Ngày 28/5, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và kiểm tra công tác phòng chống HIV/AIDS và tình hình điều trị bệnh tại các cơ sở y tế TP.HCM.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, số người nhiễm HIV lũy tích toàn thành phố là 57.475 người, trong đó còn sống là 46.853 người, tử vong là 10.622 người. Trong số đó, 42% bệnh nhân lây nhiễm HIV/AIDS không rõ nguyên nhân, toàn thành phố có 24/24 quận huyện có người nhiễm HIV/AIDS. Từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố có thêm 444 người mắc mới, trong đó phân bố chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15-29 tuổi và phần lớn ở nam giới.
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS tại TP.HCM. Ảnh: Phú Mỹ |
Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến thăm và kiểm tra việc khám và điều trị người nhiễm HIV tại Trung tâm y tế quận Gò Vấp, TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, báo cáo trung tâm đã điều trị cho 865 bệnh nhân (nay còn 485 bệnh nhân) bằng thuốc Methadone và Suboxone. Trong số đó, 283 trường hợp bệnh nhân tự ý bỏ thuốc.
Theo bác sĩ Hòa, mô hình phòng khám 4/1(VCT-ARV-Methadone (Suboxone)- Lao) đang có hiệu quả cao. Trung tâm Y tế quận Gò Vấp là quận đầu tiên khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Quận còn có phương án sẵn sàng tự chủ tài chính khi không còn tài trợ từ các dự án nước ngoài. Mặc dù vậy, phòng khám trung tâm đang quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo là vấn đề lo ngại của nhiều bác sĩ tại đây.
Có 42% bệnh nhân nhiễm HIV tại TP.HCM không rõ nguyên nhân lây nhiễm. Ảnh: Phú Mỹ |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo yêu cầu trung tâm xác định rõ các vấn đề liên quan đến việc thiếu nguồn nhân lực. Đồng thời, quận cần tìm kiếm giải pháp để có phương án dự phòng cho việc bổ sung nhân sự cho các bộ phận nếu thiếu.
Theo bà Tiến, vấn đề tuyên truyền, phát hiện, tư vấn và xét nghiệm cho bệnh nhân là gốc của công tác phòng chống, điều trị HIV/AIDS. Vì vậy, bà yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM cần đẩy mạnh đến các hệ thống y tế phường, xã và phòng khám gia đình hỗ trợ việc tư vấn, xét nghiệm nhanh để giảm tải cho các đơn vị tuyến trên.