Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 bộ phim bị cấm chiếu vì lý do kỳ quặc

Bộ phim về ngày tận thế "2012" hay "E.T" đều có những lý do riêng để không thể ra rạp hoặc giới hạn độ tuổi người xem tại một số quốc gia.

E.T. – The Extra Terrestrial (1982)

E.T được cả thế giới yêu thích nhưng Thụy Điển lại đặt lệnh cấm với trẻ em dưới 11 tuổi.

Câu chuyện ấm áp về tình bạn giữa một cậu bé và một người ngoài hành tinh của đạo diễn Steven Spielberg được coi là một trong những thành tựu của điện ảnh thế kỷ 20. Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao, nhận đề cử Oscar và thậm chí là phá kỷ lục, trở thành bộ phim có doanh thu nội địa (Mỹ) cao nhất ở thời điểm đó với 359,1 triệu USD.

Thông điệp mạnh mẽ và những cảnh quay nổi da gà, E.T là một trong những bộ phim có khả năng chạm tới trái tim của mọi tầng lớp khán giả. Tuy nhiên, trẻ em ở Thụy Điển không nằm trong danh mục này.

Khi bộ phim ra mắt, Ủy ban phim ảnh tại quốc gia Scandinavi này đã thông qua luật ấm trẻ em dưới 11 tuổi không được xem E.T. Lý do được đưa ra là vì phim khắc họa hình ảnh người lớn là "kẻ thù của trẻ em". 

2012 (2009)

2012 không được chiếu ở Triều Tiên.

Có thể nói, 2012 của đạo diễn Roland Emmerich đã ra rạp không đúng thời điểm.

Trình làng năm 2009, bộ phim ra đời đúng vào năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh vị lãnh tụ Triều Tiên Kim Il Sung. Để giữ không khí cho sự kiện lớn của quốc gia, 2012 đã bị cấm chiếu vì giới chức quốc gia Đông Á này không muốn bất kỳ điều gì tiêu cực được phát trên màn ảnh. Và chắc chắn, nhìn cả thế giới sụp đổ ngay trước mắt không phải là điều vui vẻ gì. 

Blue Jasmine (2013)

Blue Jasmine.

Năm 2013, Blue Jasmine của Woody Allen đại thắng ở tất cả các lễ trao giải, trong đó có giải Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc dành cho Cate Blanchett. Đây cũng được coi là màn trình diễn ấn tượng nhất trong sự nghiệp của nữ diễn viên 46 tuổi. 

Tuy nhiên, tín đồ phim ảnh ở Ấn Độ không được sống trong bầu không khí phim ảnh đó. Quốc gia Nam Á này cấm chiếu Blue Jasmine vì có 2 cảnh hút thuốc trong phim.

Luật pháp Ấn Độ cấm đưa thuốc lá lên mọi loại hình nghệ thuật vì lo ngại chúng sẽ quảng bá thêm cho sản phẩm nổi tiếng nguy hiểm này.

Trên thực tế, Ấn Độ cấm hút thuốc lá nơi công cộng trên toàn quốc từ 2/10/2008. Ước tính có khoảng 120 triệu người Ấn Độ hút thuốc và theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), quốc gia này là "nhà" của 12% số người hút thuốc trên toàn cầu. Tính đến năm 2009, có khoảng 900.000 người chết mỗi năm tại Ấn Độ là vì thuốc lá.

Borat (2006)

Borat của Sacha Baron Cohen là một bộ phim gây tranh cãi.

Dù có được thành công lớn tại Mỹ nhưng bộ phim hài này lại không được đón nhận trên nhiều quốc gia. 

Tuyên bố bộ phim có một số cảnh "làm khán giả khó chịu", "nhạy cảm về tôn giáo", Nga đã cho Borat vào danh sách đen. Và Nga không phải là quốc gia duy nhất. Toàn bộ các quốc gia Ả rập (trừ Lebannon) cũng cấm chiếu Borat.

Thậm chí, một tổ chức ở Đức cũng đề nghị cấm chiếu Borat vì cho rằng bộ phim xúc phạm người Gypsy.

The Interview (2014)

The Interview có lẽ là một trong những "ca" kỳ lạ nhất trong lịch sử Hollywood.

Với nội dung xoay quanh 2 nhà báo Mỹ nhận lệnh của CIA ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ngay từ đầu bộ phim đã gây chú ý trên khắp thế giới. Không được ra rạp, thậm chí bất kỳ ai bị bắt gặp xem bản lậu của bộ phim này tại Triều Tiên cũng sẽ bị tử hình. 

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là The Interview cũng bị cấm chiếu ở Mỹ, dù chỉ là trong một thời gian ngắn.

Tháng 11/2014, một nhóm hacker có tên Guardians of Peace - được FBI khẳng định là có quan hệ với Triều Tiên - đã tấn công trang web của công ty phát hành Sony Pictures, tuyên bố sẽ tái hiện vụ khủng bố 11/9 với bất kỳ rạp nào "dám" chiếu The Interview.

Vì lý do an toàn, The Interview đã phải chịu cảnh "đắp chiếu". Cuối cùng, bộ phim được phép chiếu hạn chế tại một số rạp.

H.G

Bạn có thể quan tâm