Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 bộ phim cổ trang lăng xê nhiều ngôi sao

“Hồng lâu mộng”, “Tây du ký”, “Hoàn Châu cách cách”… đã đưa nhiều gương mặt trẻ trở thành những minh tinh, tài tử trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ.

Tây du ký (1986)

Bộ phim Tây du ký 1986 do nữ đạo diễn Dương Khiết thực hiện đã được ghi nhận là thành công nhất khi đưa danh tác văn học của Ngô Thừa Ân lên màn ảnh nhỏ. Suốt gần 30 năm qua, cứ đến hè, tác phẩm này lại được phát sóng, thu hút nhiều thế hệ khán giả.

Hình ảnh 4 thầy trò Đường Tăng đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả say mê Tây du ký 1986.

Tây du ký 1986 không chỉ đình đám với 4 thầy trò Đường Tăng - Trì Trọng Thoại (Uông Việt, Từ Thiếu Hoa), Tôn Ngộ Không - Lục Tiểu Linh Đồng, Trư Bát Giới - Mã Đức Hoa và Sa Tăng - Diêm Hoài Lễ. Tác phẩm cũng đã tạo nên tên tuổi cho nhiều diễn viên dù chỉ là vai phụ, như Chu Long Quảng - Như Lai Phật Tổ, Tả Đại Phân - Phật Bà Quan Âm…

Hồng lâu mộng (1987)

Đã nhiều lần được chuyển thể nhưng chỉ có phiên bản truyền hình Hồng lâu mộng 1987 được đánh giá cao, trung thành với nguyên tác văn học của Tào Tuyết Cần. Nhiều diễn viên mới bước chân vào nghề, hay thậm chí không chuyên đã nổi tiếng sau khi tham gia tác phẩm này.

Tạo hình của các nhân vật trong Hồng lâu mộng 1987 đã trở thành kinh điển.

Nói đến Hồng lâu mộng 1987 là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh Lâm Đại Ngọc mong manh của Trần Hiểu Húc, công tử Giả Bảo Ngọc nhẹ nhàng của Âu Dương Phấn Cường, hay nàng Vương Hy Phượng với biệt danh Phượng Ớt qua diễn xuất của Đặng Tiệp...

Hoàn Châu cách cách (1997)

Phim nữ văn sĩ Đài Loan Quỳnh Dao thường được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết vốn rất ăn khách của chính bà nên luôn tạo được hiệu ứng rất tốt, hầu hết những diễn viên may mắn được chọn đóng vai chính đều nổi tiếng.

Hoàn Châu cách cách từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ châu Á những năm cuối thế kỷ 20.

Tuy nhiên, Hoàn Châu cách cách là trường hợp đặc biệt trong số những tác phẩm truyền hình của Quỳnh Dao vì bộ phim đã tạo bệ phóng cho cả những nhân vật phụ. Ngoài bộ tứ Tiểu Yến Tử (Triệu Vy), Hạ Tử Vy (Lâm Tâm Như), Ngũ A Ca (Tô Hữu Bằng), Nhĩ Khang (Châu Kiệt), tác phẩm đã lăng xê thành công Phạm Băng Băng (Kim Tỏa), Tình Nhi (Vương Diễm), Lưu Đan (Hàm Hương)…

Ngoài ra, Hoàn Châu cách cách còn là cơ hội để nhiều nghệ sĩ lớn tuổi đến gần với công chúng trẻ qua những vai ấn tượng như Dung ma ma - Lý Minh Khải, Hoàng A Mã - Trương Thiết Lâm, Hoàng hậu - Đới Xuân Vinh…

Bộ bộ kinh tâm (2011)

Dù không phải là tác phẩm tiên phong của dòng phim vượt thời gian nhưng Bộ bộ kinh tâm được đánh giá là bộ phim truyền hình thành công nhất, tạo nên cơn sốt trên mạng năm 2011.

Lưu Thi Thi và Ngô Kỳ Long đã phim giả tình thật khi đóng Bộ bộ kinh tâm.

Tác phẩm đã giúp nữ diễn viên trẻ vô danh Lưu Thi Thi trở thành một cái tên được yêu thích với nhân vật chính Trương Hiểu/Nhược Lan. Ngô Kỳ Long và Trịnh Gia Dĩnh tìm thấy mùa xuân thứ 2 khi thể hiện vai Tứ A Ca và Bát A Ca.

Đặc biệt, một dàn gương mặt trẻ đã tỏa sáng cùng các vai diễn trong Bộ bộ kinh tâm, như Lâm Canh Tân (Thập Tứ A Ca), Hàn Đống (Cửu A Ca), Diệp Tổ Tân (Thập A Ca)…

Hậu cung Chân Hoàn truyện (2012)

Nếu phải chọn bộ phim truyền hình cổ trang Hoa ngữ đình đám, được đánh giá cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây thì đó chính là Hậu cung Chân Hoàn truyện. Không chỉ ăn khách tại bản xứ, tác phẩm còn tạo hiệu ứng rất lý tưởng khi phát sóng tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Canada… và gần đây là ở Mỹ.

Nữ diễn viên Tôn Lệ gắn liền tên tuổi với hình ảnh nàng Chân Hoàn.

Hậu cung Chân Hoàn truyện đã trở thành cơ hội cho rất nhiều diễn viên lên hàng sao như Tôn Lệ (Chân Hoàn), Tưởng Hân (Hoa Phi), Lan Hy (Thẩm Mỵ Trang)… hay hâm nóng tên tuổi những gương mặt tưởng chừng bị quên lãng như Thái Thiếu Phân (Hoàng hậu), Trần Kiến Bân (Hoàng đế)…


Anh Dương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm