Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4 sai lầm của mẹ vô tình làm hại con

Không cho con bú mẹ, ăn dặm quá sớm với nhiều thực phẩm bổ dưỡng là những điều nhiều chị em nghĩ rằng sẽ tốt cho con mình. Song sự thật hoàn toàn ngược lại.

1. Không cho con bú sữa mẹ

Theo thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198, sai lầm lớn nhất của các mẹ là không cho con bú mẹ vì mục đích giữ dáng hoặc cho con bú sai cách nên không đủ lượng sữa cho con.

Trong khi đó, sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ khi vừa lọt lòng mẹ và nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Trong sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp với hệ tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ thiếu hoặc thừa dinh dưỡng, các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,... Tuy nhiên, nhiều mẹ đã vô tình bỏ qua những lợi ích quý giá này.

Thực tế có nhiều chị em khi sinh đứa con đầu lòng rất ít sữa, sang đứa thứ 2 lại rất nhiều sữa. Bác sĩ Vi cho rằng do các mẹ thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật cho con bú. Theo đó, chỉ nên cho con bú trong tư thế ngồi và cho con ngậm sâu vào phần thâm của ti, tuyệt đối không nằm bú.

2. Ăn dặm trước 6 tháng

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn bổ sung - ăn dặm là khi tròn 6 tháng tuổi (180 ngày). Lúc này, nhu cầu của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đáp ứng đủ vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều chị em quan niệm rằng cho trẻ ăn bổ sung sớm, trẻ sẽ cứng cáp hơn và không bị đói. Vì vậy trẻ được ăn bổ sung từ tháng thứ 4-5, thậm chí không ít trẻ còn được ăn bổ sung từ tháng tuổi thứ 3.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo trẻ được ăn dặm sớm làm ảnh hưởng đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ và bản thân trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng. Đồng thời, việc ăn bổ sung sớm sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa, ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Đặc biệt, thức ăn thường khó tiêu, nên bé sẽ biếng ăn. Khi đó, trẻ không đủ chất dinh dưỡng dẫn đến chậm tăng cân và dễ suy dinh dưỡng.

Do đó, các mẹ nên cho trẻ ăn dặm khi được 6 tháng tuổi. Chế độ ăn nên được tuần tự từ các thức ăn lỏng như sữa, chuyển sang bột loãng, bột đặc rồi cháo và cơm.

3. Ăn thừa đạm

Vẫn theo bác sĩ Tiến, bữa ăn bổ sung của trẻ phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu: nhóm đường bột, nhóm cung cấp chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Bữa ăn đủ nhu cầu, cân đối các chất dinh dưỡng giúp cho trẻ phát triển tốt, ngược lại bé sẽ bị nguy cơ suy dinh dưỡng nhẹ cân và suy dinh dưỡng thấp còi.

Tuy nhiên hiện nhiều phụ huynh chỉ chú trọng cho trẻ ăn chất đạm, ít chú ý đến các nhóm chất khác. Trong khi đó, dạ dày của trẻ rất nhỏ, hệ tiêu hóa lại còn rất yếu, nếu khẩu phần ăn quá nhiều chất đạm, khiến hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn tiêu hóa, gây phân sống, tiêu chảy, kéo theo suy dinh dưỡng, còi xương. Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức chú ý cho trẻ ăn đúng nhu cầu cần thiết, tránh ăn quá nhiều chất bổ dưỡng.

Theo đó, nhu cầu chất đạm của trẻ từ 6-11 tháng tuổi là 2-2,5 g/kg/24 giờ, nhu cầu trung bình là 14-17 g/24 giờ (tương ứng với 20-30 g thịt/bữa). Ngoài ra, trẻ còn cần có 1-2 thìa cà phê dầu ăn/bữa ăn, 1-2 thìa cà phê rau xanh/bữa ăn.

4. Xem nhẹ giai đoạn đầu đời

Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay chế độ dinh dưỡng ngay từ khi nằm trong bụng mẹ và 2 năm đầu đời (đặc biệt là 1000 ngày đầu tiên) rất quan trọng trong việc điều tiết tăng trưởng và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ.

Giai đoạn 1000 ngày đầu đời này chính là thời gian quyết định để phòng ngừa các bệnh mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương.

Vì vậy, việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ từ khi còn trong vào thai đến khi trẻ được 2 tuổi là rất quan trọng, quyết định đến chiều cao, cân nặng, bệnh tật và bộ não của trẻ khi trưởng thành.

Nếu giai đoạn này trẻ không được chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì dù chúng ta có nỗ lực đến đâu cũng không thể bù đắp.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm