Tính đến Olympia 2022, 59 trường THPT trên toàn quốc có thí sinh tham dự chung kết năm. Trong đó, 18 trường có nhà vô địch, 19 trường có á quân và 35 trường có học sinh giành hạng ba. Sau 8 năm vắng bóng tại Olympia, THPT Bắc Duyên Hà (Thái Bình) có đại diện xuất sắc là Đặng Lê Nguyên Vũ - nhất quý I với 300 điểm. Được thành lập năm 1960, ngôi trường này từng vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, cờ thi đua và bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: Olympia. |
Nguyên Vũ là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về tỉnh Thái Bình. Tại O22, cậu được mệnh danh là “vua tốc độ” khi giành tối đa 160 điểm ở phần thi Tăng tốc và là học sinh duy nhất giữ kỷ lục này tính đến hiện tại. Nguyên Vũ là học sinh giỏi nhiều năm liền và từng thi học sinh giỏi Toán, giành huy chương vàng Olympic tiếng Anh năm 2016. Bên cạnh 2 môn học này, nam sinh cũng có điểm Hóa ấn tượng, cụ thể là Toán 9,7; Hóa 9,6; Tiếng Anh 9,5. Ảnh: Olympia. |
Sau 14 năm, THPT chuyên Trần Phú (nguyên là THPT Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng) mới lại có học sinh giành vé vào chung kết Olympia. Đó là Vũ Bùi Đình Tùng, học sinh lớp chuyên Toán. Ngôi trường được thành lập năm 1986, không chỉ có cơ sở vật chất tân tiến, mà còn có bề dày thành tích. Một số thành tựu nổi bật có thể kể đến như tính tới năm 2015, trường đạt kỷ lục Việt Nam với 21 năm liên tiếp có học sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế; 33 giải quốc tế (7 huy chương vàng); xấp xỉ 900 giải quốc gia tính đến năm 2009; danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương lao động hạng Nhất. Ảnh: My TPC. |
Năm học vừa rồi, Đình Tùng có điểm tổng kết là 9,6. Trước đó, cậu từng giành giải nhất học sinh giỏi thành phố môn Toán bằng tiếng Anh năm 2021, sở hữu danh hiệu “Học sinh 3 tốt cấp” thành phố, giải nhất vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ 4. Trong số 4 chàng trai vào chung kết O22, Đình Tùng nắm giữ điểm số cao nhất ở thi quý (310 điểm). Ảnh: VTV. |
Bùi Anh Đức đi vào lịch sử khi là thí sinh đầu tiên của tỉnh Sơn La góp mặt tại chung kết Olympia. Cậu đang theo học tại trường THPT chuyên Sơn La. Thành lập năm 1995, đây là cơ sở giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học hiện đại. Ảnh: THPT chuyên Sơn La. |
Anh Đức sinh ra ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn trong gia đình có bố làm nghề nuôi ong, mẹ là giáo viên. Từ nhỏ, nam sinh đã ý thức rất rõ về việc học tập của bản thân. Hàng ngày, cậu thức dậy lúc 5h để bắt xe buýt tới trường cách nhà gần 30 km. Trong những năm qua, Anh Đức giành nhiều giải thưởng như giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 10; giải nhất cấp tỉnh và giải ba học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp quốc gia năm lớp 11; một huy chương vàng Olympic Tiếng Anh cấp quốc gia. Cậu giành 10 điểm tổng kết môn học Lịch sử năm học vừa qua. Ảnh: VTV. |
Nhờ chiến thắng ở phần thi câu hỏi phụ tại trận quý IV, Vũ Nguyên Sơn trở thành học sinh thứ 5 của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giành vé vào chung kết Olympia. Trước đó, ngôi trường này từng có một quán quân (Phan Minh Đức - năm 10), một á quân (Phạm Huy Hoàng - năm 17) và 2 đại diện vào chung kết (năm 1 và 16). Thành lập năm 1985, trường Ams nổi tiếng với chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia. Theo trang web của trường, trong 25 năm (1985-2010), trường có 81 học sinh đi tham dự các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế và đạt tổng cộng 77 huy chương các loại. Những năm gần đây, trường Ams đều có đại diện giành huy chương ở các kỳ thi Olympic Toán, Hóa học và Vật lý quốc tế. Ảnh: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. |
Trước Olympia, Nguyên Sơn từng giành nhiều thành tích ấn tượng như huy chương bạc Olympic tiếng Anh trên Internet cấp quốc gia, giải ba cuộc thi tiếng Anh TOEFL Junior Challenge 2019-2020, huy chương bạc Olympic tiếng Anh cấp quốc gia. Đặc biệt, cậu là học sinh lớp chuyên tiếng Nga nhưng điểm tổng kết các môn tự nhiên không dưới 9. Ảnh: VTV. |