Nói lời chia tay cũng là một nghệ thuật. Làm sao để sự ra đi của một người sẽ không gây hận thù cho người ở lại? Làm sao để cả hai vượt qua được cảm giác thất bại của một tình yêu?
Tình yêu vốn không dễ bảo. Nó có thể làm cho ta tràn ngập hạnh phúc, nó có thể cho ta chìm đắm trong đau khổ thất vọng. Và điều khó chịu nhất mà tình yêu mang lại, chính là khi phải chấm dứt một mối tình. Đó là thời điểm khó khăn nhất của những người trong cuộc.
Cho dù vì bất cứ lý do gì thì khi chấm dứt một mối tình đều làm cho cả hai cùng bối rối và đau buồn. Đã quen với cảm xúc, những suy nghĩ, sinh hoạt có nhau, đã quen với cảm giác quyền sở hữu và thuộc quyền sở hữu, sự thay đổi sẽ làm xáo trộn cuộc sống. Vì thế, thông báo về quyết định chia tay sẽ cần được chuẩn bị kỹ càng. Cần một thời điểm chín muồi và hợp tình hợp lý. Tránh việc gây sốc cho người ở lại và sự chống chuếnh của người ra đi.
|
Quan trọng nhất là thái độ khi thông báo quyết định chia tay. Ảnh minh hoạ. |
Quan trọng nhất là thái độ khi thông báo quyết định chia tay. Cho dù có thể thất vọng, tức giận hay “không còn chịu nổi người đó nữa”, thì bạn vẫn cần có thái độ tôn trọng trong thời điểm này. Người bị chia tay sẽ không có cảm giác bị xúc phạm, rồi họ sẽ bình tĩnh hơn để suy ngẫm về những gì đang xảy ra. Họ cảm giác mình cũng có lỗi trong sự đổ vỡ và sẽ giảm bớt cảm giác mất mát.
Đừng thông báo chia tay với một sự thách thức. Bạn cần hiểu tâm trạng của người đang đón nhận thông tin ấy. Trong mất mát đau buồn mà bị người khác thách đố, họ sẽ muốn đạp đổ tất cả. Họ sẽ không còn muốn giữ lại những gì đã có, kể cả mình và người yêu mình. Họ sẽ bị tính hiếu thắng xui khiến để có những hành động bốc đồng, xốc nổi. Họ bị kích động và sẽ làm liều.
Đừng để cho họ cảm giác bị thất bại. Họ sẽ thấy nhục nhã và muốn chứng tỏ mình. Hãy nói để họ biết rằng, chia tay có thể là tốt cho cả hai. Vì khi hai người có hoàn cảnh, điều kiện, tính cách không hợp nhau thì không mang lại sự bình yên cho tình yêu. Thậm chí nếu kéo dài mối quan hệ sẽ làm khổ nhau, làm mất đi cơ hội để tìm được hạnh phúc. Bạn vẫn biết tình yêu là cảm xúc. Cảm xúc thay đổi theo hoàn cảnh, theo thời gian. Hôn nhân thường xuất phát từ tình yêu. Nhưng không phải mối quan hệ yêu đương nào cũng thành chồng thành vợ. Bạn hãy nói nhẹ nhàng để người ấy của bạn hiểu, vì còn thiếu nhiều yếu tố nên tình yêu này không cùng nhau tới bến bờ.
Đừng cố thay đổi người khác trước khi nói lời chia tay. Những lời nói, phê bình, chê bai, chì chiết sẽ khiến cho người ấy cảm thấy mình thấp kém. Người ấy nghĩ rằng bạn coi người ấy không xứng đáng. Mặc cảm tự ti khiến cho người ấy dễ nổi giận và có suy nghĩ “không ăn được sẽ đạp đổ”. Cần nói ngắn thôi, nhẹ nhàng, và không cần dài dòng giải thích. Chỉ cần cho họ biết rằng, bạn đã suy nghĩ kỹ về quyết định của mình. Sự ra đi của bạn sẽ là cơ hội để người ấy tìm được một người phù hợp. Người ấy sẽ từ từ nhận thấy điều này.
Đừng nói lời chia tay khi người yêu bạn đang trong cơn khủng hoảng. Họ có thể đang loay hoay với những khó khăn khác như tài chính, công việc, gia đình. Trong thời điểm đó, mất bạn họ sẽ mất một nguồn lực lớn về tinh thần. Trong cơn hoảng loạn họ sẽ không tỉnh táo để chấp nhận thêm lời từ chối tiếp tục yêu của bạn. Hãy để cho họ bình tĩnh sắp xếp lại cuộc sống. Họ sẽ tìm thấy được niềm vui, điểm tựa khác khi không có bạn. Cần giúp họ cân bằng và thích nghi.
Đừng bao giờ để người ấy nghĩ rằng vì có người thứ ba mà bạn nói lời chia tay. Họ có thể cảm thấy không có trách nhiệm trong việc đổ vỡ. Họ sẽ gán cho bạn là người không chung thủy. Họ có thể tức giận khi người thứ ba là nguyên nhân của cuộc chia tay này. Bạn hãy nói với người ấy rằng bạn cảm giác không còn yêu như ngày nào. Bạn hãy yêu cầu rằng gặp nhau ít hơn và liên lạc thưa hơn. Người ấy sẽ bắt đầu tập thói quen không có bạn thường xuyên bên cạnh. Họ cần thích nghi với cuộc sống không phụ thuộc vào bạn.
Khi bạn đã chuẩn bị kỹ càng, bạn hãy chọn một địa điểm thích hợp để gặp người ấy. Bạn sẽ phải dũng cảm để đối diện với người ấy và sự thật. Có thể người ấy cũng đã linh cảm về sự đổ vỡ này. Nhưng dù sao bạn cũng nên thận trọng với những phản ứng tức thời khi nghe tin. Bạn chọn một nơi mà vừa có chút riêng tư những vẫn có người có thể hỗ trợ bạn. Bạn sẽ thấy yên tâm hơn và người ấy cũng thấy cần kiểm soát hành vi của mình.
Có thể bạn đã “có kinh nghiệm” khi chia tay một vài mối tình. Nhưng cũng đừng chủ quan, vì mỗi người yêu của mình có một tính cách khác. Tùy thuộc vào từng đối tượng, từng thời gian lâu mau của mối quan hệ, tùy vào nguyên nhân để bạn nói một lời chia tay. Bạn chuẩn bị kỹ càng thì sẽ giảm bớt rủi ro cho sự an toàn của bạn và gia đình. Sự chuẩn bị của bạn cũng làm cho chính bạn không bị hụt hẫng sau khi chia tay tình yêu. Từ chối tình yêu cũng là một nghệ thuật. Nghệ thuật nói sao để “chối” mà không phải “từ”.
Theo Luật gia, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ/Báo Pháp Luật TP HCM