Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

4.300 bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty Alibaba

Công an TP.HCM quyết định tách vụ án để điều tra dấu hiệu trốn thuế đối với một số người bán đất cho các bị can trong vụ án Alibaba.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền.

Trong đó, Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi), Nguyễn Thái Lĩnh (32 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị đề nghị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Một bị can khác là Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.

de nghi truy to Nguyen Thai Luyen anh 1

Cảnh sát đọc lệnh bắt Nguyễn Thái Luyện hồi tháng 10/2019. Ảnh: CTV.

Trong kết luận điều tra bổ sung lần này, Công an TP.HCM đã xác định lại số bị hại, giảm từ 5.700 người xuống còn 4.300 người với số tiền chiếm đoạt là 2.264 tỷ đồng.

Ngoài ra, cảnh sát đã tổ chức xác minh việc làm rõ dấu hiệu trốn thuế thu nhập cá nhân của chủ nhà, đất trong quá trình giao dịch đối với các bị can.

Tuy nhiên, do thời hạn điều tra bổ sung vụ án đã hết nhưng chưa thể thu thập đầy đủ chứng cứ, làm rõ dấu hiệu của tội phạm trốn thuế, cơ quan điều tra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan trong vụ án để tiếp tục làm rõ.

Theo hồ sơ vụ án, Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma". Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Với phương thức mà Luyện đề ra, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Hồi tháng 9 và tháng 10/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Lực còn bị khởi tố về tội Rửa tiền.

Tháng 3/2020, Công an TP.HCM khởi tố thêm 14 bị can khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, 11 người bị bắt tạm giam là giám đốc và tổng giám đốc các công ty con của Công ty địa ốc Alibaba. Một người liên quan là vợ của Luyện (được cho tại ngoại).

Đến tháng 10/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam thêm 6 bị can khác liên quan sai phạm tại Tập đoàn địa ốc Alibaba.

257 miếng vàng ở Công ty Alibaba có giá trị gần 750 triệu đồng

Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng của trên 5.700 bị hại, trong đó có nhiều nhân viên dưới quyền.

Lê Trai

Bạn có thể quan tâm