Hình ảnh lăng Taj Mahal thường xuyên xuất hiện trong các chương trình quảng bá về Ấn Độ. Công trình tuyệt mĩ này sừng sững trên nền trời xanh khoáng đạt. Tòa án Ấn Độ đã cấm xây dựng các công trình quanh Taj Mahal có thể phá vỡ cảnh quan nơi đây. Du khách nên tới lăng vào lúc bình minh, để được chiêm ngưỡng công trình đá cẩm thạch này tắm mình trong ánh nắng ấm áp.
Taj Mahal đạt độ đối xứng hoàn hảo, trừ một điểm duy nhất
Khi bước vào vườn Mughal, bạn sẽ thấy tòa lâu đài lộng lẫy soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng phía trước. Mỗi góc của lăng đều có các tháp nhọn, hai kiến trúc đá đỏ (một thánh đường và một nhà khách) nằm cách lăng một khoảng bằng nhau.
Đi quanh Taj Mahal, bạn sẽ thấy bốn mặt của kỳ quan này giống hệt nhau, với các cổng vòm và kinh Quran được khảm trên cẩm thạch trắng. Thiết kế hoàn hảo này đem lại vẻ đẹp nguyên vẹn và trường tồn cho Taj Mahal. Trước thời đại của máy móc và công nghệ, các kiến trúc sư đã làm được điều gần như không thể: độ cân xứng song phương dọc đường trục trung tâm.
Taj Mahal đạt sự cân xứng hoàn hảo. Ảnh: Airpano. |
Người Mughal coi sự cân xứng là biểu tượng của cân bằng và hòa hợp trong đế chế của mình. Điều đáng ngạc nghiên là điểm không cân xứng duy nhất lại nằm ở mộ của người đã dựng lên công trình ấn tượng này: mộ của hoàng hậu Mumtaz nằm chính giữa lăng, trong khi mộ của hoàng đế Shah Jahan phá vỡ thế cân xứng. Theo truyền thuyết, hoàng đế định xây một lăng Black Taj cho riêng mình, nhưng không kịp hoàn tất. Do đó, mộ của ông trong lăng Taj Mahal không được tính toán từ đầu mà là thêm vào sau.
Nhiều lần bị phá hoại
Hoàng đế đã tốn 32 triệu rupee (tương đương 53 tỷ rupee hay 877 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) để hoàn thiện Taj Mahal. Công trình này sử dụng nhiều vật liệu quý hiếm, từ đá cẩm thạch makrana của Rajasthan, lưu ly nhập từ Trung Á, và cần tới 1.000 con voi để vận chuyển vật liệu. Tuy nhiên, chính điều này khiến Taj Mahal gặp nguy hiểm khi đế chế Mughal sụp đổ vào thế kỷ 18. Người Jat (một cộng đồng theo đạo Hindu ở Bắc Ấn, vốn có hiềm khích với người Mughal) đã cướp phá nơi này vào năm 1764, đánh cắp 2 cánh cửa bạc của cung điện. Khi chiếm đóng, thực dân Anh đã dỡ hết các tấm thảm dệt tay cầu kỳ và các viên đá quý. Lãnh chúa Bentinck, Toàn quyền đầu tiên ở Ấn Độ, còn định bán lăng làm cẩm thạch vụn. May mắn là kế hoạch đã không được tiến hành.
Kỳ quan này đã trải qua nhiều biến cố. Ảnh: Mindblowingtrip. |
Sau đó, lăng Taj Mahal trở thành nơi tiệc tùng cho người Anh. Tới đầu thế kỷ 19, những hình chạm bằng vàng trên mái được thay thế bằng đồng. Lãnh chúa Curzon, Tổng trấn Ấn Độ (1899-1905), đã ra lệnh phục chế lăng mộ và khu vườn xung quanh. Ông cũng tặng cho Taj Mahal một đèn trần khổng lồ.
Taj Mahal thường xuyên được “chăm sóc sắc đẹp”
Ngày nay, nguy cơ lớn nhất đối với kỳ quan này tới từ quá trình công nghiệp hóa. Khi kinh tế phát triển, không khí ô nhiễm khiến bề mặt đá cẩm thạch chuyển thành màu vàng. Tòa án Tối cao đã yêu cầu các nhà máy và khu công nghiệp trong vùng 10.400 km2 quanh Taj Mahal phải chuyển sang dùng khí gas tự nhiên hoặc chuyển địa điểm.
Đồng thời, kỳ quan này được làm sạch nhờ bùn Multani Mitti, được nhiều phụ nữ Ấn Độ sử dụng để tẩy da chết. Taj Mahal được đắp một lớp bùn, để 24 tiếng rồi rửa sạch bằng nước ấm, đem lại màu sáng bóng cho cẩm thạch.
Taj Mahal là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Ảnh: Abercrombiekent. |
Lời đồn thất thiệt
Chúng ta thường nghe đồn rằng Hoàng đế Shah Jahan yêu cầu chặt tay và làm mù mắt những nghệ nhân chính xây dựng Taj Mahal, để công trình này là duy nhất. Các nhà sử học không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy đây là một giả thuyết có thực, tuy nhiên, có một sự thật là các công nhân ở đây thường bị tàn tật. Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do nhiều năm làm việc nặng liên tục khiến họ bị bệnh về xương, và những người làm công việc chạm khắc bị bụi đá làm hỏng mắt.
Ba lần bị bán
Là biểu tượng quốc gia, Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1983, Taj Mahal vẫn bị đem bán cho các du khách cả tin. M.K Srivastava hay còn gọi là Natwarlal, một tay lừa đảo khét tiếng, đã 3 lần bán lăng Taj Mahal chỉ với vài trăm nghìn rupee. Ông ta đóng giả là nhân viên chính phủ với bản hợp đồng có vẻ rất xác thực. Natwarlal đã thực hiện 100 vụ lừa đảo, bị bắt và vượt ngục nhiều lần. Lần cuối cùng, vào năm 86 tuổi, Natwarlal đã trốn thoát trên đường từ nhà tù tới bệnh viện khi đang phải ngồi xe lăn. Ông ta biến mất kể từ đó.