Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4 vấn đề cần giải quyết của TP.HCM trước thềm năm học mới

Chỉ còn 10 ngày nữa, học sinh TP.HCM sẽ bắt đầu bước vào năm học mới trong hoàn cảnh đặc biệt nhất từ trước đến nay.

Toàn thành phố có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên). So với năm học trước, học sinh tăng thêm 31.000, trong đó khối trường công lập tăng 28.000 em.

TP.HCM ngon ngang truoc nam hoc moi anh 1

Học sinh TP.HCM sẽ bắt đầu năm học mới mà không có ngày khai giảng. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Tuyển sinh đầu cấp còn dang dở

Đến nay, công tác tuyển sinh đầu cấp với lớp 1, lớp 6 thực hiện trực tuyến đã "chốt" để chuẩn bị cho năm học mới nhưng nhiều quận, huyện vẫn lo lắng sót học sinh.

Từ cuối tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công nhân, lao động phổ thông đã dẫn theo con em rời thành phố. Trong khi ngay tại thành phố, nhiều khu phố, phường bị phong tỏa, cách ly. Do đó, thông tin về tuyển sinh đầu cấp và việc nộp hồ sơ trực tuyến bị gián đoạn, hạn chế, ảnh hưởng đến việc nhập học của học sinh.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT Bình Tân, cho biết với học sinh lớp 1, quận đã hoàn thành công tác tuyển sinh theo danh sách thống kê từ các phường gửi lên. Tuy nhiên, điều ông lo lắng là số học sinh đến và đi trong thời gian dịch bệnh vừa qua có thể đã không được thống kê đủ. Phòng giáo dục đã thông tin đến các phường, khu phố gấp rút bổ sung hồ sơ những đối tượng này.

Trong khi đó, công tác tuyển sinh lớp 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự kiến đến ngày 23/8, Sở GD&ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Học sinh có một tuần để nộp hồ sơ xác nhận nhập học. Nhưng trong 2 tuần tới, thành phố thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, việc xác nhận nhập học ở lớp 10 có thể bị đình trệ.

Tháng 10 mới tuyển xong giáo viên

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và chuẩn bị cho năm học mới, tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức ở tất cả bậc học thuộc khối quản lý của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức là hơn 5.500 người. Thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tuyển dụng bị trì trệ, các đơn vị đều cho biết việc tuyển dụng chắc chắn không thể hoàn thành trong tháng 8.

Ở khối THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2021-2022, tổng nhu cầu tuyển dụng viên chức giáo dục là 441 người. Sở GD&ĐT TP.HCM đã thông tin về hình thức tổ chức thi tuyển và các nội dung công tác tổ chức tuyển dụng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10/2021.

Như vậy, yêu cầu bổ sung giáo viên ở tất cả bậc học không thể hoàn thành vào đầu năm học mới. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, các trường buộc phải tính đến phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng hoặc tăng cường lực lượng tại chỗ.

Tìm giải pháp đưa SGK đến tay học sinh

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết nhà xuất bản đã chuyển sách giáo khoa đến cho các trường. Từ lớp 3 đến lớp 12, hơn 95% sách đã đến tận trường. Nhưng việc phân phối sách giáo khoa cho lớp 1, 2, 6 gặp khó. Lớp 2, lớp 6 là chọn sách mới theo chương trình phổ thông 2018, còn ở lớp 1 có một số trường chọn lại sách giáo khoa.

Do sách chưa nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu nên ngành giáo dục đã đề nghị thành phố tạo điều kiện trong việc vận chuyển, phân phối sách giáo khoa.

Sở cho biết sẽ hướng dẫn phụ huynh đăng ký nhà trường, phòng giáo dục đăng ký địa phương quyết định thời gian cho phụ huynh đến trường nhận sách theo nhiều khung thời gian khác nhau để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Người đứng đầu ngành giáo dục thành phố đảm bảo khi bắt đầu năm học mới, học sinh sẽ có sách giáo khoa. Hiện nay, bản điện tử của sách giáo khoa lớp 1 đến lớp 12 đã có trên trang thông tin của sở và các trường.

Tuy nhiên, trong 2 tuần tới (từ ngày 23/8 đến ngày 6/9), TP.HCM sẽ siết chặt, nâng cao hơn nữa các biện pháp chống dịch. Người dân "ở đâu ở yên đó", lương thực, nhu yếu phẩm được phân phối tận nhà. Như vậy, ít nhất trong thời gian này, công tác phân phối sách đến tay phụ huynh, học sinh sẽ bị đình trệ, khó có thể đúng hạn trước năm học mới. Trong khi từ ngày 1/9, học sinh THCS, THPT đã bắt đầu củng cố lại kiến thức, tổ chức lớp, làm quen cách học trực tuyến. Ngày 6/9, các em chính thức bước vào chương trình năm học mới.

TP.HCM ngon ngang truoc nam hoc moi anh 2

TP.HCM xác định có thể dạy học trực tuyến đến hết học kỳ I. Ảnh minh họa: Duy Anh.

Có thể học trực tuyến kéo dài

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Sở GD&ĐT TP.HCM đã xây dựng 3 kịch bản dạy học tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Học sinh có thể phải học trực tuyến ít nhất 4-6 tuần đầu năm học hoặc có thể kéo dài đến hết học kỳ I.

Sở GD&ĐT TP.HCM thống kê hiện có 249 trường học trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường làm điểm tiêm vaccine, có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, các cơ sở giáo dục cũng mất ít nhất 2 tuần để sửa chữa, cải tạo lại.

Tại cuộc họp ngày 19/8, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành giáo dục sẽ chuẩn bị cho kịch bản học trực tuyến đến hết học kỳ I và xác định dạy học trực tuyến là phương thức dạy học ổn định trong năm học 2021-2022.

"Trước đây chúng ta xem đó là giải pháp tình thế nhưng hiện nay đây là phương thức dạy học ổn định. Ngành giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên dạy học khá phong phú và đầy đủ trong năm học mới", ông Hiếu nhận định.

Nhưng ông cũng không phủ nhận thực tế học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi học trực tuyến. Năm học vừa qua, trẻ 5 tuổi không được đến trường đầy đủ nên việc làm quen chữ viết, tập viết không có nhiều thời gian. Tương tự, học sinh lớp 1 chỉ có học kỳ I được học tập trung đầy đủ, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các em học trực tuyến một thời gian và kết thúc năm học trong vội vã. Nên việc học trực tuyến với lớp 1, 2 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Hiếu cho biết ngành giáo dục có giải pháp khắc phục. Ngay từ đầu tháng 8, sở đã tập huấn giáo viên, xây dựng các clip hướng dẫn, tìm các đoạn phim ngắn cho học sinh xem và phụ huynh hỗ trợ cho học sinh trong khoảng thời gian đầu năm học để đáp ứng được nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT cũng thông tin trong tình hình khó khăn, nội dung chương trình sẽ được cô đọng lại, tinh gọn, tập trung giảng dạy những nội dung cơ bản, chủ yếu để học sinh học trực tuyến không dàn trải và quá tải.

Năm học mới, những biến động về nghề nghiệp, nơi ở, sinh kế, của các gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, dẫn tới nguy cơ học sinh bỏ học, thiếu thiết bị học tập… sẽ là những thách thức rất lớn với ngành giáo dục.

Việc học trực tuyến kéo dài, phát sinh nhu cầu về thiết bị, học phí, trong bối cảnh đời sống kinh tế của các gia đình ở vùng dịch đang túng quẫn đòi hỏi ngành giáo dục phải phối hợp với địa phương để có những giải pháp tháo gỡ.

Năm học mới tại TP.HCM sẽ bắt đầu vào ngày 1/9 với học sinh THCS, THPT và ngày 8/9 với học sinh tiểu học mà không có ngày tựu trường, khai giảng.

Ngày 1/9, học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, sẽ bắt đầu làm quen lớp, thầy cô mới, củng cố kiến thức để ngày 6/9 bắt đầu chương trình học chính thức. Học sinh tiểu học sẽ làm quen các học trực tuyến, tổ chức lớp vào ngày 8/9. Ngày 19/9, các em chính thức bước vào chương trình năm học.

TP.HCM chuẩn bị dạy online đến hết học kỳ I

Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, TP.HCM sẽ sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm