Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất dùng bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy. Thí sinh dự tuyển sẽ tham gia làm bài thi được tổ chức vào 2 đợt, cuối tháng 5 và đầu tháng 8. Bài thi được thực hiện trên máy tính.
Sinh viên tình nguyện Đại học Quốc gia Hà Nội tận tình hướng dẫn thí sinh. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo đó, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế gồm 140 câu hỏi. Thí sinh bắt buộc làm 50 câu hỏi về Toán, 50 câu hỏi Ngữ văn; lựa chọn 40 câu về khối kiến thức khoa học tự nhiên hoặc xã hội và nhân văn.
Trong bài thi đánh giá năng lực, kiến thức lớp 10 chiếm 10%, lớp 11: 20% và lớp 12: 70%. Mức độ của đề thi được đánh giá dễ (10%), khó (20%) và trung bình (70%).
Riêng thí sinh có nguyện vọng vào Đại học Ngoại ngữ sẽ lựa chọn môn một trong những phần thi: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
Khâu kiểm tra cuối cùng trước khi kỳ thi chính thức được bắt đầu. Ảnh: Lê Hiếu. |
Với 45.350 thí sinh đăng ký dự thi, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến có khoảng 80% sẽ đến các điểm thi làm bài đánh giá năng lực trong đợt 1.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, trên toàn quốc đã chuẩn bị 196 phòng đánh giá năng lực, 436 phòng thi Ngoại ngữ và gần 7.500 máy tính.
Thí sinh sẽ thi tại 9 cụm ở 21 điểm thi, tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh cho biết, trước một kỳ thi đổi mới toàn diện, mặc dù có lo lắng nhưng Đại học Quốc gia rất bình tĩnh để triển khai tốt nhất kỳ thi trong những ngày tiếp theo.
Biết điểm ngay sau khi hoàn thành bài
Ông Vũ Viết Bình - Phó trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Mỗi thí sinh sẽ có một đề thi riêng biệt trong ngân hàng 4.000 đề". Điều này tạo nên sự khác biệt cho kỳ thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây được coi là cuộc thi tin học hóa triệt để: Thí sinh đăng ký thi, nộp phí qua mạng, thi và thông báo kết quả qua máy tính.
Cụ thể, ông Vũ Viết Bình cho biết, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã mật khẩu. Ma trận đề thi sẽ xáo trộn ngẫu nhiên, đảm bảo mỗi người có một đề riêng.
Bài thi gồm 140 câu hỏi (tương đương 140 điểm). Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được điểm.
Ông Vũ Viết Bình trả lời thắc mắc của độc giả về kỳ thi Đại học Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngay sau khi kết thúc bài thi, thí sinh sẽ có ngay kết quả và ký xác nhận vào kết quả đó khi được in ra từ máy tính. Sau đó, nhà trường có giấy chứng nhận kết quả dự thi bài đánh giá năng lực và thí sinh sẽ dùng để đưa vào hồ sơ dự tuyển các chương trình đào tạo thuộc Đại học Quốc gia. Nhà trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho từng chương trình đào tạo.
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố danh sách thí sinh trúng tuyển (đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT) và thí sinh đạt điểm ngưỡng trúng truyển đầu vào (đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT) trước ngày 30/6 (đợt 1) và trước ngày 30/8 (đợt 2, nếu có xét tuyển bổ sung).
Riêng với phần thi Ngoại ngữ vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội sẽ không có tự luận (khác đề thi THPT quốc gia). Đề thi gồm 80 câu hỏi làm trong 90 phút, có định dạng và cấu trúc tương tự kỳ thi đại học những năm trước.
Kiến thức của đề thi nằm trong chương trình THPT, độ khó được phân theo tỷ lệ như sau: Dễ (20%), trung bình (60%) và khó (20%)”.
Cấu trúc đề thi bao gồm 5 lĩnh vực: Ngữ âm - Ngữ pháp và Từ vựng - Chức năng giao tiếp - Kỹ năng đọc - Cấu trúc và Diễn đạt viết.