Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4 yếu tố giúp Olympia vẫn thu hút sau 15 năm lên sóng

Đã phát sóng hơn một thập kỷ nhưng nhờ những yếu tố mới mẻ, hấp dẫn mà “đỉnh núi” Olympia vẫn là đích đến đầy sức hút với bạn trẻ Việt.

Sân chơi trí tuệ, bổ ích

Ra đời tháng 3/1999, Đường lên đỉnh Olympia với vòng nguyệt quế vinh quang là ước mơ, khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức của nhiều thế hệ học sinh Việt. Mỗi năm, chương trình có tất cả 53 cuộc thi gồm 36 cuộc thi tuần, 12 cuộc thi tháng, 4 cuộc thi quý và một trận chung kết năm.

Đường lên đỉnh Olympia đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực.
Đường lên đỉnh Olympia đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực.

Những câu hỏi của Olympia được trải đều trên nhiều lĩnh vực: toán, văn, sử, địa, lí, hóa, nghệ thuật, thể thao… Với sự cố vấn của các nhà giáo uy tín, kho câu hỏi được cập nhật liên tục, trở thành thử thách hấp dẫn với thí sinh. Để có thể thi đấu tốt, họ vừa phải nắm chắc kiến thức trong nhà trường, vừa phải nắm bắt, cập nhật những sự kiện xã hội. Một học sinh giỏi và có điểm số cao trên lớp chưa chắc đã là một thí sinh thi đấu tốt ở sân chơi này. Bên cạnh nền tảng kiến thức vững chắc, “nhà leo núi” còn cần có một cái đầu lạnh, một tinh thần thép và cả sự may mắn trên suốt hành trình.

Luật chơi luôn được cập nhật

Đường lên đỉnh Olympia giữ được sự hấp dẫn còn nhờ luật chơi luôn được bổ sung, làm mới. Điển hình như trong năm thứ 15, sự thay đổi về quy mô điểm số của các gói câu hỏi đã khiến cho phần thi về đích trở nên căng thẳng hơn. Mỗi gói điểm chỉ gồm 3 câu hỏi (gói 40: 10 -10 - 20; gói 60: 10 - 20 - 30, gói 80: 20 - 30 - 30), tương ứng với mức độ khó tăng dần nên thí sinh luôn phải thận trọng khi lựa chọn.

Cùng với đó, phần thi về đích thực sự trở thành cuộc chạy nước rút, đòi hỏi người leo núi có chiến thuật tỉnh táo, giữ sự bình tĩnh và đôi khi là chút liều lĩnh, táo bạo. Kiến thức ngày một mở rộng, các thí sinh phải ôn luyện nhiều hơn càng khiến giá trị của “đỉnh núi Olympia” tăng lên sau mỗi mùa giải.

Giải thưởng hấp dẫn và ý nghĩa

Đến với Olympia, ngoài mục tiêu chinh phục tri thức, khẳng định bản thân, thí sinh còn có cơ hội biến giấc mơ du học của mình thành sự thật với suất học bổng giá trị 35.000 USD.

LG Electronics Việt Nam đồng hành cùng Olympia suốt 15 năm bằng việc trao tặng cho thí sinh nhiều giải thưởng giá trị.
LG Electronics Việt Nam đồng hành cùng Olympia suốt 15 năm bằng việc trao tặng cho thí sinh nhiều giải thưởng giá trị.

Trần Ngọc Minh tham gia chung kết Đường lên đỉnh Olympia khi là học sinh lớp 12 THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Sau chiến thắng, cô lên đường đi du học tại ĐH Swinburne, Australia, hoàn thành xuất sắc chương trình kỹ sư chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin. Sau đó, Ngọc Minh tiếp tục nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo bậc tiến sĩ chuyên ngành mạng thông tin của ĐH Kỹ thuật Swinburne.

Quán quân năm 2001 Phan Mạnh Tân sau 12 năm học tập Úc cũng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ và đi làm ở công ty IBM. "Phần thưởng lớn của chương trình do LG tài trợ đã cho chúng tôi cơ hội được học tập, nghiên cứu ở một nền giáo dục tiên tiến và môi trường khoa học tầm cỡ thế giới. Từ đó, chúng tôi có thể theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học của mình”, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6 - Lê Vũ Hoàng chia sẻ.

MC tài năng

Bên cạnh những giây phút hồi hộp, sôi động và đáng nhớ trong mỗi vòng thi, hình ảnh MC chương trình cũng để lại nhiều dấu ấn với khán giả truyền hình cả nước. Qua nhiều năm phát sóng, bên cạnh sự cập nhật về luật chơi thì MC cũng liên tục thay đổi để tạo nên những sự mới mẻ.

Đầu tiên phải kể đến Tạ Bích Loan, người luôn được mọi người nhớ đến bởi sự thông minh, đam mê và nhiệt huyết đối với công việc. Chị có cách dẫn chương trình thông minh, dí dỏm và luôn giúp các thí sinh giữ được sự bình tĩnh trong những giây phút căng thẳng nhất. “Tôi đứng ở chỗ có vòng nguyệt quế và chữ “Đường lên đỉnh Olympia” - vị trí của người dẫn chương trình, một cảm giác rất lạ vụt đến. Khán giả cũng vậy, khi tôi bước vào trường quay, theo quán tính, khán giả vẫn hò reo vui vẻ…” – Tạ Bích Loan xúc động hồi tưởng lại.

Tùng Chi là MC gắn bó lâu năm nhất với Đường lên đỉnh Olympia. Chị giữ vị trí này suốt 8 năm từ 2000, 2001, 2002 và tiếp tục quay trở lại vào chung kết năm thứ 9. Không sôi nổi, hoạt náo như Tạ Bích Loan hay dí dỏm như Lưu Minh Vũ, Tùng Chi có lối dẫn dắt nhẹ nhàng, đằm thắm. Hiện tại, chị còn đảm nhận vai trò tổng đạo diễn kiêm biên tập viên của chương trình này.

 Tùng Chi là MC gắn bó lâu nhất với Đường lên đỉnh Olympia.
Tùng Chi là MC gắn bó lâu nhất với Đường lên đỉnh Olympia.

Những thế hệ MC kế cận như Khánh Chi, Kiều Anh, Thanh Vân... cũng tiếp tục duy trì được sự nhiệt huyết của Đường lên đỉnh Olympia. Nét duyên dáng, hài hước của mỗi người đã giúp cho chương trình thêm sinh động và thu hút.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm