Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 bị cáo trong vụ trộn hỗn hợp pin con Ó vào tiêu hầu tòa

Trước phiên xử diễn ra, một trong số các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng VKS truy tố cả 5 bị cáo về tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm là chưa hợp lý.

Ông Đỗ Đồng Chung, Phó chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, cho biết hôm nay (28/12), tòa sẽ xét xử vụ án dùng than pin nhuộm đen các tạp chất rồi đấu trộn vào hồ tiêu để bán ra thị trường. Theo ông Chung, phiên tòa dự kiến xét xử trong một ngày.

Trước đó, ngày 18/12 phiên tòa không diễn ra theo kế hoạch do 1 trong 3 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo có đơn gửi tòa án xin hoãn phiên tòa.

5 bị cáo bị truy tố tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Theo cáo trạng, VKSND tỉnh Đắk Nông truy tố 5 bị can với tội danh trên gồm: Phan Thị Dung (56 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, Bình Phước); Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông); Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, ngụ xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông); Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi) và Trần Ngưỡng (42 tuổi), cùng ngụ xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông.

Từ năm 2015 - 2018, Thơ và Ngưỡng nhiều lần mua vỏ cà phê trộn hạt đá nhỏ, nhuộm lõi pin của Loan và Bảo rồi bán tiếp cho Dung.

Sau khi mua hỗn hợp này về, Dung trộn với hồ tiêu để bán cho khách hàng nhằm ăn gian.

Tron hon hop pin vao tieu anh 1
Nước pin con Ó dùng để trộn vào cà phê thải. Ảnh: Minh Lộc.

Đến ngày 15/4, Dung biết được tạp chất mua của Loan có trộn bột pin con Ó bị cơ quan điều tra phát hiện. Lúc này, trong kho có 9.800 kg tạp chất mới nhập, sợ bị phát hiện xử lý nên Dung gọi điện cho Ngưỡng để hỏi.

Ngưỡng nói Dung nhờ người khác nhận mua tạp chất này để về làm phân bón.

Do đó, ngày 18/4, Dung nhờ em chồng đem 9,8 tấn tạp chất nêu trên cho người chở ra rẫy cao su trộn với phân lân, vôi và phân heo ủ làm phân bón để tẩu tán.

Tại kho còn có khoảng 4 tấn hạt tiêu đã trộn với tạp chất, Dung cho trộn thêm vào khoảng 5 tấn hạt tiêu để bán cho Công ty cổ phần Phalco Việt Nam.

Ngày 22/4, Công an tỉnh Đắk Nông đã tạm giữ 9 tấn hạt tiêu nêu trên tại kho hàng của Dung.

Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận trong mẫu tiêu hạt gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, tỷ lệ 81,66%; ngoài ra các tạp chất gồm: vụn vỏ cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần: mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua), tỷ lệ 18,34%.

Các chất mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua không nằm trong danh mục hỗ trợ chế biến thực phẩm theo quy định.

Bị cáo Thơ không biết tạp chất trộn lõi pin?

Luật sư Võ Anh Loan, Đoàn luật sư TP.HCM (người bào chữa cho bị cáo Thơ), cho biết VKS truy tố cả 5 bị cáo về tội Vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm là chưa hợp lý.

Theo luật sư Loan, Thơ là người đứng ra mua hộ cho bà Dung số tạp chất trên để trộn vào tiêu. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình mua bán hộ mà Thơ thực hiện với Loan, Tuấn, Dung hoàn toàn qua điện thoại.

Tron hon hop pin vao tieu anh 2
Cơ sở sản xuất của vợ chồng Loan - Bảo. Ảnh: Minh Lộc.

Thơ chỉ xem mẫu phế phẩm mà Loan chào hàng một lần duy nhất và đặt mua Loan.

Việc bị cáo Thơ khai không biết mẫu tạp chất có nhuộm pin đều trùng khớp với lời khai của Dung, Loan, Bảo và Tuấn trong các bút lục của cơ quan điều tra.

"Vì vậy, trong kết luận điều tra của cơ quan CSĐT và bản cáo trạng của VKS đều nhận định Thơ chỉ biết phế phẩm cà phê được nhuộm đen bằng thuốc chứ không phải bằng bột pin. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn quyết tâm áp đặt hành vi bị cáo Thơ vào điểm d khoản 3 Điều 317 BLHS với khung hình phạt lên đến 15 năm tù là không hợp lý”, luật sư Loan nhận định.

Hoãn xử vụ trộn hỗn hợp bột pin con Ó vào tiêu bán kiếm lời

Một trong 3 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ trộn hỗn hợp bột pin con Ó vào tiêu có đơn xin hoãn phiên tòa nên HĐXX đồng ý.


Tây Nguyên

Bạn có thể quan tâm