Theo GS Nguyễn Lân Dũng, trên thế giới, hiện rất nhiều nước đã thực hiện việc đưa iPad vào phục vụ học tập, xây dựng một lớp học thông minh với sự tương tác cao.
Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế nước ta hiện nay, ông Dũng cho rằng, đề án 4000 tỷ đồng mua máy tính bảng làm sách giáo khoa điện tử là chưa phù hợp. Cụ thể, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 3 điểm hạn chế sau:
Thứ nhất, chúng ta chưa hoàn thành việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 29. Dự kiến đến 2020 mới áp dụng đại trà chương trình và sách giáo khoa mới.
Chưa có chương trình, sách giáo khoa, chưa xác định được phương pháp dạy và học chuẩn thì việc đưa thiết bị dạy học điện tử vào là điều bất cập, là một sự cải cách ở phần ngọn khi chưa có phần gốc.
Hơn nữa, Thủ tướng đã quyết định sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, vậy chúng ta sẽ đưa bộ sách nào vào chương trình điện tử này? Không thể đưa tất cả các bộ sách giáo khoa vào cùng một lúc, mà nếu phải chọn thì biết chọn bộ nào?
Thứ hai, đất nước còn nghèo, chúng ta không nên lãng phí dù chỉ một đồng. Rất nhiều nơi trên đất nước vẫn ngày ngày xảy ra tình trạng học sinh đi bộ hàng chục km đến trường, có nơi còn phải học hai lớp tráo đầu đuôi trong một phòng (!).
Những học sinh miền núi thiếu thốn từng quyển sách, quyển vở, ngay cả mái nhà, cánh cửa cho ra hồn vẫn chưa đạt. Nhiều nơi học sinh lội suối đến trường học… Chưa kể, đồng lương giáo viên còn bèo bọt, đời sống bấp bênh…
Mức sống ở TP.HCM tuy có khá hơn nhiều nhưng nếu chúng ta cứ vung tiền xây dựng những đề án đắt đỏ như vậy thì sẽ ngày càng gây nên tình trạng mất cân bằng trong giáo dục giữa các vùng miền.
Ngay ở TP.HCM nhiều hộ gia đình vẫn còn nghèo, đời sống vẫn còn rất khó khăn. Mỗi dịp đầu năm học vẫn phải đối mặt với rất nhiều lo lắng về vấn đề tiền bạc.
Tiền ngân sách thì cũng là tiền của dân, còn nếu huy động từ trong dân với mức mỗi gia đình một máy tính bảng từ 3-5 triệu đồng, cộng với khoản bảo dưỡng thường xuyên nữa thì cũng là một gánh nặng không hề nhỏ.
Nếu một gia đình có hai con cùng vào cấp 1 thì việc lo kinh phí càng tốn kém. Nếu lấy tiền từ ngân sách Nhà nước thì cũng không thỏa đáng vì đất nước còn nghèo, còn nhiều việc cần chi quan trọng hơn, cấp bách hơn.
Thứ ba, hiệu quả của đề án số hóa này chưa rõ ràng. Chúng ta chưa có những chương trình thí điểm đã vội triển khai đồng bộ thì sẽ rất khó đạt hiệu quả, dễ xảy ra nhiều lãng phí công sức và tiền bạc.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ việc học sinh lớp 1, 2, 3 học trên máy tính bảng sẽ đạt hiệu quả hơn so với học bằng các phương pháp khác. Hơn nữa, các em còn quá nhỏ, việc bảo quản các thiết bị đắt tiền là không dễ dàng.
Người thầy có vai trò rất quan trọng, bởi thầy cô không chỉ là dạy chữ mà còn dạy người, nhất là ở bậc tiểu học. Ở các nước, máy tính bảng cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, vai trò của người thầy là không thể thay thế.
Hơn nữa, đưa máy tính bảng vào thì đội ngũ giáo viên phải thành thạo về công nghệ, có thể xử lý khắc phục những lỗi của máy tính. Học sinh nhỏ tuổi rất hiếu động, hoàn toàn có thể nghịch ngợm dẫn đến nhanh chóng hỏng hóc thiết bị.
Thậm chí, nhiều học sinh khi có máy tính bảng trong tay sẽ dễ dẫn đến việc mải chơi game, phụ thuộc nhiều vào máy tính bảng và quên mất việc tương tác với cuộc sống bên ngoài.
Ngoài ra, sách in thì không thể bỏ đi hoàn toàn. Ngay ở nhiều nước phát triển tuy đã số hóa sách giáo khoa nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn được sách in. Bởi sách in còn giúp học sinh tương tác với bài học bằng nhiều phương thức khác nhau.