Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

5 dấu hiệu của đứa trẻ hư

Một số dấu hiệu dưới đây cho thấy đứa trẻ đang có xu hướng phát triển theo chiều hướng không tốt và phụ huynh cần điều chỉnh lại điều đó.

Phụ huynh thường ghét nhìn thấy con không vui, vì vậy, đôi khi họ cảm thấy việc nhượng bộ dễ dàng hơn nhiều so với nói "Không".

Tuy nhiên, việc liên tục nuông chiều vô tình tạo cho trẻ thói quen xấu, có thể gây hại về lâu dài. Bà Michele Borba - nhà tâm lý học giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái - từng chứng kiến những đứa trẻ hư khi lớn lên trở thành những người lớn ích kỷ, bất hạnh, thường xuyên bất mãn.

Chia sẻ với CNBC, bà Michele Borba chỉ ra những dấu hiệu của đứa trẻ hư mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:

  • Không thích cha mẹ nói “Không": Tất cả đứa trẻ đều có thói quen đòi hỏi cha mẹ một thứ gì đó. Tuy nhiên, đứa trẻ hư thường mong đợi mọi thứ phải được thực hiện theo cách của chúng. Trên thực tế, chúng sẽ là người nói “Không", thay vì bố mẹ.
  • Thích nhận hơn là cho: Những đứa trẻ hư không đánh giá cao những điều người khác làm cho chúng. Thay vì nói "Cảm ơn" hoặc "Làm ơn", chúng sẽ đưa ra yêu cầu bắt buộc.
  • Yêu cầu mọi thứ càng sớm càng tốt: Trẻ hư thường cho rằng người khác không gặp bất tiện khi thực hiện yêu cầu của chúng. Trẻ thường hy vọng người khác đặt ưu tiên cá nhân của họ sang một bên và phục vụ chúng.
  • Chỉ nghĩ về bản thân: Trẻ thường cảm thấy có quyền và mong đợi những ưu đãi đặc biệt. Ví dụ, nếu một bạn trong lớp nhận được quà, chúng sẽ khó chịu và nói “Con xứng đáng hơn bạn đó".
  • Không bao giờ hài lòng với những gì mình có: Trẻ đã có rất nhiều đồ chơi, nhưng không bao giờ là đủ. Những đứa trẻ hư sẽ luôn muốn nhiều thứ hơn nữa.

Với những dấu hiệu trên của trẻ, bà Borba cho rằng nếu thay đổi phương pháp dạy con mới, phụ huynh không nên mong đợi trẻ sẽ nhanh chóng tiến bộ. Ban đầu, chúng có thể sẽ kháng cự, vì vậy, cha mẹ nên kiên nhẫn và tuyệt đối không nhượng bộ.

dau hieu tre hu anh 1

Để ngăn chặn trẻ phát triển theo chiều hướng tiêu cực, cha mẹ nên kiên nhẫn và tuyệt đối không nhượng bộ. Ảnh: Shutterstock.

Kiên quyết từ chối

Cha mẹ thường cho rằng việc họ từ chối con cái sẽ khiến chúng sụt giảm lòng tự trọng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được nuôi dạy theo khuôn mẫu, ít nuông chiều sẽ có lòng tự trọng cao hơn và dễ đồng cảm với người khác.

Khi từ chối, phụ huynh hãy đưa ra lý do ngắn gọn để trẻ hiểu tại sao cha mẹ làm vậy.

Khen ngợi những điều đúng

Nếu trẻ nghiện khen ngợi, cha mẹ nên khen ngợi khi chúng làm điều gì đó cho người khác. Điều này sẽ củng cố tầm quan trọng của việc chăm sóc.

"Đừng vội hỏi 'Con làm được gì trong bài kiểm tra', thay vào đó, cha mẹ hãy nói 'Con hãy kể về một điều tốt đẹp đã làm cho ai đó hôm nay'", bà Borba gợi ý.

Dạy con lòng biết ơn

Dạy con lòng biết ơn sẽ giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc, dám đương đầu với nghịch cảnh và tăng sự hài lòng trong cuộc sống.

Cha mẹ có thể tổ chức các buổi tri ân với con cái. Với những đứa trẻ nhỏ hơn, có thể dạy chúng vẽ về những thứ chúng biết ơn và hướng dẫn trẻ lớn hơn viết những điều chúng đánh giá cao vào nhật ký.

"Cha mẹ cũng có thể gợi mở những điều được đánh giá cao trong bữa ăn tối, hoặc tạo lập nhật ký gia đình về lòng biết ơn", bà Borba nói.

Kéo dài thời gian chờ đợi

Nghiên cứu cho thấy khả năng tạm dừng, chờ đợi và trì hoãn có mối tương quan với thành công trong học tập và tài chính tương lai.

Cha mẹ có thể thực hành bằng một số cách sau:

  • Nếu đang nghe điện thoại nhưng con muốn bạn chú ý, hãy ra hiệu "Để sau nhé" với trẻ.
  • Nếu con muốn mua chiếc áo ngay lúc đó, hãy nói với con "Lần sau nhé".
  • Nếu con đẩy em gái ra khỏi ghế để tranh giành sử dụng máy tính, hãy nói "Đợi đã".

Chỉ ra hành động thiếu tế nhị

Bất cứ khi nào con làm điều thiếu cân nhắc, cha mẹ hãy giúp chúng xem xét, để ý cảm xúc người khác.

Khi con tự ý lấy kẹo từ bạn học, phụ huynh có thể hỏi "Con nghĩ bạn sẽ cảm thấy thế nào khi con tự ý lấy kẹo của bạn?", sau đó hãy hỏi "Con có thể làm gì để tránh những cảm giác tổn thương đó?".

Việc đặt những câu hỏi phù hợp sẽ giúp trẻ học được sự đồng cảm và nhận ra hành động của chúng ảnh hưởng đến người khác.

Dạy trẻ biết cho đi

Cha mẹ nên tìm cơ hội để con làm điều gì đó cho người khác, hoặc cùng nhau trải nghiệm cảm xúc khi được cho đi.

Khi nói đến việc nhận lại, hãy đặt giới hạn cho việc nhận các món đồ và tuân thủ chúng. Cuối cùng, cha mẹ hãy dạy trẻ trả lời lịch sự, biết nói lời cảm ơn và trân trọng.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Dạy con cách làm chủ cảm xúc

Trẻ em không giống người lớn, chúng không đủ khả năng để kiềm chế những cảm xúc mạnh mẽ. Chính vì vậy, rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc là yếu tố giúp trẻ phát triển toàn diện.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm