Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 ca khúc cũ lan tỏa trong sự kiện Biển Đông

Nhiều bài hát thể hiện tình yêu quê hương, biển đảo, qua sự trình bày của tập thể có sức tác động lớn tới người dân Việt trong thời điểm này.

Nối vòng tay lớn

Nối vòng tay lớn được Trịnh Công Sơn viết vào năm 1968, nói về ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam - Bắc. Ca khúc càng trở nên ý nghĩa khi là bài hát đầu tiên được vang lên trên sóng của Đài phát thanh Sài Gòn vào ngày giải phóng 30/4/1975, do chính cố nhạc sĩ họ Trịnh thể hiện.

Nhóm nhạc Unlimited tham gia góp sức trong MV Nối vòng tay lớn phiên bản rock.

Hơn 40 năm trôi qua, giai điệu và lời ca ý nghĩa của Nối vòng tay lớn đã nằm lòng trong nhiều thế hệ trẻ Việt Nam, trở thành bài hát mở đầu trong các hoạt động tập thể của học sinh - sinh viên trên khắp cả nước. “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng/ Trời rộng, bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam” đã được hát lên bằng tất cả niềm hân hoan, nhiệt thành của tuổi trẻ. Để rồi, những cuộc gặp gỡ xa lạ bỗng chốc hóa thân tình. Vòng tay nối liền giống như một biểu trưng cho sự đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc, ôm trọn quê hương vào lòng.

Ca khúc Nối vòng tay lớn từng được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng nổi bật nhất vẫn là phiên bản rock do các ban nhạc đình đám Việt Nam: Thủy Triều Đỏ, Unlimited, Microwave, The Light, Prophecy... cùng thể hiện. Bản phối theo phong cách rock đã mang tới cho ca khúc một sức sống mới, tiếp thêm lửa cho hàng triệu người Việt trẻ. MV do đạo diễn Nguyễn Thắng Vũ thực hiện trong gần 4 năm cũng được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều hơn trong thời gian gần đây, khi cả nước đang đồng lòng hướng về Biển Đông, tỏ rõ tình yêu dành cho quê hương, đất nước. 

Trong 5 phút của MV, người xem có thể bắt gặp nhiều địa danh nổi tiếng như bờ hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, nhà thờ Đức Bà, Nha Trang, Đà Nẵng,... Hình ảnh chú bé bán hủ tiếu gõ bằng xe đạp, những người nghèo nơi góc phố đến biển người hò hét nhảy múa trong một sân vận động... đều được đạo diễn lựa chọn rất kỹ để đưa vào MV.

Bâng khuâng Trường Sa

Trong số những ca khúc mới về đề tài biển đảo, Bâng khuâng Trường Sa thu hút sự chú ý bằng tình cảm chân thành của chàng trai đất liền dành cho biển đảo thân thương. Ca khúc do nhạc sĩ Lê Đức Hùng phổ nhạc từ bài thơ Thao thức Trường Sa của nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ – Phó ban tuyên giáo TW – viết sau chuyến thăm Trường Sa vào tháng 4/2012.

Bâng khuâng Trường Sa là chuỗi những cảm xúc lắng đọng, luyến lưu trên con tàu trở về với đất liền, nhìn những đảo lớn, đảo nhỏ khuất xa dần khỏi tầm mắt. Xen lẫn giữa những ký ức của tác giả về Trường Sa - nơi có "vòng tay ấm bao chuyện buồn vui", là lòng tự hào sâu sắc và nỗi xúc động nghẹn ngào dành cho những người lính đảo đang ngày đêm cạnh giữ cho đất liền. "Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/ Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa/ Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió/ Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào".

Để bày tỏ tấm lòng hướng về Biển Đông, vào năm 2013, các ca sĩ trẻ như Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Noo Phước Thịnh, nhóm 365, Quốc Thiên... đã cùng nhau thu âm ca khúc này với bản phối mới trẻ trung nhưng cũng không làm mất đi tinh thần của ca khúc. 

Tự nguyện

Sáng tác của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đã mang đến một cái kết trọn vẹn cho đêm trao giải Vietnam Idol 2014. Qua phần trình diễn của Quán quân Nhật Thủy, dù còn đôi chỗ phô, chênh vì lý do sức khỏe, nhưng thông điệp yêu chuộng tự do, hòa bình lại được lan tỏa trong hàng triệu trái tim của người dân đất Việt đang từng ngày, từng giờ mong mỏi tin tức từ nơi đầu sóng.

Nhật Thủy hát "Tự nguyện" trong đêm chung kết Vietnam Idol.

Dựa theo lời thơ Tố Hữu, sáng tác của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều trong thời gian gần đây. Ca khúc giống như một lời tự nhắn nhủ bản thân: "Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm/ Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền/ Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm/ Cùng muôn trái tim ngất say hòa bình". Lời ca ngắn gọn, súc tích hòa với giai điệu nhẹ nhàng, dễ thuộc đã reo vào lòng người nghe nhiều xúc cảm, làm bùng nổ hào khí dân tộc vốn đã được khơi dậy trong nhiều ngày qua.

Chia sẻ về phần biểu diễn ca khúc Tự nguyện trong đêm Gala trao giải, Nhật Thủy nói: "Khi đón nhận ngôi vị Thần tượng âm nhạc, đứng ở sân khấu hoành tráng trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem trên sóng truyền hình quốc gia và ngay trong thời điểm quan trọng của đất nước, là một công dân của Việt Nam, Thủy rất muốn được hát tặng khán giả ca khúc Tự nguyện mang ý nghĩa biểu trưng cho hòa bình".

Bay qua Biển Đông

Sáng tác mới của chàng chuyên viên thiết kế đồ họa sinh năm 1979 Lê Việt Khánh ra đời từ những cảm xúc yêu nước dâng tràn trước sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp hai tàu thăm dò của Việt Nam trong lãnh hải nước ta vào tháng 6/2013. Ca khúc Bay qua Biển Đông được hoàn thành chỉ sau 4 tiếng. Bản phối ban đầu cũng được chuyển từ pop ballad nhẹ nhàng thành phong cách rock hừng hực và dữ dội, đưa cảm xúc đến thẳng trái tim người nghe.

Bay qua Biển Đông có tiết tấu nhanh, mạnh mẽ nhưng nội dung lại tràn đầy tình cảm của đất liền dành cho những người lính đảo. Chia sẻ cảm nhận về ca khúc này, Thượng úy Thái Đàm Hồng từ đảo Song Tử Tây cho biết: "Nghe Bay qua biển Đông như nhớ lại một thời tuổi trẻ rất sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết của đồng đội và tôi. Suốt gần 10 năm công tác ở Trường Sa, đây là lần đầu tiên tôi nghe một bài hát về Trường Sa  lạ đến như vậy. Lạ từ giai điệu cho đến phong cách, cả sự thể hiện cũng mới mẻ và đặc biệt rất bốc”.

Nơi đảo xa

Nơi đảo xa - sáng tác của nhạc sĩ Thế Song - là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất về đề tài biển đảo. Ca khúc được ông sáng tác sau một chuyến đi thực tế ở biên giới vùng Đông Bắc vào tháng 4/1979. Nhạc sĩ kể lại, khi dừng chân tại một trạm sửa chữa tàu biển của Hải quân ở Hạ Long, ông đã có cơ hội được nghe tâm tư của những chiến sĩ trẻ vừa trở về từ hải đảo. Chuyến đi này đã mang tới cho ông những xúc cảm dạt dào, tạo cảm hứng để ông hoàn thành ca khúc Nơi biển xa với câu chuyện về những chàng thanh niên trẻ gạt bỏ tình riêng, cùng nhau lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Tâm sự của người lính hải đảo hiện lên trữ tình, da diết ngay từ những câu hát mở đầu: "Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua". Gửi lại nỗi nhớ vào đất liền - nơi có gia đình và người thân, những chiến sĩ vượt sóng ra khơi, tháng năm quen mùi gió biển mặn nồng, da nhuốm màu nắng nhưng lại coi đó là niềm vui và tự hào khi lấy sự bình yên của cả đất nước làm động lực. 

Những ngày gần đây, cộng động mạng truyền tay nhau clip Nơi đảo xa với sự tham gia của 600 người gồm nhiều thành phần trong xã hội. Từ các ca sĩ nổi tiếng như Giáng Son, Minh Quân, Thùy Chi, Lưu Hương Giang,.. đến phần đồng ca của học sinh - sinh viên, cán bộ nhân viên và cả những cụ già thuộc lớp người đi trước. Tất cả thể hiện sự chung sức, đồn lòng của mọi thế hệ người Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Video Nơi đảo xa phiên bản mới mở đầu bằng khung cảnh quen thuộc của biển đảo quê hương, kết thúc với hình ảnh nhân dân đất Việt cùng tụ lại trên bản đồ hình chữ S, trong đó thể hiện rất rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng Ca (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm