Đối mặt với đồng nghiệp đáng tuổi cha mẹ của mình, dù có ý thức hay không, bạn dễ có nguy cơ rơi vào mối quan hệ cha - con.
1. Thoát khỏi mối quan hệ cha - con
Là con không thể yêu cầu bố mẹ mình phải hoàn thành việc gì đó đúng hạn, không thể phê bình hay nhận xét thẳng thắn. Nếu chấp nhận mối quan hệ kiểu này, bạn sẽ không thể nào yêu cầu những đồng nghiệp lớn tuổi của mình làm việc nghiêm túc và hiệu quả.
Để tránh khỏi điều này, bạn nên nhắc mình rằng, nếu mình được chỉ định làm lãnh đạo và phải chịu trách nhiệm quản lý một ê-kíp, nghĩa là đã chứng tỏ rằng mình là người có năng lực.
Nói thì dễ nhưng phải làm thế nào? Bạn có thể viết ra trên một tờ giấy danh sách những năng lực và ưu điểm đã được khẳng định bởi cấp trên qua sự nghiệp của bạn. Bạn cũng có thể xem lại kết quả đánh giá năng lực hàng năm của mình nếu có.
Nếu bạn thấy không tự tin, có thể theo học một khóa bổ trợ về quản lý. Nhưng hãy thận trọng, vì sự tự tin và khẳng định mình không có nghĩa là dành cho ê-kíp của mình sự chiếu cố, chiều chuộng và càng không phải sự lạnh lùng độc đoán.
Hãy nhớ rằng, những nhân viên lớn tuổi không phải cha mẹ bạn, cũng không phải những "đứa trẻ lớn", họ chỉ là cộng sự mà thôi.
2. Thoát khỏi suy nghĩ sai lệch về thế hệ đã qua
"Nhân viên lớn tuổi là những người đã bị thời gian bỏ quên, không theo kịp công nghệ và không còn cần thiết cho cuộc sống của doanh nghiệp đang thay đổi từng ngày nữa".
Đây là nhầm lẫn tệ hại một số nhà lãnh đạo trẻ có thể mắc phải. Thực ra, suy nghĩ của những nhân viên lớn tuổi rất khác nhau. Một số người chỉ mong muốn sớm được về hưu và không còn thiết tha với công việc. Nhưng một số khác lại tràn đầy nhiệt huyết và muốn tham gia vào các dự án mới.
Nên dành thời gian để hiểu đội ngũ nhân viên của mình và biết trạng thái tinh thần của mỗi người họ.
3. Sự kính trọng
Hãy coi trọng vai trò của mỗi người trong ê-kíp, mỗi người đều đặc biệt và không có ai là cao cấp hơn người khác.
Thế hệ người trẻ và già tạo nên sự khác biệt về nhận thức xã hội, văn hóa và đóng góp cho công việc. Nếu không tính đến những điểm này, hoạt động của công ty có thể bị ảnh hưởng.
Ví dụ như rất nhiều người trẻ tuổi ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Vì thế nếu công việc hiện tại không đáp ứng tiêu chí này, họ sẵn sàng thay đổi. Trong khi những nhân viên lớn tuổi hơn ngại sự thay đổi và đôi khi hy sinh cuộc sống gia đình để giữ lại việc làm hoặc tìm tới sự thăng tiến.
Nếu như thế hệ lãnh đạo trẻ thường xuyên dùng email hoặc coi công nghệ mới như phương tiện liên lạc số một, thì thế hệ lớn tuổi thích những cuộc họp và trao đổi trực tiếp hơn.
Cũng như vậy, thế hệ trẻ hay dùng những từ ngữ tiếng nước ngoài, lên mạng và nghe nhạc trong giờ làm việc, cách ăn mặc thường thoải mái hơn thế hệ lớn tuổi.
Làm người quản lý, bạn nên thích ứng với những sự khác biệt này và coi trọng những thói quen của họ: hãy nói chuyện thường xuyên thay vì gửi mail, cố gắng quan tâm tới những sở thích đôi khi lỗi thời của họ, khuyến khích nhân viên làm quen với công nghệ thay vì phán xét sự yếu kém về năng lực của họ.
4. Bỏ qua chiếc mũ "sếp"
Thông thường để thể hiện sự quyết đoán của mình, người quản lý trẻ có xu hướng tận dụng quyền lực sếp của mình để ra lệnh.
Nhưng thực ra, bạn không nên tỏ ra mình là đứa-trẻ-30-tuổi cố gắng làm tất cả, thấy tất cả, hiểu tất cả và luôn mong muốn đảo lộn tất cả thói quen và hoạt động của tổ chức.
Những đồng nghiệp lớn tuổi của bạn sẽ không bị lừa vì sự lạm dụng quyền lực này. Họ sẽ hiểu rằng, đó là biểu hiện của sự thiếu tự tin, không thể thể hiện tính quyết đoán, vì thế họ sẽ tận dụng khe hở này.
Ngược lại, một chút khiêm nhường sẽ không làm bạn bị hớ. Một người lãnh đạo hiểu biết không sợ công nhận khả năng của các đồng nghiệp.
Bạn có thể đặt ra những câu hỏi về kỹ thuật, đưa ra nhận xét tích cực về sự thạo việc hay năng lực của một cộng sự tài ba. Đó là những dấu hiệu thể hiện sự coi trọng của sếp mà những nhân viên rất mong nhận được trong khoảng thời gian cuối sự nghiệp của mình.
5. Sẵn sàng tiếp nhận thông tin và sự hướng dẫn
Để bù đắp những thiếu sót về kinh nghiệm, những sếp trẻ có thể theo học một khóa đặc biệt về quản lý, hoặc tìm "huấn luyện viên".
Một mối liên hệ thường xuyên với cấp trên của bạn cũng có thể đem lại cho bạn những lời khuyên từ người nhiều kinh nghiệm hơn.
Bạn cũng có thể kết hợp với bộ phận tuyển dụng: những người nhân viên lớn tuổi hoàn toàn có thể đào tạo những nhân viên mới gia nhập công ty. Tại sao bạn không tham khảo kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo thành công khác?