lãnh đạo xung quanh câu chuyện này.
Con người là yếu tố quan trọng nhất
Trần Thiên Ấn - Co-founder & CBO BCA Solutions
Trong thời gian giãn cách xã hội, giống với nhiều doanh nghiệp, BCA có khó khăn về mặt vận hành, logistic. Ngoài ra, vì làm việc từ xa nên việc trao đổi giữa nhân sự nội bộ cũng có phần hạn chế.
Tuy vậy, một trong những điều khiến tôi tự hào là công ty vẫn giữ được đà tăng trưởng tương đối ổn định. Lý do là hầu hết hoạt động của BCA vốn luôn được thực hiện trên môi trường trực tuyến từ trước.
Hạn chế trong logistic có thể làm chậm tiến độ giao hàng, nhưng thực tế không gây áp lực lên số lượng đơn hàng quá nhiều.
Cá nhân tôi và đội ngũ sáng lập đã nhìn thấy xu hướng có thêm nguồn thu nhập thứ 2 sẽ bùng nổ trong và sau dịch. Do đó, tuy vui vì công ty tồn tại qua thời khắc căng thẳng, chúng tôi hiểu sự phát triển của mô hình kinh doanh online, kinh doanh nhượng quyền là tất yếu.
Khi điều hành doanh nghiệp, tôi đặc biệt quan trọng 3 yếu tố là con người, chữ tín và những mối quan hệ.
Dù chú trọng vào công nghệ, tôi tin con người vẫn là điểm then chốt giúp một startup phát triển. Những buổi đào tạo, thảo luận của chúng tôi vì thế không bao giờ giảm dù làm việc từ xa.
Khi kinh tế từng bước mở cửa, chúng tôi kỳ vọng những bứt phá mới trong doanh thu và số lượng người dùng, đồng thời chính thức tiến hành mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực. Tôi xem bước tiến này vừa là thách thức, vừa là cơ hội mà Covid-19 đem lại.
Cung cấp giải pháp trong bình thường mới
Marina Tran-Vu - Founder & CEO EQUO
Nhờ chiến lược kinh doanh ở cả trong và ngoài nước, khi dịch Covid-19 bùng phát, EQUO vẫn duy trì một mức tăng trưởng nhất định hàng tháng.
Tất nhiên, thị trường ở Việt Nam đã bị chững lại trong lúc giãn cách xã hội. Nhưng, ở 3 thị trường Mỹ, Úc, Canada, doanh thu của chúng tôi vẫn khá khả quan. Hơn hết, chúng tôi đã có cơ hội mở rộng sang một số quốc gia mới.
Tôi nhận thấy quy mô nhỏ cũng có thể được xem là ưu điểm của các công ty trẻ, bởi khi đối diện với biến động kinh tế, chúng tôi dễ chuyển mình hơn so với các bộ máy cồng kềnh.
Cụ thể, chúng tôi đã đẩy mạnh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử tại Việt Nam và duy trì hoạt động truyền thông online để gắn kết với khách hàng cũ, tiếp cận khách hàng mới.
Khách hàng chính của EQUO thuộc ngành F&B. Việc TP.HCM chưa cho phép phục vụ tại chỗ ảnh hưởng đến kinh doanh của họ và sức mua của chúng tôi.
Tuy nhiên, sau mùa dịch, khách hàng cá nhân cũng quan tâm đến sức khỏe và môi trường hơn, do đó không ít người sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm bền vững.
Với tôi, đó chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp cung cấp thêm giải pháp hạn chế đồ dùng nhựa trong tương lai.
Mở rộng mối quan hệ hợp tác
Xuân Nguyễn - Co-founder & COO Fonos
Vì Fonos hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, dịch bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến chúng tôi.
Đợt giãn cách xã hội vừa rồi, đội ngũ sản xuất của Fonos cũng linh hoạt chuyển đổi việc thu âm tại phòng thu sang làm việc tại nhà. Họ chỉ mất chút thời gian đầu để làm quen với quy trình mới. Các phòng ban khác vẫn duy trì khối lượng công việc.
Hoạt động kinh doanh của Fonos vẫn tích cực. Với tôi, mô hình kinh doanh và sản phẩm của Fonos đang hướng đến sự phát triển bền vững, không phải vì dịch bệnh mà mọi người mới tìm đến mình. Do đó, cơ hội và thách thức với Fonos luôn ở đó, dù cho đại dịch có xảy ra hay không.
Tôi rất vui khi có nhiều người tìm đến sách nói để vỗ về tinh thần trong những ngày giãn cách. Nhưng, tôi không tự hài lòng với niềm vui đó và mong mọi người vẫn sẽ gắn bó khi mọi thứ trở lại bình thường. Cơ sở cho niềm tin đó là những số liệu và sự tăng trưởng bền vững trong hơn một năm qua.
Ở bức tranh lớn hơn, tôi cũng hy vọng vào công cuộc chuyển đổi số trong ngành xuất bản. Thắt chặt mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đơn vị xuất bản lớn trong nước sẽ là điều tôi đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.
Tăng trưởng đi đôi với phục hồi
Lê Thị Thiên Trang - Product Manager & Founding Team WeShare
Là nền tảng gây quỹ cho các hoạt động xã hội từ tiêu dùng hàng ngày của mọi người, khi các ngành hàng liên kết với WeShare bị chậm hay đóng băng hoàn toàn trong dịch, chúng tôi cũng đối mặt với vấn đề tương ứng.
Vì không vận chuyển được, tỷ lệ hủy đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử tăng cao khiến chúng tôi nhận được ít quyên góp.
Dù có ghi nhận một vài sự tăng trưởng, chúng tôi hiểu mình chỉ mới ở giai đoạn đầu của startup - những con số chưa nói lên được nhiều điều.
Tuy nhiên, cá nhân tôi khá lạc quan về sự phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Dịch bệnh khiến thói quen tiêu dùng của không ít người thay đổi. Thứ nhất, vì ở nhà nên họ mua hàng online thường xuyên, từ đó quen với các thao tác. Khi người lao động có thể làm việc, sức mua sẽ trở lại.
Thứ hai, trong khó khăn, mọi người dễ mở lòng với nhau hơn và quan tâm đến giúp đỡ cộng đồng.
Tôi đề cao tính minh bạch, chính trực ở cả đội ngũ nhân viên và vận hành. Và tôi tin đó cũng là điều cần thiết trong các hoạt động từ thiện.
Kinh tế và xã hội đã chịu nhiều tổn thương do dịch. Dù chỉ là doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi cũng muốn góp phần vào quá trình phục hồi.
Trong tương lai gần, chúng tôi đặt mục tiêu tăng số tiền quyên góp cho các tổ chức xã hội bằng cách đa dạng hóa ngành hàng, nhãn hàng và thêm lựa chọn cho người dùng khi mua sắm.